Overclocking for dummies phần 4: Ép xung card đồ họa dùng 24/7
Hôm nay hãy cùng tìm hiểu cách tăng sức mạnh cho chiếc card đồ họa thông qua việc ép xung mà vẫn giữ cho chiếc card hoạt động ổn định 24/7.
Chào mừng trở lại với Overclocking for Dummies. Loạt bài “...for Dummies” sẽ giới thiệu một cách đơn giản nhất những gì cá nhân mình biết cũng như hướng dẫn sơ bộ về các kiến thức máy tính để anh em mới bắt đầu tìm hiểu máy tính tham khảo. Hôm nay hãy cùng lag.vn tìm hiểu cách tăng sức mạnh cho máy tính của mình qua việc ép xung chiếc card đồ họa yêu dấu của mình.
Không công phu như ép xung CPU hay RAM, ép xung card đồ họa có phần dễ dàng hơn vì các card đồ họa hiện đại đều có thể dễ dàng ép xung chỉ với một phần mềm thích hợp mà không cần phải trang bị thêm mainboard hay CPU mở khóa tính năng ép xung. Tuy nhiên dạng ép xung này đòi hỏi nhiều thời gian hơn vì người dùng phải cẩn thận nâng từng thông số một, sau đó kiểm tra lại khả năng hoạt động ổn định. Cũng dễ hiểu, card đồ họa là một trong những thành phần đắt tiền nhất trong bộ máy chơi game hiện nay nên việc cẩn thận khi ép xung không bao giờ là thừa.
Nhưng nếu anh em không muốn tốn thời gian suy nghĩ thì đã có các phần mềm hỗ trợ ép xung tùy theo hãng sản xuất card đồ họa mình đang sử dụng: Gigabyte có Xtreme Egine, EVGA có Precision X, MSI có Gaming App,... Tuy nhiên các phần mềm hỗ trợ ép xung tự động chỉ giúp OC card đồ họa của anh em lên một mức khá thấp, đủ để cải thiện khung hình lên một ít mà thôi. Dĩ nhiên điều đó sẽ cực kỳ an toàn và thoải mái do nhiệt độ của chiếc card đồ họa được ép xung sẽ không vượt ngưỡng hoạt động an toàn được.
Nhưng vậy còn gì là thú vị phải không nào? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn cách “ép xung tay” chiếc card đồ họa yêu dấu của anh em ngay sau đây.
Công cụ cần thiết
Phần mềm hỗ trợ ép xung card đồ họa: nổi tiếng và dễ sử dụng nhất là MSI Afterburner, có thể dùng cho tất cả các card đồ họa chứ không riêng gì của MSI. Tuy nhiên mình khuyên nên dùng theo hãng để được tối ưu nhất.
Phần mềm theo dõi hệ thống, đặc biệt là nhiệt độ card đồ họa: HWMornitor, MSI Afterburner,...
Phần mềm kiểm tra độ ổn định khi hoạt động của card đồ họa sau khi ép xung: 3DMark, Heaven benchmark, Valley benchmark, FurMark,...
Cùng các phần mềm trên để stresstest card đồ họa.
Một file Excel (tùy chọn) để ghi lại hiệu năng, tần số, xung nhịp, nhiệt độ của card đồ họa sau mỗi lần ép xung thành công ở một mức xung nhịp cụ thể giúp theo dõi quá trình ép xung.
Và tất nhiên cuối cùng là một chiếc card đồ họa đã cập nhật driver mới nhất từ nhà sản xuất.
Xin nhấn mạnh lại lần nữa, đây là các ép xung để sử dụng card đồ họa của anh em 24/7 nên luôn ghi nhớ trong đầu 2 điều sau:
Luôn giữ CPU hoạt động ở nhiệt độ ổn định bằng cách tăng số vòng quay quạt tản nhiệt theo nhiệt độ thích hợp hoặc trang bị tản nhiệt nước cho an toàn. Nhiệt độ lý tưởng là 60 tới 70 độ khi chạy stresstest.
KHÔNG được chỉnh GPU Voltage.
Ở đây mình sử dụng card đồ họa Gigabyte GTX 1070 G1 Gaming và phần mềm Gigabyte Xtreme Engine để làm ví dụ.
GPU Overclock
Đầu tiên dùng một profile OC có sẵn trên card đồ họa của bạn bằng các lựa chọn Gaming mode hay OC mode và apply. Ghi lại thông số lên file Excel. Đây sẽ là bản đối chiếu hiệu năng so với các lần OC “tay” sau này của bạn.
Tiếp theo chỉnh các thông số sau:
GPU Voltage: như đã nói, KHÔNG được chỉnh.
Power limit: +11%
Temperature Limit: -3 oC (Target 80 oC)
Memory Clock: +0% (sẽ chỉnh sau)
Sau đó nhấn Apply để lưu lại tùy chỉnh
Qua tab Fan và lựa chọn một cấu hình quạt phù hợp sao cho luôn giữ mức nhiệt độ dưới 70 khi hoạt động.
Nâng mức xung nhịp GPU lên 5%. Nhấn Apply sau mỗi lần thay đổi nhé!
Chạy stresstest theo cách sau:
Chạy 3DMark Graphic test 1 ít nhất 20 vòng lặp
Ghi lại các thông số vào file Excel.
Tiếp tục nâng xung nhịp GPU lên từng bước 10Hz. Ghi lại kết quả vào file Excel. Tiếp tục chạy 3DMark Stresstest, nếu kết quả FSR (Frame Stability Rate ) dưới 97% thì giảm một chút xung nhịp rồi chạy lại 3DMark Stresstest.
Nếu đã ổn định tiếp tục chạy Heaven ít nhất 30 phút. Nếu không bị crash hay xuất hiện các artifact (nhiễu hình) thì tiếp tục qua bài test khác
Chạy Valley trong 30 phút. Nếu không bị crash hay xuất hiện các artifact (nhiễu hình) thì tiếp tục qua bài test khác
Chạy FurMark trong 1h. Nếu không bị crash thì bạn đã cơ bản có được mức xung nhịp GPU thích hợp và tiếp tục chuyển qua nâng mức Memory Clock.
Lưu ý: khi thất bại, hãy giảm 4-5 MHz xung nhịp GPU và chạy lại các bài test.
Memory Overclock
Nâng mức xung nhịp bộ nhớ lên từng bước 24-48 MHz. Ghi lại kết quả vào Excel,
Các bước tiếp theo cũng tương tự như OC GPU clock mà thôi. Nếu bị crash hay xuất hiện artifact thì hạ xung nhịp xuống một ít và tiếp tục test.
Gaming
Sử dụng 4 -5 game yêu cầu đồ họa cao, các game sử dụng thư viện DX12 hay Vulkan để thử hoạt động của card đồ họa trong điều kiện bình thường. Chơi ít nhất 2h một game trên profile đã OC và hoạt động ổn định. Nếu xảy ra hiện tượng giật lag/crash thì hạ mức xung nhịp xuống một ít và chạy lại tới khi ổn định.
Vậy là xong, bạn đã OC thành công chiếc card đồ họa của mình rồi đấy. Với profile này, chiếc card có thể hoạt động mát mẻ và êm ái trong thời gian dài mà không sợ ảnh hưởng tới tuổi thọ linh kiện. Các cấu hình và card đồ họa khác nhau có các mức hoạt động và độ ổn định khác nhau nên cần lưu ý phải thật sự kiên nhẫn thực hiện từng bước một cho đến khi đạt được giới hạn.
Mình chỉ OC “nhẹ” cho chiếc GTX 1070 ở nhà với GPU Clock +100 MHZ và Memory Clock +300 MHz mà thôi, hoạt động êm ái và mát mẻ, luôn dưới 60 oC ở vòng quay quạt thích hợp. Tuy nhiên bạn có thể lên cao hơn nữa và đây chưa phải là tản nhiệt nước.
Đừng ngần ngại tăng sức mạnh cho chiếc card đồ họa của mình ngay hôm nay vì nó miễn phí và cũng khá thú vị. Chúc anh em có được Profile OC phù hợp cho chiếc card đồ họa của bản thân.
Jelly Donuts
Các bài viết trước về Oveclocking các bạn có thể theo dõi bên dưới
Overclock for Dummies phần 1: Những điều cơ bản nên biết khi ép xung.
Overclock for Dummies phần 2: Ép xung RAM cơ bản.
Overclock for Dummies phần 3: Ép xung CPU cơ bản.
Bài cùng chuyên mục