LG Display đặt cược vận mệnh vào màn hình OLED nhờ được Apple "chống lưng"

​Với công nghệ nền tảng thúc đẩy mảng kinh doanh TV, tập đoàn LG đang muốn lấn sân sang lĩnh vực màn hình OLED smartphone.

Apple có kế hoạch chuyển từ màn hình tinh thể lỏng (LCD) sang tấm nền đi-ốt phát quang hữu cơ (OLED) trên các thế hệ iPhone tiếp theo dự kiến sẽ “làm giàu” cho Samsung Display. Gã khổng lồ Hàn Quốc là nhà sản xuất chiếm hơn 90% thị phần màn hình OLED trên thế giới.

 

LG Display thể hiện rõ tham vọng trong lĩnh vực OLED

LG Display thể hiện rõ tham vọng trong lĩnh vực OLED

Tuy nhiên, động thái của Apple cũng mở ra cơ hội cho LG Display, cái tên nổi bật nhất trong lĩnh vực màn hình OLED TV vốn đang tìm kiếm phương án để nhảy vào thị trường màn hình nhỏ trên smartphone. Đây là đối thủ chính của Samsung Display. Do Apple ưu tiên chọn ít nhất 2 nhà cung cấp cho cùng một linh kiện để tăng tính cạnh tranh về giá và đảm bảo sản lượng nên LG có nhiều hy vọng để đạt mục tiêu của mình.

Tờ Nikkei Asian Review đầu tháng 7 cho biết, Táo khuyến đã lên kế hoạch sử dụng màn hình OLED bắt đầu từ nửa cuối năm 2018.

Trong khi hôm 25/7, LG Display công bố sẽ tăng gần gấp đôi đầu tư vào sản xuất màn hình OLED cho cả mảng di động và TV trị giá 15.000 tỷ won (13,35 tỷ USD) vào năm 2020. Đó là nền tảng cho phép công ty cạnh tranh với Samsung. Họ nhanh chóng khẳng định vị thế trong cả mảng OLED cho smartphone lẫn tấm nền TV giữa lúc Samsung đang phân vân liệu có nên nhảy vào sản xuất TV OLED hay không.

LG Display đã có đóng góp đáng kể cho công ty mẹ LG Electronics và LG Group. Nhà sản xuất tấm nền mang về khoản lợi nhuận 279,3 tỷ won cho LG Electronics, chiếm hơn nửa mức lợi nhuận tổng 514,9 tỷ won. Được biết, LG Electronics hiện nắm giữ 37,9% cổ phiếu của LG Displays.

Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Hàn Quốc cho biết, doanh thu của LG Group năm 2015 đạt 114.200 tỷ won. LG Display chiếm 30% trong tổng số 3.200 tỷ won lợi nhuận.

 


Ông Han Sang-beom CEO LG Display

Ông Han Sang-beom CEO LG Display

Cuộc chiến OLED đang nóng lên từng ngày, trở thành lựa chọn thay thế LCD nhờ khả năng tiết kiệm năng lượng, mỏng và tùy biến linh hoạt. Điều này cho phép nhà sản xuất tạo ra thiết bị màn hình cong kiểu dáng đẹp. Ngoài ra, tấm nền OLED còn tạo ra độ tương phản màu sắc vượt trội.

LG Display không đưa ra bất kỳ bình luận gì liên quan tới thông tin hợp tác với Apple để sản xuất màn hình OLED trên iPhone. Thông thường, gã khổng lồ Cupertino buộc đối tác phải tuân thủ nghiêm ngặt điều khoản bảo mật. Nhưng các nhà phân tích nhận định, không có câu trả lời nào ngoài khả năng Apple đã rót vốn cho LG mở rộng quy mô sản xuất.

Khả năng cao là Apple hợp tác với LG bởi công ty không chấp nhận tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào Samsung”, một ý kiến của giới quan sát cho biết. Nên nhớ, LG Display từng là đối tác cung cấp màn hình LCD cho iPhone.

Chúng tôi quyết định sản xuất tấm nền OLED nhựa quy mô lớn bởi khách hàng đã cam kết hợp tác ở mức độ nhất định”, Han Sang-beom, Giám đốc LG Display tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 26/7 ở Seoul.

Khoảng 7.800 tỷ won được cam kết cho dây chuyển sản xuất OLED tại nhà máy chính ở Paju nằm ở phía bắc Seoul, gần biên giới Triều Tiên. Khoảng 2/3 tiền đầu tư là dành cho các tấm nền OLED kích thước nhỏ, còn lại tập trung vào TV.

 

Doanh thu và lợi nhuận của LG Display

Doanh thu và lợi nhuận của LG Display

Han Sang-beom đóng vai trò quan trọng trong bước chuyển hướng của LG Display trở thành công ty lớn đầu tiên sản xuất tấm nền OLED cho TV. Nhưng công nghệ này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tỷ lệ thất bại trong quá trình sản xuất khá cao đẩy giá thành sản phẩm vượt ngưỡng trung bình khiến người dùng khó tiếp cận dù TV OLED vượt trội hơn hẳn.

Samsung trì hoãn kế hoạch sản xuất TV OLED vì nhận thấy nhu cầu thị trường chưa đảm bảo cho khoản đầu tư lớn. Thay vào đó, hãng chọn công nghệ trung gian, được gọi là chấm lượng tử (QD), để tạo ra màn hình tương tự OLED.

Yếu tố thúc đẩy Han Sang-beom chuyển hướng phát triển mảng OLED bởi lợi nhuận ở thị trường TV trở nên mong manh trước sức cạnh tranh đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, LG Display vẫn là nhà sản xuất LCD lớn nhất thế giới. Ông dự đoán, công nghệ này vẫn chiếm 65% tổng sản lượng TV của công ty vào năm 2020, nhưng tuyên bố: “Chúng tôi đặt cược tất cả nguồn lực vào OLED. LCD nên là động lực để hỗ trợ nó”, ông Han cho biết.

Chris Chang, một nhà phân tích, đầu tư ngân hàng tại Nomura nhận định: “Chúng tôi nghĩ việc chuyển dịch từ LCD sang OLED được thể hiện rõ nét qua quá trình áp dụng trên smartphone và thị phần vững chắc của mảng TV cao cấp. Chúng tôi dự đoán OLED sẽ chiếm khoảng 25% doanh thu LG Display vào năm 2019”.

LG Display đang tìm cách mở rộng thị trường bằng cách cung cấp tấm nền OLED cho các nhà sản xuất TV Trung Quốc gồm Skyworth, Hisense và Philips, cũng như Panasonic của Nhật. Như một phần trong nỗ lực của mình, hãng đã đầu tư thêm 2.600 tỷ won cho nhà máy tại Quảng Châu, Trung Quốc để sản xuất màn hình OLED.

Trước thay đổi của gã khổng lồ Hàn Quốc, thị trường vẫn tỏ ra dè chừng. Cổ phiếu LG Display giảm 2,99% xuống còn 30.800 won ngày 28/7, ngày sụt giảm thứ bảy liên tiếp. Tập đoàn LG được kiểm soát bởi gia đình Koo hoạt động trong các lĩnh vực điện tử (LG Electronics), viễn thông (LG Uplus), hóa học (LG Chem) và mỹ phẩm (LG Household & Health Care).

Theo Genk

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang