Vụ án thảm sát tập thể có thực tại Ma Cao đằng sau bộ phim kinh dị “Bánh bao nhân thịt người” (Phần 2)
Vụ án "Bánh bao nhân thịt người" đã tạo nên cơn rúng động tại Ma Cao và nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng trong tựa phim kinh dị cùng tên.
>>> Xem thêm: Vụ án thảm sát tập thể có thực tại Ma Cao đằng sau bộ phim kinh dị “Bánh bao nhân thịt người” (Phần 1)
Trưa ngày 08.08.1985, một người dân đã phát hiện 8 mảnh tay chân nổi lên ở bãi biển Hac Sa, Coloane, Ma Cao và nhanh chóng báo cho cảnh sát. Sau khi điều tra, cảnh sát nhận thấy còn nhiều mảnh thi thể bị đắm chìm dưới biển và kết luận có ít nhất 4 người thiệt mạng.
Tuy nhiên ngay thời điểm đó, thông tin quá ít ỏi khiến cho cảnh sát kết luận nhầm. Cảnh sát Ma Cao cho rằng đó là thi thể của những kẻ buôn lậu, trong quá trình trốn thoát đã ngã xuống biển và bị cá mập tấn công. Những ngày sau đó, cảnh sát Ma Cao liên tiếp nhận được nhiều thông tin của người dân khi họ phát hiện nhiều mảnh thi thể ở từng nơi khác nhau. Cảnh sát trưởng khi đó cũng đã mời nhân viên pháp y Đại Lục nổi tiếng đến Ma Cao để hỗ trợ phá án nhưng không có tiến triển gì, việc điều tra rơi vào ngõ cụt.
Cứ tưởng mọi chuyện đã dừng lại ở đó thì tháng 04.1986, Cục Cảnh sát Tư pháp Ma Cao và Cảnh sát hình sự Quảng Châu đã nhận được thư của em trai Trịnh Lâm. Ít ai ngờ rằng bức thư trình báo người thân mất tích kia lại chính là mảnh ghép quan trọng để cảnh sát phá vụ án này.
Trong thư người này đã viết: “Anh trai Trịnh Lâm đến Ma Cao làm việc trong nhiều năm nhưng bất ngờ mất liên lạc vào tháng 8 năm ngoái.
Được biết, nhà hàng và tài sản của anh ấy ở Ma Cao được sở hữu bởi một người đàn ông họ Hoàng.
Gần đây, tôi có nghe tin tức rằng ở bãi biển Ma Cao phát hiện tứ chi người. Tôi sợ gia đình anh trai gặp chuyện, kính mong cảnh sát giúp đỡ”.
Trong thư, người tố cáo đã đề cập đến 10 người mất tích. Đó là Trịnh Lâm (50 tuổi), vợ Sầm Huệ Nghi (42 tuổi), 4 người con gái bao gồm Trịnh Bảo Quỳnh (18 tuổi), Trịnh Bảo Hồng (12 tuổi), Trịnh Bảo Văn (10 tuổi), Trịnh Bảo Hoa (9 tuổi), con trai Trịnh Quan Đức (7 tuổi), mẹ Trịnh Lâm - Trần Lệ Dung (70 tuổi), Dì Chín - Trần Lệ Trân (60 tuổi) và đầu bếp của nhà hàng tên Trịnh Bá Lương (61 tuổi).
Hướng điều tra mới ngay lập tức được mở ra.
Một nhân chứng giao hàng cho hay, chiều ngày 04.08.1985 vẫn đến nhà hàng giao gà như thường lệ, nhưng qua ngày hôm anh thấy nhà hàng treo biển báo nghỉ 3 ngày.
Các chủ mối cung cấp thực phẩm cho biết khi đến nhà hàng kiểm tra tình hình thì không thấy ông Trịnh mà chỉ thấy người đàn ông xa lạ. Người đàn ông nói rằng gia đình ông chủ đã đến Chu Hải, Quảng Đông, Trung Quốc.
Một nhân chứng khác là hàng xóm bà Trần lệ Trân cho hay, sáng ngày 05.08.1985, có một người đàn ông tầm 30 tuổi đến nhà tìm bà, hắn nói rằng cậu Đức bị sốt nên cần bà ấy hỗ trợ, hai người lên xe rời đi và từ đó không thấy bà quay lại.
Tất cả những lời khai của 2 nhân chứng khiến cảnh sát tin rằng gia đình chủ nhà hàng xấu số đã biến mất từ ngày 04 - 05.08.1985.
Cảnh sát bắt đầu khoanh vùng các nghi phạm, những người trong thời gian đó đã tiếp xúc với gia đình nạn nhân. Trong hơn 20 người hàng xóm quen biết với Trịnh Lâm được điều tra khi ấy, có Hoàng Chí Hằng. Tuy nhiên vì hắn lúc đó đã 50 tuổi, nên cảnh sát nghi ngờ có một người đàn ông 30 tuổi có liên quan đến vụ án mạng.
Đến chiều ngày 28.09.1986, Hoàng Chí Hằng đột nhiên vội vã rời khỏi nhà hàng Bát Tiên nhưng đã bị cảnh sát kịp thời bắt được. Tại đồn, hắn khai rằng Trịnh Lâm nợ tiền cờ bạc 600.000 nhân dân tệ (gần 2 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) nên đã giao lại nhà hàng cho hắn coi như thế chấp.
Hắn nói rằng gia đình ông Trịnh đã di cư ngay sau khi bàn giao nhưng cảnh sát không tìm được hồ sơ xuất cảnh. Cùng lúc đó, cảnh sát phát hiện trong két sắt của Hoàng Chí Hằng có giấy tờ tùy thân của ông Trịnh và giấy khai sinh của 5 đứa con ông.
Trong suốt quá trình thẩm vấn, Hoàng Chí Hằng vẫn cứng đầu không chịu nhận tội nhưng cảnh sát có đầy đủ chứng cứ để buộc tội hắn.Cuối cùng đến ngày 02.10.1986, Hoàng Chí Hằng chính thức bị truy tố với tội danh giết người hàng loạt và bị tạm giam tại nhà tù Ma Cao để chờ ngày xét xử. Hai ngày sau, hắn dùng phần kim loại của thùng rác để cắt động mạch trên cổ để tự sát nhưng không thành.
Sáng sớm ngày 04.12.1986, Hoàng Chí Hằng lại một lần nữa tự tử bằng cách dùng phần nắp của lon nước ngọt cắt vào vết thương cũ trên cổ tay. Sau khi nhân viên nhà tù phát hiện thì hắn đã tử vong. Sau khi hắn chết, cảnh sát đã tìm được bức thư tuyệt mệnh, một lọ thuốc hen suyễn và vài quyển tạp chí khiêu dâm.
Tuy nhiên có một điều bí ẩn vẫn chưa được giải đáp, đó chính là vì sao hung thủ vẫn kiên quyết không nhận tội? Thêm vào đó, vào thời điểm đó cảnh sát Ma Cao cũng cho biết, ngoài tứ chi của nạn nhân thì những bộ phận khác đều không tìm thấy được, vì vậy việc Hoàng Chí Hằng có thực hiện tội ác này hay không vẫn chỉ là tin đồn chưa được xác nhận. Bởi lẽ, hung thủ Hoàng Chí Hằng không trực tiếp thừa nhận tội ác này.
Bài cùng chuyên mục