Câu chuyện này xảy ra cách đây đã 25 năm, nhưng mỗi khi nhắc đến, người dân ở Hawaii lại thấy đau lòng.
Tyke là một nàng voi đồng cỏ châu Phi. Nó chào đời vào năm 1974 ở Mozambique và bị bắt khỏi đàn để đưa vào rạp xiếc từ khi còn rất nhỏ. Tại đây, nó phải trải qua những tháng ngày tập luyện đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần. Mỗi ngày nó phải tập 2 tiếng đồng hồ để phục vụ cho việc biểu diễn, và 22 tiếng còn lại, nó bị xích vào chuồng để chỉ đứng yên một chỗ, không thể cử động.
Tyke cùng người huấn luyện thú mà nó rất gắn bó, người hiếm hoi không đánh đập nó.
Bị đánh giá là con voi chậm chạp nhất và không biết phối hợp cùng những con voi khác, Tyke luôn bị chửi bới rất nặng nề. Chưa thấy thỏa mãn, những người huấn luyện còn trừng phạt nó bằng cách dùng móc sắt có đầu nhọn đâm vào những chỗ nhạy cảm trên người nó như phía sau tai, sau đầu gối, trên ngón chân cái và xung quanh hậu môn. Tyke luôn biết mình sắp bị đánh nên nó thường né người để tránh đòn.
Có vẻ như việc bị tra tấn, tập luyện và biểu diễn liên tục trong gần 20 năm là quá sức chịu đựng của Tyke. Vào ngày 21/04/1993, nó bỏ chạy ra khỏi rạp xiếc trong khi đang biểu diễn tại thành phố Altoona, Pennsylvania. Trên đường đi nó tấn công một người huấn luyện hổ của đoàn xiếc, và mãi một tiếng đồng hồ sau, người ta mới bắt được nó.
Tyke bị xiềng xích 22 tiếng mỗi ngày.
Nó vươn vòi ra cửa sổ như muốn tìm kiếm tự do.
Ánh mắt buồn bã của nó khi phải sống trong giam cầm và bị đánh đập quá lâu.
Đến ngày 23/07/1993, Tyke lại bỏ trốn ra phố một lần nữa khi đang biểu diễn ở thành phố Minot, Bắc Dakota, làm một người huấn luyện thú bị thương và khiến dân chúng hốt hoảng trong suốt 25 phút. Theo các tài liệu báo cáo, người huấn luyện đã đánh đập Tyke rất tàn nhẫn ngay trước mắt khán giả, đến mức độ nó kêu rống lên vì đau đớn và phải quỳ gối nằm rạp xuống đất để tránh đòn roi. Ngay cả khi ông ta đã bỏ đi, con voi đáng thương vẫn còn la hét và giật lùi trên mặt đất vì quá sợ hãi.
Và cuối cùng, bi kịch cũng xảy đến. Vào ngày 20/08/1994, trong khi đang biểu diễn tại một rạp xiếc ở Honolulu, Hawaii, Tyke nổi điên và xông đến giày xéo người chuẩn bị trang phục biểu diễn cho nó, tấn công tiếp người huấn luyện và giết chết ông ta ngay trên sân khấu. Ban đầu khán giả nhầm tưởng đó chỉ là một màn biểu diễn, nhưng sau khi vỡ lẽ ra sự việc, họ la hét và chạy tán loạn khỏi rạp xiếc trong nỗi kinh hoàng tột độ.
Tyke tấn công người huấn luyện ngay trên sân khấu.
Nó đạp hàng rào và xông ra phố.
Cảnh sát rượt theo và nã đạn vào người con voi tội nghiệp.
Tyke đạp bung rào chắn xông ra phố, nó tấn công và suýt chút nữa giẫm chết chuyên viên quảng cáo của đoàn xiếc vì ông ta đang tìm cách chặn đường nó. Nó chỉ muốn được thoát khỏi chốn địa ngục trần gian đã giam cầm và hành hạ nó suốt 20 năm qua mà thôi. Nó thực sự muốn được tự do.
Và thế là trong gần 30 phút sau đó, Tyke bị cảnh sát rượt đuổi trên khắp các con phố ở quận Kakaʻako ngay trong giờ cao điểm. Người dân nửa sợ hãi tìm cách thoát thân nửa tức giận và lo sợ cho số phận của con vật tội nghiệp. Cuối cùng, Tyke bị dồn vào giữa hai hàng xe đang đậu trên phố, bị bắn liên tiếp 87 phát đạn vào người. Thân hình nặng 3,6 tấn của nó từ từ khụy dần và trượt dài xuống đất. Đôi mắt của nó đỏ rực vì đau đớn, sợ hãi và căm thù. Nó chết vì xuất huyết não, tổn thương thần kinh và vì những vết thương chảy máu.
Tyke bị dồn vào chân tường, ánh mắt nó đỏ rực vì kích động, đau đớn, sợ hãi và căm thù trong khi máu tuôn xối xả từ những vết thương trên người nó.
Cuối cùng nó gục ngã vì 87 phát đạn mà không thể chống đỡ.
Con vật tội nghiệp chết trong đau đớn và cô độc, không một ai đứng ra bảo vệ nó.
Cái chết của nó giống như một sự giải thoát, cuối cùng nó cũng được tự do.
Sau sự việc chấn động nói trên, Tyke trở thành biểu tượng cho những bi kịch trong nghề xiếc thú và biểu tượng đấu tranh cho quyền lợi động vật. Đã có rất nhiều lá đơn được gửi đi kêu gọi chấm dứt sử dụng động vật trong các rạp xiếc. Gần 25 năm sau, ký ức về con voi bị bắn chết trên phố vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân ở Honolulu. Và cũng kể từ đó, không còn một con voi nào biểu diễn trong các rạp xiếc ở đây.
Hình ảnh Tyke vùng chạy trên phố chỉ vài phút trước khi bị bắn chết đã trở thành biểu tượng cho bi kịch xiếc thú.
Người dân không kiềm được nước mắt khi chứng kiến cái chết đau lòng của nó.
Tất nhiên, bên ngoài Hawaii thì lại là một câu chuyện khác. Những đoàn xiếc thú vẫn mọc lên nhan nhản và tồn tại khắp nơi. Những con voi như Tyke có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu. Còn chúng ta thì làm được gì đây? Có lẽ chúng ta nên cân nhắc từ bỏ việc xem xiếc có sự phục vụ của động vật, cho dù đó là voi hay khỉ, ngựa hay gấu, hổ hay sư tử, chim chóc hay bò sát. Hãy nhớ rằng, sự hiếu kỳ và đồng tiền mà chúng ta bỏ ra chính là thứ tước đi tự do và cả mạng sống của chúng.