Tháng 5 để dành: Thước phim thanh xuân riêng dành cho thế hệ 8x và 9x đời đầu
Sau Nhắm mắt thấy mùa hè, Tháng 5 để dành là phim độc lập thứ hai được nhào nặn bởi bàn tay của một ekip trẻ, giàu nhiệt huyết. Mang đậm màu sắc của làng quê miền Bắc, bộ phim thanh xuân vườn trường đã mang đến bầu không khí trong trẻo của lứa tuổi học trò giai đoạn trước, tạo nhiều cảm xúc cho thế hệ 8x và 9x đời đầu.
Dựa trên trải nghiệm của bản thân mình, blogger Rain8x đã chấp bút cho Ranh Giới - tập hồi ức từng một thời làm dậy sóng cộng đồng Blog 360 và trở thành "huyền thoại" của lớp thế hệ 8x và 9x đời đầu. Mang màu sắc lãng mạn, câu chuyện về mối tình đầu của một thời áo trắng trong cuốn tiểu thuyết đã trở thành nguồn cảm hứng để Tháng 5 để dành ra đời.
Xoay quanh câu chuyện tình ngọt ngào của Trung Hiếu (Xuân Hùng) và Mai Ngọc (Minh Trang), Tháng 5 để dành mang đến cho màn ảnh một câu chuyện đẹp song lại mang nhiều tiếc nuối. Với màu sắc hoài niệm cùng những cung đường đẹp như tranh của làng quê miền Bắc, mối tình "gà bông" của hai cô cậu học sinh lớp 11 được vẽ nên, làm sống dậy trong lòng người xem nhiều xúc cảm. Ai từng một lần đi qua cái thời bối rối khi hai mắt vô thức giao nhau bằng một cái chạm có lẽ sẽ hiểu, hiểu cảm giác tim mình loạn nhịp vì một người. Tình đầu là vậy, bao giờ cũng cho người ta thứ cảm xúc vô cùng mạnh mẽ, nhưng cũng để lại nhiều nuối tiếc, tiếc đến vấn vương một đời.
Lấy bối cảnh cách nay một thập kỉ, Tháng 5 để dành không chỉ mang một chuyện tình gà bông nhẹ nhàng, sâu lắng lên màn ảnh mà còn khắc hoạ bức tranh về những cô cậu học trò tuổi 17 cùng những vấn đề tâm sinh lý tuổi mới lớn. Trực quan, chân thật nhưng không kém phần ý nhị, kín kẽ, ekip đã phô bày tuổi dậy thì của các chàng trai, cô gái cùng sự tò mò khám phá bản thân một cách tinh tế mà vô cùng rõ ràng.
Khi xem phim, chắc hẳn chúng ta sẽ thấy mình đâu đó, thấp thoáng trong chuyện tình của Hiếu và Ngọc. Một chút e thẹn, một thoáng ngại ngùng, nhưng rồi sau những lần mở lòng và sẻ chia với người kia những nỗi buồn hay tâm tư thầm kín, tuổi trẻ của họ đã mở cửa chào đón nhau. Xét ở chừng mực nào đó, có thể đây không phải là bộ phim thương mại hút khách "nườm nượp" như cái cách các nhà làm phim thị trường Việt Nam đang mong mỏi. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng lớp thế hệ 8x, 9x đã được sống lại giai đoạn tươi đẹp nhất đời mình thông qua Tháng 5 để dành.
Tôi hiểu rằng những lứa sau của thế hệ 9x sẽ cho rằng câu từ lẫn cái cách tỏ bày yêu thương của đôi trẻ trong phim thật "sến" và "ướt át" quá mức cần thiết. Nhưng cái thời 8x của họ là như vậy đấy, là sự nhẹ nhàng, kín kẽ, là gửi tâm tình vào thơ, là "tình trong như đã, mặt ngoài còn e", thêm vào đó chút ngại ngùng. Chúng ta sẽ phì cười vì sự ngốc xít của Hiếu, sẽ cảm thấy "ngồ ngộ" với cái cách giao tiếp giữa hai người yêu nhau thời đấy, nhưng đó mới là tuổi trẻ của lớp thế hệ trước chúng ta.
Có lẽ phim sẽ phần nào kén người xem khi mang đậm màu sắc của miền quê Bắc bộ, các diễn viên đều sử dụng tiếng Bắc để thoại và văn hoá miền Bắc cũng được thể hiện rõ nét. Bên cạnh đó những khuyết điểm về kĩ thuật và raccord là điều vẫn còn tồn tại, song với một bộ phim độc lập - sản phẩm chứa đựng tâm tư của một ekip trẻ, Tháng 5 để dành xứng đáng có được sự trân trọng tuyệt đối vì đã nâng niu cảm xúc và lưu giữ những kí ức đẹp của cả một lứa thế hệ.
Yin Li
Bài cùng chuyên mục