BKAV hợp tác với Qualcomm và Thế Giới Di Động để phát triển Bphone như thế nào?

Một đối tác giúp làm phần cứng và thiết kế ra chiếc điện thoại, một đối tác giúp BKAV mang chiếc điện thoại đó đến với người tiêu dùng và xử lý những vấn đề liên quan đến kinh doanh, phân phối, bảo hành hậu mãi sau khi mua máy. Vậy cụ thể vai trò của hai đơn vị này ra sao và vì sao BKAV chọn hợp tác với họ?

BKAV hợp tác với Qualcomm và Thế Giới Di Động để phát triển Bphone như thế nào?

Qualcomm: giúp làm ra chiếc BPhone 2

 

Qualcomm từ trước tới nay vẫn thường giúp các nhà sản xuất trong việc thiết kế, chế tạo cũng như thử nghiệm và nâng cấp, cải tiến những thiết bị công nghệ. Chương trình này là một phần trong gói hỗ trợ của Qualcomm với các đối tác mua chip của mình. Qualcomm cũng có chương trình hỗ trợ đối tác bằng những thiết kế tham chiếu, tức là hãng sẽ cung cấp những chiếc smartphone đã gần hoàn chỉnh, đối tác chỉ cần chỉnh sửa và gắn thương hiệu của mình lên là có thể bán. Nhưng theo CEO của BKAV, họ không sử dụng thiết kế tham chiếu này vì muốn khác biệt.

Về phía Qualcomm, hãng cho biết đã phát triển đội ngũ kĩ sư người Việt nói tiếng Việt để giúp đỡ về mặt kĩ thuật cho những doanh nghiệp trong nước như BKAV, ngoài ra còn có cả VNPT nữa (mới đây họ cũng đã ra mắt chiếc điện thoại Vivas Lotus S3). Họ sẽ giúp nhà sản xuất tích hợp chip vào máy như thế nào để chạy cho tốt và hiệu năng cao nhất có thể, họ sẽ giúp tinh chỉnh chip và phần mềm để tiết kiệm pin hơn, họ sẽ giúp kết nối và hiệu chỉnh bộ xử lý hình ảnh của Snapdragon với phần cứng camera của BPhone để cho rất ảnh tốt hơn, giúp tích hợp cảm biến vân tay với Android, hay làm sao để đưa con chip 4G LTE cho nó chạy chung với Snapdragon 625.

Sự trợ giúp này là vô cùng cần thiết và quý báu vì những doanh nghiệp này chưa có nhiều kinh nghiệm như các ông lớn Samsung, Sony, HTC, LG. Việc làm ra một mẫu điện thoại chưa bao giờ là chuyện đơn giản, và nếu không có sự giúp sức từ hãng làm ra con chip điều khiển cho chiếc máy thì thời gian cần thiết để phát triển sản phẩm sẽ rất lâu cũng như tốn kém nhiều chi phí.

Thêm thông tin cho các bạn: ngoài SoC Snapdragon 625, BPhone 2 còn sử dụng nhiều linh kiện khác do Qualcomm cung cấp để phục vụ cho việc kết nối vào mạng 4G. Đây cũng là một phần trong chiến lược của Qualcomm trong việc mở rộng bán chip băng tần, chip mạng 4G cho những nhà sản xuất thiết bị công nghệ với quy mô địa phương. Giờ thì ở Việt Nam đã bắt đầu phủ sóng mạng 4G LTE rồi, Qualcomm nhảy vào lúc này là rất đúng lúc và nhân đó họ cũng có thể quảng bá cho tên tuổi của mình luôn. Qualcomm cũng đang dành nhiều nguồn lực để quảng bá cho chip 4G của họ khi mà sự cạnh tranh từ Intel, Broadcom, Samsung, MediaTek đang ngày một gia tăng.

BKAV hợp tác với Qualcomm và Thế Giới Di Động để phát triển Bphone như thế nào? 2
Qualcomm lên sân khấu chia sẻ trong buổi ra mắt BPhone 2017​

Thực ra đây cũng chẳng phải lần đầu tiên BKAV và Qualcomm hợp tác với nhau. Chiếc BPhone đời đầu tiên cũng có sự tư vấn và hỗ trợ kĩ thuật từ Qualcomm, và sếp lớn của Qualcomm cũng lên sân khấu chung với CEO Nguyễn Tử Quảng.

BKAV năm 2015 cũng cho biết họ đã ký hợp đồng để sử dụng các bằng sáng chế của Qualcomm trong các smartphone của mình và năm 2017 này hãng lại tiếp tục làm điều đó. Thỏa thuận này giúp BKAV tránh được những rắc rối pháp lý không cần thiết và có thể tập trung vào việc phát triển thiết bị cũng như kinh doanh sao cho hiệu quả. Tất nhiên ký hợp đồng sử dụng sáng chế cũng có nghĩa là BKAV phải chi tiền ra, chỉ không rõ con số đó là bao nhiêu. Qualcomm hiện là một trong những công ty có nhiều bằng sáng chế nhất trong thế giới công nghệ, nhất là trong ngành viễn thông, nên không lạ khi BKAV có quyết định như thế này.

BKAV hợp tác với Qualcomm và Thế Giới Di Động để phát triển Bphone như thế nào? 3

Không chỉ dừng lại ở khâu phát triển và cung cấp chip, Qualcomm còn giúp BKAV kiểm định chất lượng sản phẩm trước khi nó được bán ra thị trường. Khâu kiểm định này không chỉ là test xem chiếc máy có chạy ổn như thiết kế ban đầu hay không mà còn liên quan đến cả những bài test hợp quy theo quy định của pháp luật. Ở mỗi quốc gia đều có những quy định riêng về các thiết bị phát được sóng radio nhằm đảm bảo chúng không có hại cho sức khỏe người dùng, tương thích tốt với hạ tầng viễn thông quốc gia và không xâm hại tới an ninh quốc phòng và an toàn thông tin. Hơn ai hết, Qualcomm ở vai trò là hãng làm chip mạng sẽ nắm rõ những quy định này (do họ cần làm chip tuân thủ đầy đủ các chuẩn đó) và họ sẽ giúp BKAV hoàn thành công việc này nhanh chóng hơn. Khi đưa BPhone ra quốc tế, Qualcomm cũng sẽ tiếp tục làm việc này cùng BKAV.

Sẵn nói đến việc BPhone mang được ra thị trường quốc tế, BKAV có hẳn model BPhone Gold với chip Snapdragon 835 và camera kép cho mục đích này. Không nhiều thông tin về nó được tiết lộ, chỉ biết là máy sẽ được bán ở nước ngoài trước, nhiều khả năng là tại Dubai. Khi BKAV đem thiết bị này ra khỏi biên giới Việt Nam, họ sẽ cần sự giúp sức về mặt phân phối, nhập khẩu, bán hàng và kinh doanh tại những thị trường nước ngoài này, nhất là khi cần làm việc với các nhà mạng lớn (những thị trường nước ngoài thường bán smartphone qua trợ nhà mạng chứ ít khi nào bán trực tiếp như ở Việt Nam chúng ta, mãi gần đây bản unlock mới bắt đầu nổi nổi và được quan tâm nhiều hơn). BPhone 2 bản thường cũng có khả năng sẽ được mang ra thế giới nhưng BKAV nói họ muốn bán trong nước trước xem thế nào đã.

Thế Giới Di Động: mang sản phẩm đến người tiêu dùng

TGDD là nhân tố mới trong việc hợp tác của BPhone 2017 so với đời 2015. Năm nay BKAV không còn bán BPhone online nữa mà chuyển sang sử dụng các mô hình phân phối, bán lẻ truyền thống. Nhắc lại tí xíu cho anh em biết, năm 2015 BPhone 2015 cho đặt trước online nhưng tình trạng trễ hàng đã diễn ra với rất nhiều người, trong đó có mình. Có thể là do năng lực xử lý đơn hàng và vận chuyển của BKAV chưa đủ mạnh và hãng cũng không có kinh nghiệm trong việc này.


Ngoài ra, cách bán điện thoại online cũng bị hạn chế là không có cơ hội để người ta trải nghiệm, "sờ tận tay day tận mắt". Đối với một sản phẩm còn quá mới lạ và thương hiệu chưa nổi như BPhone thì việc không được trải nghiệm trước khi mua là một rào cản lớn của rất nhiều người. Dù cho bạn có đọc review hay xem hình ảnh chụp máy thật trên mạng thì cũng khó có thể hình dung đầy đủ chiếc máy đó như thế nào thì làm sao bạn dám bỏ tiền ra mua.

Thế là năm nay BKAV mang BPhone ra tiệm, mà nếu tự thiết lập tiệm của mình thì quá tốn kém, lâu, mất thời gian, vậy thì bắt tay với một hãng nào đó đã có sẵn hệ thống phân phối rộng khắp là tốt nhất. Không ai phù hợp hơn Thế Giới Di Động để làm nhiệm vụ này. Theo Tạp chí bán lẻ châu Á (Retail Asia Publishing), TGDD hiện là chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam khi có hơn 1500 cửa hàng, bao gồm khoảng 1100 cửa hàng của chính TGDD, cộng thêm của Điện Máy Xanh và cả Bách Hóa Xanh. Với mạng lưới rộng, TGDD có thể giúp đem BPhone tới bất kì chỗ nào mà hai bên muốn bán hàng chứ không chỉ tập trung phân phối tại những thành phố lớn hay phân phối hạn chế như kinh nghiêm đau thương hồi BPhone đời đầu.

Rồi cả đội ngũ nhân viên tại cửa hàng, nếu BKAV tự tuyển dụng, tự huấn luyện cho đội ngũ đó thì phải tốn thời gian và nguồn lực của công ty, rồi phải xử lý cả những vấn đề nhân sự nữa. Tại sao công ty phải mất thời gian làm chuyện đó trong khi có người khác làm giỏi hơn, có kinh nghiệm hơn?

Và khi nằm trong một chuỗi cung ứng, hậu cần, hệ thống bán hàng phức tạp như vậy, BPhone sẽ ngay lập tức tận hưởng được những lợi ích mà TGDD mang lại.

BKAV hợp tác với Qualcomm và Thế Giới Di Động để phát triển Bphone như thế nào? 4

Khi hợp tác với TGDD, BKAV cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp về truyền thông và marketing của TGDD trong việc quảng bá BPhone. Ngay những ngày đầu khi có tin đồn BPhone 2 sẽ ra mắt trở lại, tin tức đó xuất phát không đâu xa mà từ chính trang Facebook của các sếp tại TGDD. Sau đó, TGDD mở những trang đặt hàng và chạy các chiến dịch quảng bá mạnh mẽ để thu hút sự chú ý của thị trường. Tiếp theo là những gói quà tặng dưới hình thức trả góp 0% hoặc tăng voucher và SIM 4G, TGDD đã từng áp dụng hình thức khuyến mãi này cho nhiều thiết bị khác của họ nên họ có kinh nghiệm triển khai, họ biết cần làm gì, cần chuẩn bị những thứ gì và cũng đã có sẵn những deal với các bên cung cấp (ví dụ: Viettel).

Nếu chỉ một mình BKAV độc chiến ở khâu này họ sẽ tốn nhiều thời gian, nhân lực và tiền bạc hơn. Lại một lần nữa, thay vì phải dành người ra tự làm như ở đời đầu, phần mang thiết bị đến tay khách hàng sẽ được BKAV giao cho TGDD, họ tập trung vào những khâu khác để có hiệu quả cao hơn.

Và đừng quên khâu hậu mãi, vốn cũng là một phần rất quan trọng trong vòng đời của các thiết bị công nghệ. Nếu BKAV tự tiếp nhận máy, tự vận chuyển thiết bị về lại nơi sửa chữa, rồi tự giao lại máy cho khách sẽ mất nhiều thời gian và đương nhiên sẽ làm khách không hài lòng. Ngay cả khi họ sử dụng cách thức bảo hành 1 đổi 1 thì quy trình nãy cũng sẽ tốn kha khá thời gian, đặc biệt là với những người ở xa, nên thay vì tự làm thì BKAV có thể tận dụng ngay hệ thống hậu mãi đã có sẵn của TGDD để chạy cho trơn tru hơn.

Tất nhiên, để BPhone thành công thì việc tham gia của Qualcomm hay TGDD chỉ mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ lớn nhất có thể giúp BPhone thành công nằm ở chính bản thân chiếc điện thoại này, từ thiết kế, từ tính năng cho đến giá bán. Một sản phẩm dù có được kết hợp rất tốt trong khâu phát triển và có cách phân phối tốt đến máy nhưng chính chiếc máy lại không làm người dùng hài lòng thì chẳng thể nào thành công được. Chúng ta hãy chờ xem BPhone 2017 sẽ như thế nào nhé.

Theo tinhte

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang