Có 1 sự thật thú vị là mỗi cá thể chó đều sở hữu một bộ vân mũi “độc nhất vô nhị” giống như vân tay ở người.
Bạn có bao giờ để ý đến chiếc mũi đáng yêu của chú cún cưng nhà mình không? Một đặc điểm khá thú vị là mỗi cá thể chó đều sở hữu một bộ vân mũi, điều mà con người và nhiều loài động vật khác không có được. Vậy liệu vân mũi ở chó có thể sử dụng để nhận dạng ID giống như vân tay ở người?
Câu trả lời là "Hoàn toàn có thể!".
Cũng giống như dấu vân tay ở người, vân mũi của mỗi cá thể chó là "độc nhất vô nhị".
Mỗi cá thể chó sở hữu vân mũi "có 1-0-2"
Cần biết rằng, vân mũi ở chó được tạo thành bởi một lớp da đặc biệt nằm trên phần chóp mũi. Lớp da này có khả năng tiết mồ hôi giúp mũi của chúng luôn giữ được độ ẩm.
Theo hai nhà nghiên cứu D. Caroline Colile và Maragaret H. Bonham, lớp da đặc biệt hình thành nên vân mũi ở chó này có thể thu hút các phân tử mùi, điều này giúp chó có thể ngửi và phân tích phân tử mùi tốt hơn.
Nếu bạn quan sát kỹ phần mũi ở mỗi cá thể chó, đặc biệt là phần vân mũi bạn sẽ thấy được sự khác nhau về vết lõm, đường viền cũng như sự khác nhau về hình dạng, kích thước lỗ mũi. Đây là cơ sở để chúng ta có thể nhận dạng từng cá thể chó thông qua lớp vân mũi của chúng.
Vân mũi của mỗi cá thể chó khác nhau đều có những đặc điểm độc đáo không giống nhau
Vậy làm thế nào để lấy dấu vân mũi ở chó và dùng nó như một phương pháp nhận dạng loài vật nuôi này?
Hiện nay việc sử dụng vân mũi để nhận dạng chó vẫn chưa thật phổ biến mà mới diễn ra ở một vài nơi trên thế giới.
Canada là quốc gia đầu tiên trên thế giới dùng dấu vân mũi như một phương pháp nhận biết chính xác từng cá thể chó.
Từ năm 1938, một câu lạc bộ nuôi chó ở Canada đã phát hiện ra đặc điểm này và áp dụng chúng vào thực tiễn.
Ngày nay, nhiều nơi ở Hoa Kỳ cũng bắt đầu tiếp cận phương pháp quét vân mũi để giúp nhận dạng các cá thể chó nuôi.
Công ty ID Systems Integrators ở Mỹ còn phát triển một hệ thống quét và xác định dấu vân mũi ở chó gọi là "Dognose ID". Họ gọi đây là một hệ thống giúp nhận dạng loài chó "đơn giản, dễ thực hiện và không gây đau đớn cho bất kỳ cá thể chó nào".
Bên cạnh phương pháp nhận dạng bằng vân mũi này, nhiều nơi trên thế giới còn sử dụng phương pháp định vị để phòng trường hợp chó nuôi bị lạc hoặc bị bắt trộm.
Phương pháp này sử dụng một con chip định vị được cấy vào bên trong cơ thể giúp chủ sở hữu xác định được chính xác chú cún cưng của mình đang ở đâu.
Tuy nhiên, cách này không được nhiều chủ nuôi chó ủng hộ bởi nó gây đau đớn và xâm phạm "quyền riêng tư" tới những con vật nuôi của họ.
Nguồn: Ehow, Petplace