Lớp học Online bị quấy rối bởi những học sinh thiếu ý thức: Nỗi khổ tâm của các thầy cô mùa dịch bệnh

Nguyễn Hoàng Thuận

Việc học online dù khá bất tiện nhưng là phương án duy nhất để học sinh vẫn giữ được kiến thức tại trường lớp, tuy nhiên một bộ phận học sinh thiếu ý thức đã thực hiện những trò quậy phá khiến cho thầy cô phải khổ tâm

Trong thời điểm mà đại dịch Covid-19 đang hoành hành như hiện tại thì việc học online không còn là một việc quá xa lạ nữa. Trong thời điểm hiện tại thì từ học sinh Tiểu học, THCS cho đến THPT đều phải dần làm quen với việc học từ xa đúng như chỉ thị của bộ GD&ĐT để việc học hành không bị dừng lại giữ mùa dịch Covid-19.

Tuy nhiên việc phải chuyển đổi phương thức giảng dạy thay vì cách truyền thống đã khiến cho nhiều học sinh, sinh viên và thậm chí là giáo viên cảm thấy vô cùng khó khăn. Không chỉ những yếu tố công nghệ, đường truyền, cách đánh giá kiếm tra gặp nhiều trắc trở mà những vấn đề ngoài luồng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc giảng dạy và học tốc.

Đáng chú ý nhất đó chính là mọt phong trào được rộ lên khi mà một số học sinh vô ý thức đã chia sẻ mật khẩu đăng nhập của các lớp học để cho những thành phần xấu tham gia vào quậy phá các lớp học đó. Điều này khiến học sinh ngán ngẩm 1 thì thầy cô và phụ huy ngao ngán 10 bởi những hành động không đúng chuẩn mực từ các học sinh.

Từ sau khoảng thời gian Tết Nguyên Đán thì tình hình chống dịch Covid-19 càng căng thẳng và kéo dài suốt một quãng thời gian dài, cũng chính vì thế mà một số đơn vị trường học đã tổ chức hình thức học Online với mục đích giúp cho học sinh có thể củng cố lại kiến thức trước khi trở lại trường.

Tuy nhiên việc nghỉ học kéo dài dần khiến cho việc học online trở thành một hoạt động bắt buộc, nhiều nơi đã bắt đầu tổ chức đánh giá, kiểm tra học sinh và sinh viên thông qua những bài giải online. Cho đến thời điểm hiện tại, khi mà các cấp và lãnh đạo đã đồng ý triển khai hình thức dạy học này thì học sinh và sinh viên cũng dần quen với việc phải ngồi trước màn hình vi tính hằng ngày để học online.

Điều đáng nói ở đây chính là việc để cho những người thầy cô phải làm quen với những phần mềm hiện tại như Zoom , Microsoft Team,… mà không phải là phấn trắng, bảng đen, giáo án trên giấy đã tạo nên không ít những khó khăn.

Một giáo viên cấp 3 tại Hà Nội, cô V.T.H đã chia sẻ rằng: 

"Là một giáo viên không còn trẻ và không còn nhanh nhạy để nắm bắt công nghệ thông tin nhanh như các thầy cô khác, nên mình khá chật vật trong những buổi đầu. Ví dụ như việc bật, tắt micro, mở webcam, chiếu bài giảng đều bị lẫn lộn. Nhiều lần mình còn lỡ thoát ra khỏi lớp và mất khá nhiều thời gian để ổn định."

Còn theo như lời của cô Phương Hà, một giáo viên thuộc địa bàn Quận 7, tp.HCM đã chia sẻ rằng:

 "Dạy online vất vả, dạy truyền thống thì đỡ cực hơn. Những môn xã hội có thể soạn bài nhanh, nhưng tôi dạy môn tự nhiên, soạn bài cho 1 tiết có khi lên tới 3-4 ngày."

Ở đây chỉ là một trong rất nhiều những khó khăn mà các thầy cô phải đối mặt mỗi khi mở một lớp dạy online. Đáng nói nhất chính là việc thầy cô dường như không thể kiểm soát được tình hình học tập cũng như đánh giá khách quan được độ hiểu biết của từng học sinh.

Chưa kể đến việc học sinh trốn phát biểu, không muốn xây dựng bài vở bằng cách tắt camera, tắt micro hay việc lý do để không phải trả lời câu hỏi của của giáo viên không còn là chuyện lạ. Chưa kể đến việc đường truyền internet không ổn định cũng là thứ khiến cho việc giảng dạy trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Nhưng hiện tại thì việc học online đã và đang diễn ra được một thời gian và mọi thứ dường như đang trở nên quen thuộc hơn đối với mọi người, khi mà học sinh và giáo viên cũng dần quen thuộc hơn với hình thức học tập mới. Mọi thứ hiện đang đi vào một guồng quay ổn định với sự phối hợp giữa thầy vô và học trò.

Việc học online và rào cản ý thức của những người học trò

Nhưng đến thời điểm hiện tại thì cộng đồng những người thầy cô đang phải dạy học online giờ phải đối đầu với những thứ phức tạp hơn rất nhiều. Đáng nói ở đây nhất là việc những người học trò khi học từ xa đã nghĩ ra rất nhiều những cách để có thể đối phó với những người thầy, người cô.

Không chỉ là những bình luận phản cảm trên những video học online từng bị cộng đồng mạng lên án, giờ đây thì những người học trò thiếu ý thức đã đẩy trò đùa của mình lên một tầm cao mới. 

Thông thường thì mỗi người học sinh đều được cung cấp một ID và mật khẩu để có thể tham gia vào một lớp học nào đó, và thông tin này là những thông tin bí mặt giữ thầy cô và học sinh mà thôi. Nhưng một số đã lợi dụng điều này để công khai lên trên MXH, từ đó tìm cho mình những người có thời gian vào chọc phá và quấy rối giờ học.

Thậm chí hoạt động này được thực hiện chuyên nghiệp đến nỗi hàng loạt những hội nhóm đã được lập ra để phục vụ nhu cầu quấy phá của một bộ phận học sinh thiếu ý thức.

Theo như cô V.T.H cho biết thì: "Mỗi ngày có tầm 3 tiết thì hầu như tiết nào cũng có hiện tượng này. Một số gương mặt vào lớp học, mượn được tên của cả học sinh trong lớp, rồi thao tác vẽ bậy vào slide khiến mình rất khó chịu. Thời gian ổn định lớp đã lâu rồi, còn phải dành thời gian để xử lý những sự việc này nữa."

Những hành động quậy phá phổ biến nhất chính là việc đưa hình ảnh của những hiện tượng mạng phản cảm, tai tiếng như Huấn Hoa Hồng, Ngô Bá Khá,...vào lớp học để phá hoại không khí học tập chung của cả lớp. Những đối tượng này còn quá đáng hơn khi phát lên những video có nội dung 18+, những video có những từ ngữ văng tục, chủi thề trong môi trường học tập online.

Nhiều giáo viên đã không khỏi ngao ngán bởi không thể tìm thấy được ai là thủ phạm của vụ việc này, giờ đây việc thay đổi ID/pass hay kick những thành phần gây rối ra cũng không thể giải quyết được triệu để vấn đề này.

"Theo mình, những học sinh tham gia vào các trò nghịch ngợm này đa phần cũng sẽ có những biểu hiện cá biệt tại lớp, hoặc do không được thể hiện sự cá biệt đó trên lớp vì sự kiểm soát mà sử dụng cách này. Đây là câu chuyện về ý thức không phải của 1,2 người nữa rồi, mà còn gây nhức nhối cho cả ngành giáo dục.". Cô V.T.H cũng cho biết thêm.

Công sức của thầy cô đang bị lãng phí

Đây là một thực trạng đáng buồn của không ít thầy cô khi mà một bộ phận học sinh hiện vẫn chưa thể tự giác trong học và thích thể hiện cái tôi quá lớn, làm ảnh hưởng đến một tập thể.

Cô N.H.L, giáo viên cấp 2 tại Hà Nội tâm sự: "Ở thời nào thì cũng đều có những học sinh vô cùng nghịch ngợm. Là giáo viên, tôi thực sự buồn khi phải chứng kiến những hiện tượng trên. Việc dạy- học online ở thời điểm này là biện pháp tối ưu nhất cho các em học sinh không bị quên kiến thức. Công sức của giáo viên bỏ ra nhiều hơn nhiều lần bình thường và trong lớp có nhiều em rất nghiêm túc. Nhưng chỉ vì xuất hiện các hiện tượng trên làm gián đoạn toàn bộ buổi học."

Thầy Vũ Minh Hải, giáo viên cấp 3 lại bày tỏ: "Làm nghề giáo muôn phần khổ, điều này làm mình cảm thấy các em như đang phủ nhận công sức chuẩn bị bài giảng của mình. Dù với bất cứ lý do gì thì những việc làm đó đều sai trái."

Những hành động trên cần được dừng lại ngay bây giờ, để thầy cô, những người vất vả hằng ngày dựng giáo án và chuẩn bị bài tập được giảng dạy ở một môi trường mạng an toàn và trong sạch. Mỗi việc làm đều là thước đo giá trị và ý thức của bản thân, nên hãy suy nghĩ và thay đổi trước khi quá muộn. Môi trường sư phạm không dành cho những hành vi thiếu chuẩn mực, gây ảnh hưởng đến những ai thực sự có mong muốn tiếp thu kiến thức.

Cô N.H.L nhắn nhủ: "Các em hãy bình tĩnh và nhận ra lỗi sai của mình ngay lúc này. Thay đổi tư duy, hợp tác và học tập thật tốt. Các em hãy biết suy nghĩ cho chính bản thân mình, cho gia đình mình, cho Tổ Quốc mình. Hãy đồng lòng, gắng sức không chỉ trong việc chống dịch bệnh mà còn trong việc tiếp thu kiến thức thức giúp ích tương lai của các em".

Bài cùng chuyên mục