Những người đi đường giữa nổi bật ở Liên Minh Huyền Thoại Châu Á hiện tại
Bài viết này sẽ điểm qua những người chơi đường giữa nổi bật tại khu vực Châu Á trong năm 2016
Ở bài trả lời phỏng vấn gần đây Luka “Perkz” Perković đã tự tin khi tuyên bố rằng, “Tôi không nghĩ người Châu Á đi đường giữa tốt hơn người Châu Âu!”. Mặc dù đây chỉ là lời nói có tính chủ quan của Perkz nhưng cũng đã bị chỉ trích khá nhiều khi không ít người hâm mộ cho rằng anh chàng này vừa vô địch đã “coi trời bằng vung”. Đương nhiên mọi sự so sánh vẫn chưa có căn cứ xác thực, vậy chúng ta hãy cùng điểm qua một số gương mặt nổi bật ở vị trí đường giữa tại khu vực Châu Á vào thời điểm hiện tại để xem xem liệu họ có “xứng đáng” để so sánh với khu vực Châu Âu hay không.
Huang “Maple” Yi Tang
Thần đồng đường giữa ở khu vực Đài Loan, người vừa giành chức vô địch LMS mùa xuân 2016 với đội tuyển của mình – Flash Wolves, là cái tên đầu tiên được nhắc đến trong bài viết này. Từng góp mặt trong đội hình của Gamania Bears năm 2013 đại diện cho các đội tuyển Đài Loan tham dự chung kết thế giới, Maple đã phần nào chứng tỏ được tiềm năng trở thành 1 người chơi lớn ở độ tuổi của mình.
Chàng trai này sau đó cũng đã gặt hái được khá nhiều thành công ở khu vực nội địa như vô địch HongKong Esport Championship Cup mùa đông 2015, vô địch IEM IX Đài Loan hoặc vô địch giải 3rd Hong Kong Esports cùng với Flash Wolves. Rồi sau đó bước vào chung kết thế giới 2015, họ đã không tiến được vào bán kết khi để thua 1-3 trước Origen. Người hâm mộ chắc cũng khá tiếc nuối khi FW đã vượt qua vòng bảng ở vị trí thứ nhất, xếp trên cả 2 đội tuyển Hàn Quốc kể từ 2 năm sau chức vô địch của TPA.
Ở mùa giải LMS mùa xuân năm nay, Maple đã được nhận danh hiệu người đi đường giữa xuất sắc số 1 khu vực. Chàng trai trẻ này đã sử dụng 12 vị tướng trên tổng số 34 trận đấu của mình. Là một người chơi đường giữa thích sử dụng sát thủ, Zed và Leblanc là 2 vị tướng được sử dụng nhiều nhất của Maple với KDA cực khủng (Zed – 13.40) hoặc Quinn với tỉ lệ thắng là 100% sau 3 trận sử dụng (KDA là 16.50). Maple đã cùng đồng đội lên ngôi vô địch LMS sau khi đã giành chiến thắng 3-0 trước đội tuyển đã bất bại tại vòng bảng – AHQ.
Heo “Pawn” Won-seok
Nổi lên trong màu áo của đội tuyển Samsung, Pawn đã bước lên đỉnh cao nhất của sự nghiệp với chức vô địch thế giới mùa 4 sau khi chuyển từ Samsung Galaxy Blue sang Samsung White thay cho Dade. Nhắc đến Pawn mọi người sẽ nhớ đến những pha một tay hạ gục người được mệnh danh là tuyển thủ đường giữa xuất sắc nhất mọi thời đại – Faker.
Điểm mạnh của Pawn chính là khả năng đi đường rất lì đòn, độ rộng trong bộ tướng sử dụng giúp anh ta có thể phù hợp với nhiều lối đánh khác nhau. Anh chàng trẻ tuổi này có thể chơi đặc biệt tốt những vị tướng có xu hướng đánh an toàn như Ezreal và Twisted Fate, ngoài ra những vị tướng sát thủ mới là điều khiến đối thủ của Pawn phải lo ngại. Khi có trong tay những con bài thuận tay như Fizz, Talon, Yasuo hay Zed (ở mùa giải này Pawn có tỉ lệ thắng là 100% với Zed sau 3 trận sử dụng), thì cảm giác như việc thua đường của Pawn là khó có thể xảy ra.
Sau thành công với đội tuyển Samsung, Pawn cùng với đồng đội đều đi tìm cho mình những thử thách mới tại Trung Quốc.Cùng với Deft, Pawn đã chuyển sang chơi trong màu áo của EDG. Thành công không chỉ dừng lại ở đấu trường trong nước mà đã vươn ra tầm quốc tế khi tại thời điểm này cách đây 1 năm, EDG đã đánh bại SKT trong trận chung kết giải đấu MSI.
Hiện tại, EDG sắp sửa tiến vào trận chung kết giải LPL mùa xuân 2016 với đối thủ Royal Never Give Up. Trước khi bước vào trận chung kết, Pawn đã sử dụng cho mình tổng cộng là 15 vị tướng trên tổng số 28 lượt chọn. Những vị tướng được sử dụng nhiều nhất là Twisted Fate (4 trận), Zed (3 trận), Lulu (3 trận) và Leblanc (3 trận) đều có tỉ lệ thắng hoàn hảo, chỉ để thua duy nhất 1 trận Leblanc. Ở trận đấu tứ kết LPL trước Snake Esports, EDG đã chiến thắng 3-0 và Pawn chỉ để chết đúng 2 lần trên cả 3 lượt trận.
Lee “Faker” Sang-Hyeok
Cái tên tốn nhiều giấy mực nhất trên tất cả các trang báo thể thao điện tử chắc chắn phải thuộc về Faker. Anh là người truyền cảm hứng cho hầu hết những tuyển thủ đi đường giữa, người mà ai cũng muốn được đem bản thân mình ra để so sánh cùng, Hai chức vô địch thế giới mùa 3 và 5 là không đủ để nói lên được độ vĩ đại của Faker đối với bộ môn Liên Minh Huyền Thoại. Ở vào thời điểm các tuyển Hàn Quốc đổ bộ sang Trung Quốc để tìm bến đỗ mới do điều luật thay đổi, thì kể cả 1 triệu đô-la Mỹ cũng không mang được “Thánh Nerf” về.
Có lẽ do lúc đó SKT đang rơi vào tình trạng khủng hoảng, bản thân mình lại là biểu tượng của Liên Minh Huyền Thoại Hàn Quốc nên Faker đã quyết định ở lại. Để rồi lên ngôi vô địch lần thứ 2 với SKT T1 một cách đầy thuyết phục ở chung kết thế giới mùa 5 và gần đây nhất là chức vô địch IEM Katowice.
Nói về lượng tướng thuận tay, chắc chắn chẳng ai có thể vượt qua được Faker. Với khả năng hiểu rất rõ từng vị tướng, có lẽ nếu bạn muốn Faker đánh vị tướng nào ở đường giữa, thì anh ta cũng có thể xử lý rất tốt với vị tướng đó. Phong cách đánh của Faker thực sự hổ báo và luôn tìm cách chơi trên cơ đối phương một cách tuyệt đối, kể cả khi cầm những vị tướng kiểu như Lulu hoặc Azir. Phong độ hiện tại của Faker có lẽ không còn được như thời đỉnh cao, hoặc cũng có thể do trình độ giữa các tuyển thủ đã được nới lại, nên việc đàn áp đường giữa cực nặng là khó có thể xảy ra.
Trong một số trận đấu, khi bị rừng của đối phương cắm trại, Faker vẫn giữ vững chỉ số lính, để rồi gây tối đa lượng sát thương có thể trong giao tranh. Trung bình lính của Faker là 8.9 con mỗi phút – xếp thứ 3 những người đi đường giữa ở LCK. Đó cũng là lý do vì sao KDA trong năm nay của Faker không phải là tốt nhất khi giết nhiều mà nằm xuống cũng không ít (4.2 – xếp thứ 4 những người đi đường giữa ở LCK).
Ở mùa giải này, Faker đã sử dụng 18 vị tướng khác nhau trên tổng số 47 lượt chọn. SKT trong năm nay thường để Faker chơi Lulu (10 trận) nhằm bảo kê cho xạ thủ Bang gánh đội. Nhưng số mạng hạ gục của Faker là 160 – xếp thứ 2 những người đi đường giữa ở LCK, chỉ đứng sau Kuro đúng 1 mạng. Lượng vàng kiếm được của Faker chiếm 24.6% trên tổng số vàng kiếm được của SKT – cao nhất tại LCK so với những người chơi ở cùng vị trí. Điều đó đã chứng mình được tầm ảnh hưởng của Faker đối với SKT.
Lee “KurO” Seo-haeng
Mặc dù Faker là huyền thoại, nhưng người đi đường giữa số 1 tại LCK trong mùa giải này dựa vào những thông số, phải kể đến KurO cùng với phong độ tuyệt vời của ROX Tigers. Trờ về sau chung kết thế giới 2015 với tư cách là Á quân, ROX Tigers tiếp tục phong độ đỉnh cao khi đã thống trị bảng xếp hạng LCK giải mùa xuân 2016. Trước khi gia nhập “những chú hổ”, con đường sự nghiệp của KurO cũng không có gì đáng kể khi ở Incredible Miracle và Najin Black Sword, KurO cũng không thể vượt quá nổi tứ kết OGN.
Trong năm nay, trên tổng số 41 lượt chọn, KurO đã chơi tổng cộng là 14 vị tướng với 34 trận thắng và 7 thua (82.9%). Đáng chú ý, có 5 lần KurO cầm Twisted Fate, Lissandra và Viktor, thì cả 15 trận này ROX đã không thua. Ngoài ra Quinn, Jarvan 4, Karma và Kasssadin cũng nằm trong danh sách những vị tướng bất bại của tuyển thủ này.
Chỉ số KDA của anh ta là cao hơn khá nhiều so với người đứng vị trí thứ 2 tại LCK, cũng ở cùng đội tuyển là PraY khi chỉ số của KurO là 7.2 còn PraY là 6.5. Còn vượt trội hoàn toàn đối với người đi đường giữa có chỉ số KDA cao thứ 2 là Fly (4.7 – gần gấp đôi). Điểm yếu của KurO có lẽ ở khả năng farm lính, khi chỉ đạt được 8.3 lính trung bình mỗi phút (xếp thứ 9 trong những người đi đường giữa). Mặc dù giết nhiều hơn Faker chỉ 1 mạng nhưng số phút được chơi của KurO lại it hơn khá nhiều (khoảng 400 phút). Ở trận chung kết LCK diễn ra vào cuối tuần này cũng có thể sẽ phân định rõ ràng hơn ai là người đi đường giữa số 1 tại giải đấu danh giá nhất Hàn Quốc.
Tổng kết
Ở khu vực Châu Á có rất nhiều tuyển thủ xuất sắc, đặc biệt là khu vực Hàn Quốc. Mặc dù vậy, bài viết này chỉ tập trung vào những người chơi đường giữa có khả năng hoặc đã có 1 suất tham dự giải đấu MSI 2016. Khi đó, chúng ta mới có thể kiểm chứng xem, liệu khu vực Châu Á, hay Châu Âu mới sở hữu người chơi đường giữa chất lượng hơn ở vào thời điểm hiện tại trong năm nay.
Bài cùng chuyên mục