Tần Thủy Hoàng là ai ? Vị Hoàng đế đầu tiên đánh bại 6 nước thống nhất Trung Quốc

Tần Thủy Hoàng tên là Doanh Chính, sinh vào tháng giêng năm thứ 48 đời Tần Chiêu Vương, tại Hàm Đan. Năm 13 tuổi đăng cơ làm Tần Vương, do trọng phụ Lã Bất Vi nhiếp chính.

Sau khi đích thân trị vì, tiêu diệt sáu nước, xưng là Thủy Hoàng Đế, tức vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Tại vị 37 năm, trong đó, xưng vương 25 năm, xưng đế 12 năm. Ốm chết, thọ 50 tuổi.

Tần Thủy Hoàng - Doanh Chính vị hoàng đế đầu tiênNăm sinh, năm mất: 259 TCN – 210 TCN

Nơi an táng: Ly Sơn (phía đông bắc Lâm Đồng tỉnh Thiểm Tây ngày nay).

Sau: Tần Nhị Thế – Hồ Hợi

Tính cách: Doanh Chính tuổi Dần, tính cách cũng rất giống hổ. Úy Liễu, phụ tá đắc lực của Tần Thủy Hoàng, từng miêu tả ông như sau: Tần Vương có mũi cao, mắt dài, ngực nhô cao như ức chim, đối xử với người khác vô tình, lòng dạ như lang sói. Khi chưa đạt mục đích thì còn cư xử hòa nhã, một khi đã đạt được mục đích rồi thì có thể ăn cả thịt người. Nếu người này có được thiên hạ thì mọi người đều sẽ trở thành tù binh của ông ta.

Công – tội: Thống nhất sáu nước, phế bỏ chế độ phong kiến nhà Chu, đặt lại quận huyện, thống nhất độ dài trục bánh xe, văn tự, tiền tệ, đơn vị đo lường trên toàn quốc. Có công lao không thể phủ nhận trong việc dung hòa văn hóa các dân tộc của Trung Quốc, xác lập bản đồ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi bình định thiên hạ, ông đã thi hành nền chính trị hà khắc, đốt sách chôn Nho, xây dựng những công trình quy mô lớn, tiêu xài hoang phí, mê muội tà thuật, khát khao được trường sinh khiến cho dân chúng lầm than nên không lâu sau khi ông chết, triều Tần đã bị khởi nghĩa nông dân lật đổ.

Hoàng đế đầu tiên? Tần Vương Doanh Chính kiêm tính xong sáu nước, kết thúc cục diện cát cứ thời Chiến Quốc, thống nhất nước Trung Hoa. Ông ta cảm thấy công tích của mình còn lớn lao hơn cả tam hoàng ngũ đế trong truyền thuyết, không thể cứ dùng danh hiệu “vương” nữa, mà cần tìm một danh hiệu tôn quý hơn cho xứng với công tích đó, liền quyết định dùng danh hiệu “hoàng đế”, Vì là hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, nên ông tự xưng là Thủy Hoàng đế (thủy có nghĩa: đầu tiên). Ông ta còn quy định, con cháu về sau nối ngôi, cứ theo thứ tự mà gọi, như Nhị thế hoàng đế, Tam thế hoàng đế… cho tới Vạn thế hoàng đế.

Lai lịch của Tần Thủy Hoàng

Bối cảnh lịch sử trước khi Tần Thủy Hoàng ra đời

Thiên tử nhà Chu ban hành chính sách phân đất cho chư hầu, Trung Nguyên bị phân chia thành hàng trăm quốc gia lớn nhỏ. Những nước này tranh đấu, thôn tính lẫn nhau khiến cuộc sống của người dân rơi vào cảnh binh đao loạn lạc. Cuối cùng còn lại bảy nước lớn là Triệu, Tề, Hàn, Ngụy, Yên, Sở, Tần. Cuộc tranh đấu giữa các nước này ngày càng kịch liệt. Không lâu trước khi Doanh Chính chào đời, hai nước Tần và Triệu vừa kết thúc cuộc đại chiến Trường Bình. Cuộc chiến tranh này kết thúc do nước Triệu đầu hàng, riêng số quân Triệu bị chôn sống đã lên đến 40 vạn người.

Vì lợi ích nhất thời mà bảy nước có lúc liên minh, có lúc lại chiến tranh. Để biểu thị thành tâm thì ngoài việc cam kết ra còn phải cho con cháu của mình đến nước liên minh làm con tin. Doanh Dị Nhân, “cha” của Doanh Chính, được Tần phái đến Triệu làm con tin.

Lã Bất Vi và âm mưu “buôn vua bán chúa”

Lúc đó, Tần là nước hùng cường nhất, giàu có nhất nhưng cuộc sống của Dị Nhân ở nước Triệu rất nghèo khổ, ngoài một người nô tài là Triệu Thăng (cha của Triệu Cao) ra không có bất cứ tài sản gì. Ở Hàm Đan có rất nhiều con tin của các nước nhưng không có ai nghèo khổ như Dị Nhân. An Quốc Quân, thái tử của Tần Chiêu Vương, có đến mười mấy người con trai. Còn Tần Chiêu Vương có vô số cháu nội. Nên khi gửi con cháu đi làm con tin rồi thì họ không cần quan tâm đến chúng nữa.

Tuy nhiên, lại có một người chú ý đến Dị Nhân. Đó chính là Lã Bất Vi. Lã Bất Vi người nước Vệ, là người có tài, phong lưu phóng khoáng, vừa có trí tuệ lại vừa có dã tâm lớn. Lã Bất Vi không phải quý tộc, trong tay không có binh quyền nhưng ông ta hiểu rằng muốn khuynh đảo thiên hạ thì ngoài quyền thế và quân đội còn có hai thứ khác là tiền bạc và đàn bà. Cho nên, Lã Bất Vi bắt đầu làm kinh doanh ông ta buôn những mặt hàng mà các nước cần nhất là muối, sẳt, vải, dược liệu… Chỉ sau vài năm, ông ta đã trở thành một cự phú. Ông ta nói với cha rằng, việc buôn bán như vậy tuy có thể thu lợi nhưng về lâu dài không phải là việc lý tưởng, ông ta phải làm một vụ buôn bán lớn hơn là buôn vua bán chúa. Người cha lại nói; “Nếu thất bại thì sẽ bị rơi đầu”. Nhưng Lã Bất Vi vẫn dũng cảm quyết định thực hiện thương vụ này.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình của các nước, Lã Bất Vi cho rằng chỉ có nước Tần mới có khả năng thống nhất thiên hạ. Khi ông ta nắm được tình hình của triều đình nước Tần thì sẽ dựa vào Dị Nhân để mưu tính đại sự, và cho rằng đây chính là một vụ đầu cơ chính trị.

Do chiến tranh liên miên nên tiền của hao tốn cho quân đội nhiều không kể xiết. Thế là Lã Bất Vi liền trở thành khách quý của các nước. Nhờ vào thân phận và địa vị đó, ông ta dễ dàng kết giao với công tử Dị Nhân nước Tần. Ông ta chu cấp cho Dị Nhân rất nhiều tiền của, cho Dị Nhân được hưởng cuộc sống giàu sang phú quý, sánh ngang với công tử của các nước khác.

Theo chỉ dẫn của Lã Bất Vi, Dị Nhân dùng tiền làm từ thiện, làm việc nghĩa để nâng cao địa vị của mình. Không lâu sau, Dị Nhân trở thành nhân vật có tiếng tăm và ảnh hưởng lớn ở thành Hàm Đan.

Dị Nhân làm con tin ở các nước hơn 10 năm, nếm trải đủ mọi khổ đau của thời loạn lạc nên vô cùng căm ghét chiến tranh. Trong các buổi yến tiệc, Dị Nhân thường nêu quan điểm thể hiện tinh thần phản chiến và loại trừ mối nguy hại do chiến tranh gây ra. Do Dị Nhân là công tử của nước Tần, một nước hùng mạnh, luôn luôn giành phần thắng trong các cuộc chiến, nên thái độ của ông ta đương nhiên là có sức ảnh hưởng lớn.

Lã Bất Vi biến con ông ta, Doanh Chính, thành người kế vị nước Tần

Lã Bất Vi có một người tiểu thiếp tên là Triệu Cơ, dung mạo xinh đẹp, lại có tài ca múa, đàn hát. Mỗi lần Dị Nhân đến phủ Lã Bất Vi đều được Triệu Cơ tiếp đãi. Dị Nhân đã hơn 20 tuổi nhưng vẫn chưa thành thân. Trước đó, khi làm con tin ở nước Tề đã từng sống chung với một cô gái người nước Tề nhưng sau này đã bỏ đi. Giờ đối diện với một mỹ nhân thì không khỏi xao xuyến trong lòng.

Những điều này đều bị Lã Bất Vi nhìn thấu.

Lã Bất Vi đã có vợ ở quê nhà, nhưng mỗi khi đến một nơi nào đó thì cũng đều có thê thiếp. Lã Bất Vi gặp Triệu Cơ hát rong trên đường phố Hàm Đan, thấy nàng ta xinh đẹp liền bỏ ra một món tiền lớn để mua về nhà, yêu quý như báu vật. Hiện tại, Triệu Cơ đã mang thai.

Lã Bất Vi đã tiêu tốn rất nhiều tiền của cho Dị Nhân, giờ còn muốn dâng tặng cả ái thiếp của mình. Lã Bất Vi đã mất mấy đêm dỗ dành, Triệu Cơ mới miễn cưỡng đồng ý trở thành phu nhân của Dị Nhân. Để hoàn thành việc này, Lã Bất Vi còn bày ra một âm mưu. Một buổi trưa, mọi người trong Lã phủ đều đang ngủ, Dị Nhân vẫn dùng dằng không cho Triệu Cơ đi, mặt dày đòi ân ái với nàng ta. Triệu Cơ không cách nào thoát được nên đành phải thuận theo Dị Nhân. Khi hai người đang mây mưa thì Lã Bất Vi bất ngờ xông vào phòng. Dị Nhân không biết làm gì ngoài việc quỳ gối, xin Lã Bất Vi tha thứ. Lã Bất Vi mắng mỏ Dị Nhân một hồi rồi đóng ý cho Dị Nhân lấy Triệu Cơ.

Lã Bất Vi che giấu quan hệ của mình với Triệu Cơ, nói rằng nàng ta là em họ xa của mình, lấy tư cách anh họ để gả Triệu Cơ cho Dị Nhân. Từ đó, Dị Nhân càng nể trọng và nghe lời Lã Bất vi hơn Sau khi sắp xếp xong mọi việc ở Hàm Đan, Lã Bất Vi đến Hàm Dương, lo liệu việc mở đường cho Dị Nhân bước lên ngôi thái tử.

Lập kế cho Dị Nhân làm thái tử

Khi đó, tại nước Tần, Tần Chiêu Vương tuy vẫn mong muốn mở rộng biên cương, phái tướng quân Bạch Khởi nhiều lần tấn công nước Triệu, nhưng ông ta đã cao tuổi, thường xuyên đau ốm, nên không lâu nữa An Quốc Quân sẽ kế vị. Tần Chiêu Vương thúc giục An Quốc Quân sớm lập con nối dõi. Chính thất của An Quốc Quân là Hoa Dương phu nhân lại không có con trai, đang muốn chọn một người trong số con trai của các thê thiếp…

Đúng lúc đó, Lã Bất Vi đến Hàm Dương.

Lã Bất Vi dùng chiến thuật vu hồi. Ông ta đến bái kiến chị gái của Hoa Dương phu nhân là Hoa Quỳ phu nhân trước, rồi bái kiến em trai của Hoa Dương phu nhân. Sau khi dùng vàng bạc châu báu lấy lòng họ, Lã Bất Vi phân tích cho họ thấy tình thế của triều đình nước Tần hiện tại, chỉ ra rằng: nếu An Quốc Quân chọn con trai của bất kỳ người thiếp nào làm con nối dõi thì Hoa Dương phu nhân cùng thân quyến sẽ bị thất sủng, thậm chí còn gặp phải họa diệt thân…

“Vậy theo tiên sinh thì phải làm thế nào?” – Hai chị em đều cảm thấy sợ hãi.

Lúc đó, Lã Bất Vi mới giới thiệu Dị Nhân, nói rằng Dị Nhân ở nước Triệu rất có thế lực, là công tử có quyền uy nhất trong số công tử các nước ở Triệu, là người có học, rất biết lễ nghĩa, đưọc mọi người ở Hàm Đan trọng vọng.

Hai chị em liền tin lời Lã Bất Vi, bởi những câu chuyện về Dị Nhân ở Hàm Đan đã được truyền đến nước Tần từ trước. Trong triều đình, ai cũng biết Dị Nhân là người tài giỏi.

Lã Bất Vi dùng tài ăn nói của mình, thuyết phục chị gái và em trai của Hoa Dương phu nhân rằng nếu Hoa Dương phu nhân nhận Dị Nhân làm con nuôi, An Quốc Quân lập Dị Nhân làm con nối dõi thì nhất định Dị Nhân sẽ hiếu kính với Hoa Dương phu nhân, địa vị của phu nhân và gia tộc sẽ ngày càng cao quý.

Hoa Dương phu nhân là khuê nữ tài mạo song toàn của một gia đình giàu có, tuy đã có tuổi nhưng dung mạo vẫn xinh đẹp, là người có địa vị cao trong triều đình nước Tần. Thậm chí, Tần Chiêu Vương còn nói với An Quốc Quân rằng: “Ta lập con làm thái tử là do nể mặt phu nhân của con”. Vương hậu, mẹ chồng của Hoa Dương phu nhân, đã nhận bà ta làm con nuôi, vô cùng yêu quý.

Lúc đó, Hoa Dương phu nhân đang vô cùng buồn rầu vì mình không có con trai, sau khi được chị gái và em trai hiến kế liền vui mừng đồng ý.

Được sự ủng hộ của Hoa Dương phu nhân cùng với Vương hậu, Dị Nhân được lập làm con nối dõi của An Quốc Quân.

Hoa Dương phu nhân nói rằng Lã Bất Vi là người nâng đỡ cho Dị Nhân. Ngày hôm sau, Tần Chiêu Vương liên triệu kiến Lã Bất Vi, và hỏi ông ta về đại kế thống nhất thiên hạ. Lã Bất Vi thao thao bất tuyệt, nêu ra những kiến giải mới mẻ. Tần Chiêu Vương và An Quốc Quân thấy rằng Lã Bất Vi không chỉ là một thương gia tài giỏi mà còn thấu hiểu thời thế, là một kỳ tài về chính trị. Tân Vương ngay lập tức chính thức bổ nhiệm Lã Bất Vi làm người dạy bảo Dị Nhân. Lã Bất Vi tỏ ý muốn tặng gia sản của mình cho nước Tần trang bị, cải tiến quân đội. Điều này khiến cho Tần Vương hết sức vui mừng.

Chuyến đi đến Hàm Dương của Lã Bất Vi đã có thu hoạch lớn, không chỉ thiết lập được ngôi vị con nối dõi cho Dị Nhân mà còn nâng cao địa vị của mình ở nước Tần, mở ra tiền đồ chính trị xán lạn.

Doanh Chính ra đời

Khi về đến Hàm Đan, Lã Bất Vi biết tin Triệu Cơ đã sinh con trai thì vô cùng vui mừng. Do đứa trẻ sinh vào đúng ngày mùng 1 tháng giêng nên Dị Nhân đặt tên là Triệu Chính (theo phong tục thời đó, đứa trẻ sinh ra ở đâu thì lấy họ ở đó).

Là Bất Vi kể tường tận chuyện ở nước Tần cho Dị Nhân (lúc này đã đổi tên là Tử Sở) và Triệu Cơ. Tử Sở quỳ khóc trước Lã Bất Vi, cảm tạ ân đức to lớn này. Người trong thành Hàm Đan nhanh chóng biết tin Dị Nhân đổi tên là Tử Sở và được lập làm con nối dõi của An Quốc Quân thì liên tiếp đến chúc mừng.

Nhưng không lâu sau đó, quân Tần bao vây thành Hàm Đan. Liên quân các nước Nguy, Sở, Yên, Hàn do Tín Lăng Quân làm tổng chỉ huy cũng đang chiến đấu kịch liệt ở ngoài thành. Lã Bất Vi buôn bán, kinh doanh ở bên ngoài, thu thập kinh phí cho quân đội nước Tần, bỏ lại vợ chồng Tử Sở ở thành Hàm Đan. Dân chúng nước Triệu vốn căm thù người nước Tần, ngày ngày đều đến trước nhà Tử Sở phá phách. Nếu không có Triệu Vương phái quân lính đến bảo vệ phủ đệ của Tử Sở thì cả nhà đã mất mạng.

Trong thời điểm ngàn cân treo sợi tóc đó, Lã Bất Vi bí mật vào thành Hàm Đan; Nhờ sự giúp đỡ của hiệp khách giang hồ, Lã Bất Vi và Tử Sở trốn khỏi thành Hàm Đan trở về nước Tần. Triệu Cơ và Triệu Chính cũng nhờ những người hào hiệp che giấu, sống lưu lạc suốt 8 năm ở nước Triệu. Triệu Vương tuy nhiều lần hạ lệnh truy tìm Triệu Cơ, Triệu Chinh và Lã Bất Vi nhưng không có kết quả

Giai đoạn đầu khi Doanh Chính kế vị

13 tuổi Doanh Chính đã làm vua, Lã Bất Vi chấp chính

Năm 251 TCN, Tần Chiêu Vương băng hà, An Quốc Quân kế vị, trở thành Tần Hiếu Văn Vương, lập Hoa Dương phu nhân làm Vương hậu, Tử Sở làm thái tử. Một năm sau, Tần Hiếu Văn Vương qua đời, Tử Sở kế vị làm Tần Trang Tương Vương.

Nhưng Tử Sở cũng là một ông vua đoản mệnh, chỉ ở ngôi có 3 năm rồi mất. Doanh Chính lên kế vị. Doanh Chính mới 13 tuổi đã làm vua một nước, còn Triệu Cơ chưa đến 30 tuổi đã danh chính ngôn thuận trở thành thái hậu. Triệu Cơ hạ lệnh cho Lã Bất Vi vẫn làm tướng quốc, thay Doanh Chính chấp chính, lệnh cho Doanh Chính phải gọi Lã Bất Vi là “trọng phụ”.

Ngay từ bé, Doanh Chính đã phải chịu nỗi nhục “con riêng”, không chỉ bị hàng xóm gièm pha mà ngay cả bọn trẻ con cũng mắng chửi. Doanh Chính cá tính mạnh mẽ nên đương nhiên không chịu nhẫn nhịn mà đánh nhau với người ta. thường xuyên bị thương. Cho nên Doanh Chính rất hận Lã Bất Vi.

Bây giờ, Lã Bất Vi làm tướng quốc, thâu tóm quyền lực của nước Tần, mẫu thân lại còn bắt Doanh Chính gọi ông ta là “trọng phụ”, làm sao Doanh Chính có thể nhẫn nhịn được? Hơn nữa, thấy mẹ mình quá thân mật với tướng quốc, đôi khi còn liếc mắt đưa tình với nhau ngay trước mặt quần thần. Doanh Chính thầm thề rằng sau khi nắm được quyền binh, việc đều tiên là phải giết Lã Bất Vi.

Bị Triệu Cơ nắm được điểm yếu, Lã Bất Vi phải làm tình nhân của thái hậu. Để thoát khỏi vai trò ô nhục này, Lã Bất Vi đã chọn ra một người khôi ngô, cường tráng, giỏi ăn nói trong đám môn khách để thay thế mình. Người này tên là Lao Ái. Không lâu sau, Triệu Cơ và hắn đã dính với nhau như keo.

Lã Bất Vi xây dựng nền tảng vững chắc cho Doanh Chính thống nhất thiên hạ

Lã Bất Vi không chỉ là một thương nhân thông minh mà còn là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất. Trong thời gian ông ta chấp chính, nước Tần đã trở nên vô cùng giàu mạnh, mấy lần xuất binh chinh phạt, cuối cùng đã diệt được nhà Đông Chu và còn làm khiến các nước láng giềng ngày càng suy yếu. Các nước Hàn, Triệu, Ngụy đều phải cắt nhường cho Tần một phần lãnh thổ rộng lớn, khiến cho lãnh thổ của Tần lớn hơn lãnh thổ cả sáu nước cộng lại. Đây chính là bước đệm vững chắc cho việc thống nhất thiên hạ của Doanh Chính sau này.

Nhưng việc Lã Bất Vi quan tâm nhất là việc dạy dỗ Doanh Chính. Bởi ông ta hiểu rằng chỉ khi Doanh Chính trở thành một quân vương anh minh uy vũ thì sự nghiệp thống nhất thiên hạ của ông ta mới có thể thành công. Lã Bất Vi mời những thầy giáo giỏi về dạy Doanh Chính, đích thân thúc giục Doanh Chính học tập. Mỗi lần xuất chinh trở về, chưa kịp cởi bỏ áo giáp đã cho tìm Doanh Chính đến, hỏi han đủ điều. Nhưng Lã Bất Vi không thể ngờ rằng, sự quan tâm quá mức của mình chỉ khiến cho Doanh Chính càng thêm tức giận và căm ghét ông ta.

Để làm quy chuẩn lời nói và việc làm của Doanh Chính, Lã Bất Vi ra lệnh cho các môn khách biên soạn một tác phẩm lớn là “Lã thị Xuân Thu”. Nhằm đề cao địa vị của cuốn sách này. Lã Bất Vi cho treo cuốn sách ở trước cửa và nói rằng nếu ai sửa được 1 chữ trong sách này sẽ được thưởng ngàn lượng vàng. Cuốn sách này quả thực rất có giá tri, và đã trở thành một điển tích nổi tiếng của Trung Quốc, được lưu truyền đến tận thời nay. Nhưng Doanh Chính lại không hề coi trọng cuốn sách này, ông hiểu được dụng ý của Lã Bất Vi nên lại càng thêm căm hận.

Doanh Chính diệt trừ phản loạn

Tình nhân của Triệu thái hậu là Lao Ái liên tiếp yêu cầu thái hậu ban chức quan, phong đất, ban quyền lực và còn nuôi mấy ngàn thực khách; Sau này còn âm mưu giết Doanh Chính đoạt vương vị, để cho mấy đứa con của hắn và thái hậu kế vị. Triệu Cơ đương nhiên không đồng ý, nhiều lần khuyên can nhưng Lao Ái vẫn quyết chí thực hiện âm mưu đó.

Khi Doanh Chính 21 tuổi, theo quy đinh thi còn 1 năm nữa mới có thể đích thân nắm quyền bính. Nhưng tình thế và tính cách của Doanh Chính đều khiến ông không thể chờ đợi thêm nữa. Doanh Chính phát động cuộc chiến diệt trừ phản loạn, bắt bọn phản tặc Lao Ái. Lao Ái bị tội phanh thây còn mấy chục tên cốt cán khác cũng bị chém đầu thị chúng. Sau đó, Doanh Chính dân quân xông vào Ung cung của thái hậu, giết hết cận vệ, người hầu; Đến 2 đứa con của Triệu Cơ và Lao Ai cũng bị bỏ vào trong bao rồi đập chết, và hạ lệnh giam thái hậu trong cung.

Việc kinh thiên động địa này khiến cho Lã Bất Vi và triều thần vô cùng bất ngờ, nhưng không dám nói lời nào. Có người từng khuyên Doanh Chinh đối đãi tử tế với thái hậu, đón thái hậu hồi cung nhưng Doanh Chính trong cơn thịnh nộ đã ném người đó vào vạc dầu sôi. Ông ta còn ném hai mươi mấy đại thần dám đến khuyên can vào vạc dầu, phơi thi thể của họ ở ngoài thành Hàm Dương.

Năm thứ hai sau khi đích thân nắm quyền bính (237 TCN), Doanh Chính đã bước đầu ổn định được chính quyền, bắt đầu tính cách loại trừ Lã Bất Vi. Đầu tiên là bãi chức, rồi đuổi Lã Bất Vi đến Lạc Dương – đất phong của Lã Bất Vi. Lã Bất Vi ở đó chưa đầy 2 năm thì Doanh Chính phái Triệu Cao mang thánh chỉ đến, lệnh cho Lã Bất Vi phải đi lưu đày ở Tứ Xuyên. Lã Bất Vi biết được ý đồ của Doanh Chính là muốn mình chết nén đã cư xử một cách khôn khéo, uống thuốc độc tự tử.

Sau khi Lã Bất Vi chết, Doanh Chinh hạ lệnh tịch thu toàn bộ gia sản, trừng phạt nghiêm khắc bè cánh, xóa bỏ tận gốc đảng phái của ông ta.

Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ

Điều kiện thuận lợi để thống nhất thiên hạ đã đến

Sau khi củng cố chính quyền, có rất nhiều triều thần liên tục dáng tấu thư, phân tích tình thế, hiến mưu lược, khuyên Doanh Chính sớm thống nhất thiên hạ.

Bấy giờ, quốc lực của nước Tần lớn mạnh, quân đội tinh nhuệ, lương thực dồi dào, không nước nào trong sáu nước có khả năng địch lại. Đây chính là thành quả từ sự tích lũy của mấy đời Tần Vương. Đặc biệt là nhờ tài kinh doanh của Lã Bất Vi.

Nước Tần cũng là nơi tụ hội của các nhân tài. Hào kiệt các nước thấy rằng nước Tần giữ vị trí bá chủ trong các nước, trong tương lai, chỉ có nước Tần có thể thống nhất thiên hạ; cho nên họ lũ lượt kéo đến Hàm Dương, mưu cầu tiến thân. Khi đó, Doanh Chinh trọng người hiền tài, cởi mở đón nhận mọi ý kiến nên thành Hàm Dương tụ hội rất nhiều tài tử. Ví dụ như Lý Tư, Uý Liễu, Diêu Giả, Đốn Nhược đều là những người có tài kinh bang tế thế. Nước Tần cũng có không ít những tướng lĩnh tài ba. Ví dụ như Vương Tiễn, Vương Bôn, Mông Ngao, Mông Điềm, Mông Vũ, Lý Tín đều đã trải qua trăm trận chiến, là những nhà quân sự tài ba.

Tấn công nước Hàn

Tần Thủy Hoàng chĩa mũi nhọn vào nước ở gần nhất, yếu nhất là nước Hàn. Hàn Vương An là một người nhu nhược, bất tài, luôn dùng chính sách cống nạp sản vật, mỹ nữ để mong lấy lòng nước Tần. Đương nhiên, Hàn Vương cũng ngầm sử dụng một số tiểu xảo như phái chuyên gia thuỷ lợi Trịnh Quốc đến Tần, muốn phân tán sự quan tâm của Tần Vương sang việc xây dựng thủy lợi, tiêu tốn tiền bạc của nước này;

Vả lại phái một quý tộc là Hàn Phi đến Tần làm nội gián, muốn khiến cho nước Tần chuyển mục tiêu tấn công sang nước Triệu… Những mánh khóe này không cứu nổi nước Hàn.

Tần Vương năm thứ 17, Doanh Chính xuất binh tiêu diệt nước Hàn, bắt Hàn Vương An làm tù binh.

Tiêu diệt nước Triệu

Bước thứ hai, Tần Vương muốn thôn tính kẻ thù cũ là nước Triệu.

Triệu Vương Thiên cũng là một kẻ bất tài. Nhưng trong sáu nước thì thế lực của Triệu là mạnh nhất, dưới trướng cũng có một vài tướng tài. Khi đó, lão tướng quân Liêm Pha đã qua đời, người thực sự có khả cầm binh chỉ có Lý Mục, dưới trướng Lý Mục cũng có không ít dũng tướng.

Trong các mưu sĩ của Tần Vương, Đốn Nhược là người giỏi dùng kế phản gián, đã đến Hàm Đan, mua chuộc tướng quân Quách Khai của nước Triệu để ly gián quan hệ giữa Triệu Vương và Lý Mục. Quách Khai vu cáo Lý Mục mưu phản, khiến Triệu Vương giết chết Lý Mục.

Sau khi Triệu Vương giết Lý Mục, quân Tần tiến thẳng vào nước Triệu, tấn công Hàm Đan, bắt Triệu Vương làm tù binh. Công tử Triệu Hỷ mang theo vài ngàn người chạy trốn đến quận Đại (ngày nay là huyện Uý tỉnh Hà Bắc), tự xưng vương, cầm cự được vài năm rồi cũng bị quân Tán tiêu diệt.

Kinh Kha hành thích Tần Thủy Hoàng thất bại, nước Yên bị tiêu diệt

Nước Yên ở phía bắc, diện tích rộng lớn nhưng không giàu mạnh. Yên Vương Hỷ khi làm con tin ở nước Triệu từng qua lại thân thiết với Tử Sở, con trai ông ta là thái tử Yên Đan cũng là bạn thân của Doanh Chính thuở thiếu thời. Yên Vương phái Yên Đan đến Hàm Dương làm con tin, muốn lợi dụng mối quan hệ cũ để kết thân với nước Tần.

Nhưng giữa các quốc gia không thể có tình hữu nghị vĩnh cửu, mà chỉ có lợi ích vĩnh cửu. Yên Đan ở Tần mấy năm cũng chưa từng được tiếp kiến Tần Vương lần nào. Vận mệnh bi thảm của hai nước Hàn, Triệu ảnh hưởng sâu sắc tới Yên Đan. Nhờ sự giúp đỡ của tướng quân nước Tần là Phàn Vu Kỳ, Yên Đan cùng ông ta chạy trốn về nước Yên, âm mưu bắt chước Tín Lang Quân lập liên minh chống Tần. Nhưng tình thế đã thay đổi, thời cơ không còn nữa, Yên Đan không làm nên việc gì.

Cuối cùng, Yên Đan mưu tính ám sát Tần Vương, cho rằng chỉ cần giết chết Doanh Chính thì thiên hạ sẽ thái bình. Người đảm nhận việc hành thích Tần Vương là tráng sĩ Kinh Kha. Để giúp Kinh Kha hoàn thành nhiệm vụ, Phàn Vu Kỳ đã hiến thủ cấp của mình. Yên Đan chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho Kinh Kha, và còn phái Tần Vũ Dương làm trợ thủ.

Năm 227 TCN, Kinh Kha đến Hàm Dương. Tần Vương tiếp kiến Kinh Kha ở tiền điện của cung Hàm Dương. Kinh Kha dâng đầu của Phàn Vu Kỳ lên trước rồi đến địa đồ của nước Yên. Con dao được giấu ở cuối tấm địa đồ. Khi Kinh Kha cầm con dao đàm về phía Tần Vương thì Tần Vương đã né mình tránh được, nhưng Kinh Kha đã giữ được ống tay áo của Tần Vương, tiếp tục truy sát. Nếu Tần Vũ Dương là một hảo Hán thì có lẽ việc hành thích đã thành công nhưng hắn ta mới vào đèn cung điện đã sợ run cầm cập, không bước nổi lên cầu thang.

Tần Vương phải chạy đến trốn ở sau cột trụ của cung điện để tránh sự truy sát của Kinh Kha. Do luật pháp nước Tần rất nghiêm khắc, không cho phép triều thần tự ý bước lên cung điện, càng không cho phép mang vũ khí vào cung nên các quan lại chỉ biết đứng nhìn mà không có cách nào ứng cứu, đành hô lớn; “Đại Vương, rút kiếm!“ Kiếm của Tần Vương rất dài, khó có thể lập tức rút được ra, lại đang bị Kinh Kha đuổi theo nên không thể dừng lại được. May thay lúc đó, quan ngự y ném hòm thuốc vào Kinh Kha mới cản chân Kinh Kha được một lát, giúp cho Tần Vương có cơ hội rút kiếm ra.

Tần Vương dùng kiếm đâm vào đùi trái của Kinh Kha khiến Kinh Kha ngã ra đất. Kinh Kha bị Tần Vương chém liên tiếp 7 nhát kiếm, chết ngay tại đại điện.

Xem thêm bài viết khác kể về việc: Kinh Kha Hành Thích Tần Vương

Việc Kinh Kha hành thích Tần Vương được sử sách bàn luận rất nhiều, còn dân chúng thì ủng hộ Kinh Kha, coi Kinh Kha là một đại anh hùng nghĩa khí. Thực ra, hành động mù quáng đó không đáng được tán thưởng.

Năm 227 TCN, Tần Vương ra lệnh cho Đại tướng quân Vương Tiễn tấn công nước Yên. Quân Yên nhanh chóng thất bại. Yên Vương Hỷ bỏ chạy đến Liêu Đông, mong được tạm thời yên ổn. Tướng Tần là Lý Tín ra sức truy đuổi. Yên Vương phải giết chết thái tử Yên Đan, gửi thủ cấp đến Hàm Dương để cầu hòa.

Đến năm 222 TCN, con trai của Vương Tiễn là Vương Bôn bắt sống Yên Vương, nước Yên hoàn toàn bị tiêu diệt.

Phá đê sông Hoàng Hà diệt Ngụy

Năm 225 TCN, quân Tần tiến vào kinh đô Đại Lương của nước Ngụy. Lúc này, Vương Tiễn đã nghỉ hưu, con trai là Vương Bôn làm tướng quân. Vương Tiễn bày mưu cho con trai phá đê sông Hoàng Hà làm ngập kinh đô của nước Ngụy. Ngụy Vương Giả là người trẻ tuổi, thà chết không chịu đầu hàng, dẫn quân quyết chiến với quân Tần, nhưng ít không thể địch lại nhiều, cuối cùng đã tự sát trên thuyền.

Nước Sở đại bại

Nước Sở vốn là là một nước lớn mạnh, nhưng Sở Vương Phụ Sô là người rất ngu dốt. Ông ta không tin tưởng đại tướng quân Hạng Yên, tự mình dẫn quân nghênh chiến. Tướng quân Lý Tín của Tần do khinh suất đã bại trận ở Thành Phụ. Tần Vương phái lão tướng Vương Tiễn cầm quân.

Vương Tiễn thống lĩnh 60 vạn đại quân đánh cho nước Sở đại bại, tiến công vào kinh đô Thọ Xuân của Sở, bắt Sở Vương Phụ Sô làm tù binh. Nước Sở bị tiêu diệt.

Chinh phạt Tề

Nước Tề ở phía đông luôn đứng ngoài sự phân tranh của sáu nước và còn muốn phái sứ giả đến Tần cống tặng mỹ nữ, vàng bạc, cầu xin hai hai nước không xâm phạm lẫn nhau. Nhưng Tần Vương sao có thể chấp nhận yêu cầu đó được.

Tần Vương năm thứ 26 (tức năm 221 TCN), Doanh Chính lệnh cho Vương Bôn xuất binh chinh phạt nước Tề. Quân Tề cầm cự được vài ngày rồi cũng đại bại.

Giai đoạn hậu thống nhất thiên hạ

Các nước phân tranh suốt mấy trăm năm, nước Tần chinh chiến hơn 10 năm thống nhất thiên hạ. Nhưng phần đông quý tộc và dân chúng của sáu nước vẫn không thuần phục nhà Tần, luôn nung nấu âm mưu phục quốc. Thế nên Doanh Chính ra lệnh cho Lý Tư làm đinh úy, cai quản luật pháp, đặt ra rất nhiều điều luật hà khắc. Người thời sau thường chỉ trích sự cai trị và luật pháp tàn bạo của Tần Thủy Hoàng nhưng kỳ thực việc đặt ra tất cả những điều luật đó cũng có trách nhiệm của Lý Tư.

Chính thức lấy tôn hiệu “Tần Thủy Hoàng”

Tần Vương ra lệnh cho quần thần đặt tôn hiệu cho mình. Triều thần muốn lấy lòng Tần Vương nên nghĩ ra vô số những tôn hiệu tán dương công đức của ông như Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Tần Hoàng… Nhưng ông ta không dùng những tên hiệu đó mà tự mình lấy hai chữ “hoàng đế” trong “Tam hoàng ngũ đế”, thể hiện địa vị của mình phải vượt qua mọi “Hoàng” và “Đế” trong thiên hạ. Tần Vương lại thêm 1 chữ “thủy” vào trước tôn hiệu, thể hiện ông ta là hoàng đế thứ nhất, là đời thứ nhất, con cháu vẽ sau sẽ truyền đến vạn đời.

Trước đây, sau khi vua chúa băng hà thì con cháu và đại thần mới đặt Thụy hiệu. Tần Thủy Hoàng hủy bỏ chế độ đó, thể hiện thái độ không muốn để cho người đời sau bình phẩm về mình.

Xóa bỏ tất cả chính sách từ thời Chu

Trong một cuộc triều nghị, bọn thừa tướng Vương Quán nói: “Hiện nay các chư hầu vừa bị tiêu diệt, đặc biệt là ba nước Yên, Sở, Tề cách Hàm Dương rất xa, không phong mấy tước vương cai trị ở đấy thì không được. Xin hoàng thượng phong cho mấy hoàng tử đến đó”.

Tần Thủy Hoàng cho đại thần bàn bạc. Rất nhiều người tán thành ý kiến của Vương Quán, chỉ có Lý Tư phản đối. Lý Tư nói: “Khi Chu Vũ Vương lập nên triều Chu, đã phong không ít chư hầu. Giữa họ phần nhiều là người cùng tông tộc. Thế mà sau này, do xung đột quyền lợi mà tàn sát nhau như thù địch, thiên tử nhà Chu cũng không ngăn cản được. Từ đó thấy rằng biện pháp phân phong là không tốt. Không bằng thiết lập quận huyện trong toàn quốc mà cai trị”.

Ý kiến của Lý Tư hoàn toàn hợp với ý Tần Thủy Hoàng. Vì vậy, ông nói rằng: “Nhà Chu sở dĩ bị diệt vong là do chế độ phân phong, bất cứ chính sách nào của nhà Chu cũng phải xóa bỏ hết”. Tần Thủy Hoàng thiết lập chế độ “tam công cửu khanh” trong triều đình; ở đia phương thì thiết lập chế độ “quận huyện”, tập trung mọi quyền lực của đất nước vào tay nhà vua. Cho đến tận khi ông ta chết đi, vợ con ông ta cũng chưa từng được có bất cứ tước vị hay một chút quyền hành nào.

Củng cố chính quyền

Ông chia cả nước làm 36 quận, dưới cấp quận là cấp huyện. Quan cai trị đứng đầu quận do triều đình trực tiếp bổ nhiệm. Việc chính sự quốc gia từ to đến nhỏ đều do hoàng đế quyết định. Theo nói lại, mỗi ngày Tần Thủy Hoàng phải đọc 120 cân tờ trình do dưới gửi lên (lúc đó chưa có giấy, chữ viết phải khắc trên thẻ tre), chưa đọc xong là chưa nghỉ. Đủ biết, quyền lực tập trung trong tay ông ta tới mức cao như thế nào.

Trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Nguyên, chế độ giữa các nước đều khác nhau, thí dụ về mặt giao thông, chiều dài trục xe mỗi nước quy định một khác, nên độ rộng mặt đường cũng khác nhau. Khi thống nhất đất nước, xe chạy từ vùng này sang vùng khác gặp khó khăn, nhiều khi phải đổi xe, gây phiền phức và mất thời gian. Do đó, nhà nước trung ương quy định, từ nay nhất loạt đóng xe theo kích thước tiêu chuẩn: khoảng cách giữa hai bánh xe là 6 thước (2m) để việc đi lại được thuận tiện trong cả nước. Việc đó, được gọi là “xa đồng qui” (xe có cùng vết bánh xe).

Để củng cố chính quyền, Tần Thủy Hoàng thống nhất văn tự, độ dài trục bánh xe, đơn vị đo lường và tiền tệ trong cả nước.

Và cũng vì mục đích đó, ông ta lấy Hàm Dương làm trung tâm, xây dựng đường cái trong cả nước, và còn xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Nhờ đó mà ông ta có thể nhanh chóng gửi công văn đến các quận huyện bằng một văn tự thống nhất, có thể trong thời gian ngắn phát binh trên cả nước, có thể phát triển công thương và mậu dịch thuận lợi, thu được nhiều tiền của hơn, còn có thể phòng bị quân Hung Nô một cách hiệu quả.

Tần Thủy Hoàng cho xây dụng xây dựng Vạn lý Trường thành
Cảnh xây dựng Vạn lý Trường thành

 

Vì sao lại xây Vạn lý Trường thành?

Tần Thủy Hoàng đang tiến hành việc cải cách trong nước, thì bộ tộc Hung Nô ở biên giới phía Bắc đánh vào nội địa. Hung Nô là bộ tộc ở vùng bắc lãnh thổ Trung Quốc. Suốt thời Chiến Quốc, quý tộc Hung Nô nhân dịp hai nước Yên, Triệu suy yếu, đã từng bước tiến xuống phía nam, chiếm đoạt một khu vực lớn ở vùng Hà Sáo.

Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Nguyên, liền phái đại tướng Mông Điềm đem ba mươi vạn quân chống lại, thu hồi lại vùng Hà Sáo, lập nên bốn mươi tư huyện.

Để đề phòng Hung Nô xâm phạm, Tần Thủy Hoàng lại điều động dân phu nối liền các bức thành do ba nước Yên, Triệu, Tần xây dựng trước kia và xây thêm nhiều thành mới, tạo thành một bức Vạn lý Trường thành chạy suốt từ Lâm Triệu (nay là huyện Mân, Cam Túc) ở phía tây đến Liêu Đông (nay ở tây bắc Liêu Dương, Liêu Ninh) ở phía đông, Công trình kiến trúc nổi tiếng toàn thế giới đó mãi mãi là tượng trưng của văn minh lâu đời của dân tộc Trung Hoa.

Sau này, Tần Thủy Hoàng lại phái năm mươi vạn quân bình định phương Nam, lập thêm ba quận. Năm thứ hai, Mông Điềm đánh bại Hung Nô lập thêm một quận. Như vậy, cả nước có bốn mươi tư quận.

 

Trấn áp thế lực phản nghịch

Sau khi bình định thiên hạ, Tần Thủy Hoàng luôn Ịuôn coi việc trấn áp các thế lực phản nghịch là nhiệm vụ trọng tâm. Ông ra lệnh tịch thu binh khí trong dân chúng, đúc thành mười hai bức tượng người bằng đồng khổng lồ, đặt bên ngoài cung Hàm Dương, lệnh cho toàn bộ phú hào và gia quyến của các nước chư hầu chuyển đến gần Hàm Dương để tiện cho việc giám sát. Bất kỳ người nào chỉ cần có hành động, lời nói trái với pháp luật liền bị giam vào ngục, còn hình phạt thì nhiều không đếm xuể.

Tần Thủy Hoàng hiểu rằng tư tưởng phản loạn và phục quốc đều bắt nguồn từ các tri thức nên ra lệnh cấm “Không được học theo sách cổ mà chê bai thời nay, làm mê loạn bọn đầu đen (dân chúng)”, để bảo vệ cục diện chính trị “pháp lệnh được ban ra thống nhất, dân thường thì chăm chỉ làm ruộng, kẻ sĩ học pháp luật, lệnh cấm”. Tránh đi theo vết xe đổ “thiên hạ tán loạn, không thể thống nhất”.

Tần Thủy Hoàng ban bố lệnh đốt sách, đồng thời giết hết bọn thuật sĩ phỉ báng mình, chôn sống hàng trăm Nho sinh, nên mới có câu nói “đốt sách chôn Nho”.

Những năm cuối đời

Thường xuyên bị mưu sát

Có áp bức thì tất phải có phản kháng. Từ khi Tần Thủy Hoàng lập quốc, phong trào phản kháng diễn ra vô cùng mạnh mẽ, khiến Tần Thủy Hoàng luôn lo lắng bất an. Do đó, Tần Thủy Hoàng đã đi tuần du khắp đất nước, để thưởng ngoạn phong cảnh giang sơn rộng lớn của mình, thỏa mãn khát vọng thống trị thiên hạ; và cũng để nghe thần dân ca tụng công đức của mình, tận hưởng danh tiếng uy vũ bốn bể.

Tuy nhiên, mỗi lần xuất du, Tần Thủy Hoàng đều bị những kẻ đối địch mưu sát. Trong đó, vụ hành thích ở Bác Lãng Sa của Trương Lương là nổi tiếng nhất.

Mê muội thuật trường sinh

Tần Thủy Hoàng bản tính thông minh, hào khí ngất trời, nhưng khi đã mê lầm thì lại ngây thơ như một đứa trẻ. Do ông ta mê muội thuật trường sinh nên đã mấy lần bị bọn lừa gạt lừa phỉnh, trở thành trò hề thiên cổ.

Năm Thủy Hoàng thứ 37 (năm 210 TCN), Tần Thủy Hoàng đi tuần du lần cuối cùng. Tần Thủy Hoàng khởi hành từ Hàm Dương, đến Vân Mộng trước rồi đi thuyền đến Tiền Đường. Sau khi bái tế Đại Vũ ở Cối Kê, khắc bia đá tưởng niệm rồi đi về hướng bắc sông Trường Giang đến Lang Nha. Tử Phúc, kẻ đã từng một lần lừa gạt Tần Thủy Hoàng, lại tiếp tục lừa phỉnh ông ta một lần nữa. Hắn ta nói: Lần trước không thể tìm được tiên dược trường sinh là do con giao khổng lồ ở trên biển cản trở. Tần Thủy Hoàng liền tin ngay và lại ban cho Từ Phúc rất nhiều thuyền lớn, tiền bạc và tùy tùng, lệnh cho hắn tiếp tục đi tìm thuốc trường sinh. Tần Thủy Hoàng còn đích thân ra biển bắn con giao đó. Với sự giúp đỡ của thần dân, cuối cùng ông ta cũng giết được một con cá lớn.

Lâm trọng bệnh, chết bên ngoài

Trên đường trở về, Tần Thủy Hoàng ngã bệnh. Khi đi đến Sa Khâu (nay là phía tây bắc Quảng Tông tỉnh Hà Bắc) thì tắt thở. Ông ta biết rằng không thể tìm được thuốc trường sinh và cũng khó lòng còn sống về đến Hàm Dương nên đã viết một thánh chỉ, lệnh cho Triệu Cao nhanh chóng gửi cho người con trưởng đang ở biên cương là Phù Tô trở về Hàm Dương chủ trì tang sự, tức là chuẩn bị kế vị ngôi báu. Nhưng chưa chờ được thư hồi âm thì Tần Thủy Hoàng đã băng hà.

Triệu Cao đã sớm có ý phản nghịch. Hắn không những không công bố chiếu chỉ của Tần Thủy Hoàng mà còn che giấu, không phát tang, cho thi thể của Tần Thủy Hoàng vào quan tài, đặt vào trong xe mà Tần Thủy Hoàng thường ngồi, theo lộ trình cũ trở về Hàm Dương.

Khi về đến Hàm Dương, Triệu Cao và Lý Tư lập tức đưa Hồ Hợi đăng cơ. Sau khi ngôi vị của Hồ Hợi vững vàng mới công khai phát tang, khâm liệm Tần Thủy Hoàng lần nữa và an táng trong lăng Ly Sơn.

Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả, Lịch sử Trung Quốc 5000 năm

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang