Mỗi lần nhắc tới các tác phẩm live-action thì người ta luôn nhắc tới Dragon Ball Evolution (2009) như một điển hình của sự thất bại. Thật sự thì tại sao tác phẩm này lại bị chê bai nhiều đến như vậy? Liệu trong tương lai những tựa phim live-action có thể phát triển hay không?
Dragon Ball Evolution là tựa phim live-action được chuyển thể từ manga cùng tên cực kì nổi tiếng của tác giả Akira Toriyama. Phim từng được mong đợi sẽ là một bom tấn mùa hè năm 2009 và sẽ trở thành một franchise đình đám có thể so với X-Men. Thế nhưng, sự thật rất khác với điều đó khi phim chỉ đạt 2,5 điểm trên IMDB và thu về hơn 50 triệu đô. Hãy cùng tìm hiểu về tựa phim này và lí do mà nó thất bại nhé.
Sự đầu tư của diễn viên và tâm huyết của đội ngũ sản xuất
Công bằng mà nói, Dragon Ball Evolution có dàn diễn viên rất chất lượng bao gồm nam tài tử Châu Nhuận Phát, diễn viên Justin Chatwin và được đạo diễn bởi đạo diễn James Wong, người mà trong thời điểm đó rất nổi tiếng với series The X Files. Phim đồng thời cũng được đầu tư phát hành bởi 20th Century Studios nổi tiếng với chi phí lên đến 30 triệu đô.
Một điều mà ít ai biết khi xem Dragon Ball Evolution đó là diễn viên Justin Chatwin thủ vai Goku đã tự mình luyện tập võ thuật trong vong 6 tuần và anh cũng tự mình thực hiện những cảnh chiến đấu mà không hề cần đến người đóng thế. Các diễn viên khác cũng phải luyện tập để tự thực hiện các phân cảnh võ thuật.
Trong cảnh đánh nhau giữa Chi Chi và Mai, đoàn làm phim đã huy động hơn 100 người để đóng vai khán giả, sau đó sử dụng kĩ xảo điện ảnh để nhân số người lên. Cuộc đấu này cũng được thực hiện với 7 người quay phim với những góc quay đặc tả ở cự li gần nhằm tạo hiệu ứng đánh đấm chân thật nhất.
Đoàn làm phim cũng sử dụng trường quay rộng 6000 mét vuông để dựng nên khung cảnh miệng núi lửa hoành tráng. Khung cảnh này sau đó cũng cần đến 6 chuyên gia hiệu ứng kĩ xảo để thực hiện, tạo cảm giác chân thật nhất cho người xem.
Đội ngũ sản xuất còn thuê hẳn một công ty nổi tiếng trong lĩnh vực kĩ xảo hình ảnh để mang về thiết bị fist-cams siêu nhỏ gọn có thể gắn vào nắm tay của diễn viên. Họ cũng sử dụng thiết bị ghi hình tốc độ cao lên đến 1000 khung hình/giây để quay các phân cảnh hành động trong phim.
Nhìn chung, Dragon Ball Evolution hoàn toàn có những sự đầu tư nghiêm túc đủ để biến phim trở thành một siêu phẩm phòng vé. Tuy nhiên, những điểm yếu sau đây đã khiến phim hoàn toàn thất bại trong mắt khán giả. Đây cũng là những điểm thường thấy trong các tác phẩm live-action.
Những yếu tố biến Dragon Ball Evolution thành thảm họa
Sự thiếu tôn trọng nguyên tác: đạo diễn James Wong đã lên tiếng thừa nhận ông chưa từng đọc qua Dragon Ball. Kịch bản mà ông viết ra hoàn toàn chỉ lấy những yếu tố cơ bản của manga sau đó thêm thắt vào các tình tiết mới. Đây là một điểm yếu rất lớn khi các tác phẩm manga Nhật Bản được chuyển thể thành live-action. Lí do cho điểm yếu này thường do hai yếu tố:
- Thứ nhất: đạo diễn phim thường không thật sự tìm hiểu câu chuyện và nhân vật của manga. Lí do này có thể xuất phát từ việc họ muốn tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới phù hợp với thị hiếu hoặc đơn giản do họ quá lười, quá xem nhẹ tác phẩm gốc và bỏ qua chúng.
- Thứ hai: để truyền tải một manga dài tập lên thành phim trong chỉ từ một đến hai tiếng là một việc cực kì khó khăn. Vì thế nên các đạo diễn sẽ thường thay đổi nội dung sao cho phù hợp với định dạng của phim điện ảnh.
Sự thay đổi hoàn toàn các nhân vật: Dragon Ball Evolution thật sự làm rất tệ về mặt này khi họ thay đổi tạo hình của tất cả các nhân vật. Thậm chí phim còn “tẩy trắng” nhân vật Goku, biến tất cả họ thành những thanh thiếu niên trong những bộ phim học đường của Mỹ, phá bỏ hoàn toàn hình tượng của các nhân vật. Đây là điều mà fan hâm mộ luôn luôn phàn nàn khi bất kì sản phẩm live-action nào được ra mắt. Thế nhưng những nhà sản xuất vẫn giữ vững chính kiến của họ. Gần đây nhất có thể kể đến là tựa phim Ghost In The Shell khi nữ nhân vật chính bị biến thành một người Mỹ da trắng tinh.
Hai nhân vật Yamcha và Bulma hoàn toàn khác biệt so với nguyên tác
Thời lượng quá ngắn để truyền đạt nội dung: về điểm này thì Dragon Ball Evolution thật sự là live-action là phim làm tệ nhất khi cả phim chỉ dài có 85 phút, thậm chí bản cắt ở Nhật Bản chỉ còn có 70 phút. Thời lượng này là quá ngắn để phim giới thiệu về các nhân vật cũng như thể hiện chiều sâu của họ, khiến Dragon Ball Evolution chỉ còn là một chuỗi những trận đánh nhau vô vị không rõ lí do là gì.
Diễn viên không truyền tải được nhân vật gốc: lí do này một phần ảnh hưởng bởi các lí do đã nhắc đến ở trên. Thời gian bị bó hẹp, cốt truyện bị thay đổi khiến diễn viên khó có thể diễn tả chính xác nhân vật. Cá nhân các diễn viên cũng không có sự nghiên cứu kĩ lượng về nhân vật dẫn tới việc họ liên tục bị kéo vào những chuỗi sự kiện liên tiếp nhau mà chẳng thể hiện bất kì điều gì khác.
Quy lão tiên sinh cứ như đi lạc từ một phim nào đó của Châu Nhuận Phát
Quan điểm của người xem vẫn bị ảnh hưởng bởi tác phẩm gốc: đành rằng đây cũng là việc dễ hiểu khi fan của manga/anime mong muốn live-action sẽ tái hiện hoàn hảo tác phẩm gốc. Thế những chính điều này cũng làm mong đợi của họ trở nên quá cao, dù có là một thay đổi nhỏ cũng khiến họ không đồng ý và buông lời chê bai tác phẩm. Điều này cũng góp phần khiến cho các tác phẩm live-action dần bị rập khuôn và chỉ nhắm đến việc chìu lòng fan hâm mộ.
Manga live-action không được xem trọng: vào thời điểm Dragon Ball Evolution ra mắt, khán giả không mất quan tâm về những tác phẩm live-action dựa trên truyện tranh Nhật Bản. Họ cho rằng chúng chỉ dành cho trẻ em và mặc định rằng những tác phẩm này không có gì đặc sắc.
Tương lai nào cho live-action?
Có thể nói những yếu điểm trên không chỉ tồn tại ở Dragon Ball Evolution mà chúng còn xuất hiện trong đại đa số tác phẩm live-action khác. Tuy nhiên, những nhà sản xuất cũng dần có cái nhìn nghiêm túc hơn về thể loại này và đầu tư hơn cho chúng. Khán giả cũng bắt đầu quen thuộc với thể loại phim này hơn khi cả ông lớn Disney cũng đang chuyển thể các tác phẩm nổi tiếng của mình thành những phim điện ảnh xuất sắc.
Alita do Steven Spielberg thực hiện được đánh giá rất tích cực
Những năm trở lại đây, các tác phẩm như Ghost In The Shell, Alita hay Detective Pikachu luôn thu hút rất nhiều khán giả và được đánh giá rất tốt. Nhiều manga đình đám khác như One-Punch Man, The Promised Neverland, One Piece cũng được những hãng phim lớn lên kế hoạch sản xuất thành các series hay phim điện ảnh. Cả người làm và người xem phim đều đang đón nhận thể loại này tốt hơn, vậy nên chắc chắn live-action sẽ nở rộ mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.