OC là gì? OC ra làm sao?Có nên OC không? OC có khó không? OC cần những gì? Theo dõi bài viết đầu tiên trong series hướng dẫn OC cho người mới là sẽ hiểu thôi.
Dùng nitơ lỏng để OC ở các cuộc thi dành cho dân chuyên
Giới thiệu “sơ sơ” về ép xung
Lang thang trong thế giới máy tính ắt hẳn anh em cũng đã nghe qua ít nhất một lần về ép xung. Nghe thì có vẻ cao siêu ghê gớm lắm cơ nhưng thật ra nó không tới mức “thần thánh” như bạn nghĩ đâu. Nhưng khi đã trang bị cho mình vài kiến thức cơ bản thì bạn có thể tự tin tìm hiểu sâu hơn về thế giới muôn màu của oveclocking rồi đấy. Hôm nay hãy cùng lag.vn tìm hiểu qua một số khái niệm cơ bản về ép xung để có thể hiểu sâu hơn về ép xung trong các bài viết sau nhé.
Phần cứng được boost miễn phí thì tội gì không chơi!
Ép xung (Overclock - OC) là một giải pháp đơn giản giúp phần cứng của bạn hoạt động mạnh mẽ hơn so với mức mặc định mà nhà sản xuất mặc định lúc xuất xưởng trên các thiết bị như vi xử lý trung tâm (CPU), vi xử lý đồ họa (GPU), bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM), vân vân và vân vân. Vậy tại sao họ không làm ra phần cứng mạnh mẽ hơn để chúng ta đỡ phải tốn công tìm hiểu về ép xung như thế này?
Câu trả lời ở đây là độ ổn định và tuổi thọ phần cứng. Khi hoạt động, các phần cứng máy tính tỏa ra một lượng nhiệt kha khá và cần một giải pháp tản nhiệt để các phần cứng này hoạt động ổn định và không xảy ra hiện tượng giật lag do nhiệt độ (thermal throttling). Vì vậy thông thường các nhà sản xuất sẽ định ra một mức hoạt động mà khi đó các linh kiện tỏa ra lượng nhiệt vừa phải đủ để các phần tản nhiệt làm tốt vai trò của mình để tránh tình trạng thermal throttling. Ngoài ra điều đó cũng giúp linh kiện có tuổi thọ cao hơn và hoạt động ổn định hơn.
Nghe vậy thì tưởng chừng rất nguy hiểm khi đặt các linh kiện của anh em vào tình trạng “nóng lên từng ngày” lúc chúng ta OC. Tuy nhiên điều này đúng nhưng chưa đủ. Nếu các giải pháp tản nhiệt của bạn đủ mạnh mẽ để truyền nhiệt độ cao của linh kiện ra ngoài không khí thì không có gì phải đáng ngại về tuổi thọ phần cứng cả. Thế nên cứ yên tâm mà thử nghiệm (sau khi đã đọc hết bài viết nhé).
Vậy anh em sẽ được gì và mất gì? Cái lợi lớn nhất của việc OC là hiệu năng phần cứng được cải thiện một cách...miễn phí. Miễn phí đấy! Thế thì tội gì mà không áp dụng. Còn mặt hại là nhiệt lượng tỏa ra nếu không được tản ra ngoài tốt sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới tuổi thọ linh kiện được/bị ép xung. Nếu làm đúng thì không có việc gì phải lo ngại cả. Yên tâm nhá.
Các định nghĩa cơ bản của ép xung
OC CPU
- CPU speed: tốc độ của CPU = multiplier x clock speed
- Multiplier: mức số nhân quy định bởi nhà sản xuất
- Clock speed: xung nhịp CPU
- Core speed: tốc độ hiện tại của CPU
- Core voltage (vCore): điện thế đi vào CPU
OC RAM
- Cũng tương tự như CPU nhưng áp dụng lên RAM.
- Vdimm: điện thế cung cấp cho RAM
- Bus speed: xung nhịp của RAM
OC GPU
- GPU clock: xung nhịp/tốc độ GPU
- Memory clock: xung nhịp VRAM
- GPU voltage: điện thế đi vào GPU
- Power limit: giới hạn lượng điện có thể đi vào GPU
- Temperature limit: giới hạn nhiệt độ GPU có thể hoạt động ổn định
Có thể theo dõi các thông số trên CPU-Z.....
Cần có những gì để ép xung an toàn?
Điều kiện tối quan trọng khi ép xung là khả năng tản nhiệt cho linh kiện, linh kiện càng mát thì hoạt động càng ổn định và có thể ép xung lên mức cao hơn nữa, cho sức mạnh nhiều hơn nữa. Đó chính là lý do tại sao các tản nhiệt khi bên thứ 3 hay tản nhiệt nước ra đời thay cho “tản stock” kèm theo khi mua CPU hay tản được thế kế lại trên card đồ họa thay cho tản nhiệt lồng sóc trên phiên bản Founder Edition hay đơn giản hơn là miếng kim loại trên RAM thay vì để nó “trần trụi”.
Khuyến khích anh em sử dụng tản nhiệt tốt để đảm bảo an toàn linh kiện.
Tiếp theo là sự ổn định của nguồn điện. Lựa chọn một bộ nguồn tốt cho máy tính của bạn là không bao giờ thừa. Các chuẩn 80 plus nên được ưu tiên điện vào các linh kiện sẽ ổn định hơn các bộ nguồn chất lượng kém. Công suất bộ nguồn cũng là điều nên lưu ý. Nên sắm một bộ nguồn có công suất cao hơn ít nhất là 100W hay hơn so với lượng điện năng tiêu thụ của tất cả các linh kiện cộng lại.
Kiến thức cơ bản về phần cứng là điều nên có để tránh trường hợp xảy ra sự cố rồi mới ngồi “google” vấn đề. Kiến thức là không bao giờ thừa nhé.
Linh kiện thích hợp để phục vụ việc ép xung
-
Mainboard hỗ trợ ép xung RAM/CPU thường là các dòng Z và X ở Intel như X99 hay Z97,Z170 và B350/X370 với AMD socket AM4
-
CPU đã unlock multiplier có ký tự K, X ở đuôi hoặc ở laptop là HK đối với Intel. AMD có thể ép xung khá thoải mái miễn là có mainboard phù hợp.
-
RAM có bus cao và hỗ trợ OC
-
Card đồ họa hiện đại nào cũng có thể OC lên được
Dùng MSI Afterburner để tùy chỉnh xung nhịp cho GPU.
Phần mềm thích hợp để phục vụ việc ép xung:
-
CPU và RAM OC trong BIOS. Mỗi hãng sẽ hỗ trợ OC khác nhau qua BIOS trên mainboard của mình.
-
Phần mềm theo dõi hệ thống như nhiệt độ CPU, GPU. Các cái tên phổ biến như Hardware Monitor, CPU-Z, GPU-Z,...
-
Phần mềm OC cho GPU như MSI Afterburner, Gigabyte Extreme Engine, EVGA Precision X,...
-
Phần mềm stress test đo mức độ hoạt động ổn định của CPU như Heavyload, aida 64, CPU-Z, mức độ ổn định của GPU như 3D Mark Firestrike, Unigine Heaven, Unigine Valley,...
Trên đây là những thứ cơ bản nhất về ép xung phần cứng hay còn gọi là overclock để anh em tham khảo. Nếu có ý định dấn thân sâu hơn vào con đường OC các bạn nên trang bị các kiến thức sâu hơn về OC sẽ được ra mắt vào các phần tiếp theo.
Ngoài ra, sự kiện Extreme PC Master 2017 Mùa 3 sẽ tổ chức vào đầu tháng 7 sắp tới cũng là một sân chơi Overclocking với quy mô toàn quốc không thể bỏ qua. Hãy tham gia ngay để có cơ hội trải nghiệm và dự thi tại sự kiện này để thử sức mình nhé. Cuộc thi đã bắt đầu rồi đấy! Mọi chi tiết bạn đọc có thể xem ngay tại đây:
Jelly Donuts