Review "Người cần quên phải nhớ": Bản tình ca đa sắc của phòng vé mùa Giáng sinh

Mang đến vô số điều mới mẻ, từ thể loại, nội dung câu chuyện cho đến diễn viên, "Người cần quên phải nhớ" là bản tình ca ấm áp về tình yêu, tình cảm gia đình của phòng vé Việt trong mùa Giáng sinh năm nay.

Người cần quên phải nhớ là câu chuyện được nhào nặn bởi bàn tay của đạo diễn Đỗ Đức Thịnh. Ngay từ nhan đề, bộ phim đã khơi gợi cảm xúc tò mò xen lẫn thích thú cho khán giả. Tại sao đã là người "cần quên" nhưng vẫn "phải nhớ"? Và sau tất cả, người cần quên phải nhớ là (những) ai? Câu trả lời sẽ được mỗi khán giả bất giác tìm được sau khi ánh đèn ở rạp chiếu sáng lên.

Thuộc thể loại hài - tình cảm kết hợp yếu tố trinh thám, Người cần quên phải nhớ xoay quanh hành trình đi tìm sự thật và công lý của Loan (Hoàng Yến Chibi) - một cô phóng viên trẻ năng nổ, đầy nhiệt huyết và lăn xả vì công việc. Câu chuyện mở ra khi ông Minh (NSƯT Đức Hải) - bố của Loan qua đời đột ngột tại viện tâm thần nơi ông đang điều trị. Suy sụp vì nghe tin dữ, song bản năng làm nghề cho Loan biết rằng cái chết của ông còn nhiều điều uẩn khúc, nó thôi thúc cô bắt tay điều tra để tìm ra chân tướng.

Trong quá trình thu thập tài liệu về các đối tượng tình nghi, Loan đụng độ Bình (Trần Ngọc Vàng), gã giang hồ "lôm côm" ôm một trở thành đại ca máu mặt và vô tình khiến anh ta bị mất trí nhớ. Lấy danh nghĩa bác sĩ tâm lý, Loan đã biến Bình trở thành đồng minh, ngoài mặt giúp anh tìm lại kí ức nhưng trên thực tế là lợi dụng sự giúp đỡ của Bình để làm sáng tỏ cái chết của ông Minh. Tuy nhiên, cô phóng viên có nằm mơ cũng không ngờ bản thân lại rơi vào lưới tình với gã giang hồ "nửa vời" này.

Về cơ bản, Người cần quên phải nhớ truyền tải hai chủ đề lớn: tình cảm gia đình, cụ thể ở đây là tình cha con và tình yêu. Mối quan hệ giữa Loan và bố cô tuy chỉ được khắc hoạ qua lời kể của nhân vật cùng những đoạn flash back ngắn, nhưng nó đủ để người xem hình dung các cung bậc cảm xúc, thậm chí là sự khủng hoảng mà cô gái trẻ từng trải qua. Vấn đề bất đồng quan điểm giữa cha mẹ và con cái xưa nay là chuyện muôn thuở, khi khoảng cách thế hệ không chỉ biểu thị ở số tuổi thì việc tìm thấy tiếng nói chung vẫn luôn là một bài toán khó đối với đôi bên. 

Song song với câu chuyện của hai bố con, bộ phim còn khắc hoạ một chuyện tình nhẹ nhàng giữa Bình và Loan. Trên nền những ca từ đầy cảm xúc của nhóm nhạc Chillies: Có em đời bỗng vui, Mascara,... tình yêu chớm nở giữa gã giang hồ và nàng phóng viên bỗng trở nên ngọt ngào hơn bao giờ hết. Đó không chỉ là sự đồng điệu về tâm hồn, mà đó là thứ tình cảm xuất phát từ sự thấu hiểu, cảm thông để những vết thương của quá khứ được chữa lành.

Nhìn chung, Người cần quên phải nhớ mang đến cho khán giả sự ấm ám bằng những gam màu tươi đẹp của cuộc sống, của tình yêu sau những bi kịch và biến cố các nhân vật trải qua. Dù được xen lẫn yếu tố trinh thám, song về cơ bản bộ phim của đạo diễn Đỗ Đức Thịnh vẫn là tựa phim rom - com nhẹ nhàng, mang đậm yếu tố giải trí bởi chất trinh thám suy cho cùng chỉ là "công cụ" tạo nên cú twist bất ngờ trong phim. 

Xét tổng thể, "đứa con" của nhà sản xuất Charlie Nguyễn và đạo diễn Đức Thịnh không phải một tác phẩm điện ảnh quá xuất sắc. Phải thừa nhận tính mạch lạc và sự liên kết là điều mà Người cần quên phải nhớ vẫn còn thiếu, dẫn đến sự rời rạc trong cốt truyện. Bên cạnh đó, đường dây tâm lý của các tuyến nhân vật được xây dựng tương đối mơ hồ, khiến cho quá trình nhận thức, bộc lộ nội tâm của từng nhân vật trở nên thiếu cơ sở, kém thuyết phục. Tuy nhiên, với dàn diễn viên có ngoại hình sáng, đầy tài năng cùng nội dung dễ xem, dễ cảm mà chứa đựng thông điệp lan toả yêu thương, Người cần quên phải nhớ vẫn là bản tình ca đa sắc màu của phòng vé mùa Giáng sinh.

Phim có suất chiếu sớm từ 21/12/2020 và chính thức công chiếu toàn quốc từ 24/12/2020.

Điểm số: 6/10

 

Bài cùng chuyên mục