Tuổi thơ khác biệt muôn màu trên màn ảnh

Sự hứng thú của điện ảnh đối với trẻ thơ cũng bắt nguồn từ rất sớm hệt như chính lịch sử của nó vậy. Ở đó, các nhà làm phim từ bỏ hướng khai thác truyền thống dành cho người lớn, mà hướng lăng kính về trẻ em với một góc độ thực sự khác biệt.

Hình tượng trẻ em trên phim bắt đầu từ khi anh em Lumière trình chiếu Baby’s Meal (Le Repas de bébé) - một trong số những tác phẩm đầu tiên khai sinh ra nền công nghiệp điện ảnh. Khán giả những năm 1895 lịch sử đó kinh ngạc trước những khung hình chuyển động, miêu tả cảnh sinh hoạt gia đình: hai vợ chồng Auguste và Marguerite cho con gái ăn sáng.

Trong khi Baby’s Meal là cái nhìn của người lớn hướng về đối tượng trẻ em, thì các tác phẩm sau này đã tập trung khai thác nhiều hơn vị trí của con trẻ nhìn ngắm ra thế giới. Đó cũng là lúc người ta dần đi vào một thế giới tự do, kì diệu và không kém phần phức tạp.

Tuổi thơ tàn khốc trong chiến tranh

Tuổi thơ khác biệt muôn màu trên màn ảnh
“Ivan’s Childhood” (1962)

Ivan’s Childhood (1962) của Andrei Tarkovsky là trải nghiệm của những đứa trẻ trong thời kỳ chiến tranh. Tarkovsky không muốn đơn thuần “tả” nó, mà đi sâu khám phá thế giới bên trong lẫn bên ngoài từ vị trí một đứa trẻ bị mắc kẹt giữa bom đạn vô tình.

Cùng với Tarkovsky, Elem Klimov đem tới một chân dung khác về tâm hồn trẻ thơ bị chà đạp trong Come and See (1985). Thể xác và tinh thần bị biến đổi bởi thực tế thô bạo, cậu thiếu niên Flor sau một thời gian đã trở thành ông già trong cái lốt đứa trẻ.

Được quay trong Thế chiến II, Forbidden Games (1952) kể về Paulette (Brigitte Fossey), một cô bé mồ côi do bom đạn đã được người bạn Michael giúp đỡ từng bước khắc phục chấn thương tâm lý. Tuổi thơ là giai đoạn trẻ em xứng đáng được hưởng yêu thương và những gì tốt đẹp nhất, thế nhưng không phải ai cũng có may mắn đó.

Tuổi thơ nổi loạn…

Tuổi thơ khác biệt muôn màu trên màn ảnh 2
“Moonrise Kingdom” (2012)

Ý tưởng về những đứa trẻ tiếp quản thế giới đã được hiện thực hóa trong Zéro de conduite (Jean Vigo, 1933). Cuộc nổi dậy của những đứa trẻ ngoan ngoãn trong trường nội trú nam thoát khỏi kỳ vọng của người lớn đã mở đường cho hàng loạt tác phẩm sau này như The 400 Blows (1959), Naked Childhood (1969).

Giống như các bậc cha mẹ trên màn ảnh, khán giả lớn tuổi tự hỏi điều gì đã khiến lũ trẻ hành sự như vậy. Trong Moonrise Kingdom (2012), hai đứa trẻ thậm chí còn lập ra lãnh thổ riêng, cưới nhau và… sống chung. Hunt for the Wilderpeople (2016) có cậu bé Ricky ngỗ nghịch tuyên chiến với cả cảnh sát để giành lấy tự do.

…và những cuộc phiêu lưu bất tận

Tuổi thơ khác biệt muôn màu trên màn ảnh 3
Stand by Me (1986)

Trong những cuộc nổi dậy nho nhỏ đó, những chiến sĩ nhí của chúng ta sẽ bị cuốn vào cuộc phiêu lưu thú vị mà kết quả thường là chúng tìm thấy các giá trị về gia đình, tình yêu, cuộc sống.

Hơn ba thập kỷ trước, sự ra đời của Stand By Me đã khiến thế giới sửng sốt. Dựa trên cuốn tiểu thuyết The Body của nhà văn Stephen King, Stand By Me không những thú vị, mà còn mang giá trị văn hóa và nghệ thuật đặc trưng đại diện cho thời kỳ bấy giờ.

Trên hết, đó là cuộc du hành của một nhóm bạn làm nên một phần tuổi thơ của một thế hệ khán giả, những người mà tới nay khi nhắc đến tên phim đều không khỏi xao xuyến.

Cùng với E.T. the Extra-Terrestrial và Stand By MeThe Goonies tạo thành bộ ba tác phẩm được mệnh danh là đã định hình cả thế hệ. Cả ba đều được ra mắt trong thập niên 80 đầy biến động của nước Mỹ.

Thế giới phiêu lưu nửa thực nửa hư, đầy khúc quanh và chi tiết bất ngờ trong các phim này đã trở thành “giấc mơ trưa” của biết bao đứa trẻ. Các tác phẩm sau này như Super8 (2011) hay series Stranger Things (2016 - ) đã mượn cái nét hoài cổ đầy quyến rũ đó để tái hiện trên màn ảnh hiện đại.

Tuổi thơ không mang một màu hồng

Tuổi thơ khác biệt muôn màu trên màn ảnh 4
 “Room” (2015)

Không phải tuổi thơ ai cũng một màu hồng. Có nhiều đứa trẻ sinh ra với mất mát không thể bù đắp, dẫn tới nỗi đau quá lớn. Đạo diễn người Ý Luigi Comencini đã đem tới câu chuyện về người cha bối rối không hiểu hành vi ngỗ ngược là kết quả của một phần nỗi buồn đau của đứa con trai 8 tuổi trong Misunderstood (1969).

Our Mother’s House (1967) là câu chuyện về những đứa con trong gia đình, vì lo sợ phải vào trại mồ côi nên đã bí mật chôn cất người mẹ qua đời và tiếp tục cuộc sống như bình thường.

Room (2015) tái hiện câu chuyện có thật về một cậu bé cùng người mẹ bị giam cầm nhiều năm trong căn phòng chật hẹp. Tuổi thơ của Jack lớn lên chưa từng biết tới ánh sáng mặt trời, còn giấc mơ là cái ô cửa trắng xóa trông ra “ngoài kia”. Những năm tháng ngục tù trong căn phòng tối không giam giữ được trí tưởng của cậu bé, mà càng thôi thúc hai mẹ con tẩu thoát để được tự do.

Đạo diễn Jack Clayton đã bổ khuyết cho bức tranh còn thiếu về những thăng trầm của tuổi thơ. Khán giả vừa xót xa vừa tức giận khi thấy chúng chơi đùa vô tư, rồi sau đó quay sang đày đọa nhau. Nobody Knows (2003) của đạo diễn Hirokazu Koreeda cũng cùng một motip như thế.

Ngày nay, điện ảnh cho trẻ em hầu hết tập trung sang thể loại phim hoạt hình: màu sắc hơn, vui nhộn hơn và quy mô thì chẳng kém gì phim bom tấn người đóng. Thế nhưng lịch sử màn ảnh dạy cho chúng ta rằng tuổi thơ không chỉ có đồ chơi và câu chuyện hoàng tử cứu công chúa. Với nhiều thế hệ, tuổi thơ được viết nên bằng tiếng cười, mồ hôi, nước mắt và cả sự cô độc. 

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang