Kho ứng dụng trực tuyến Google Play dành cho các thiết bị Android có hàng triệu triệu ứng dụng, và dĩ nhiên, cũng rất nhiều "rác". Chia sẻ với bạn kinh nghiệm khi dạo chợ cần chú ý các nhóm ứng dụng không nên cài đặt trên máy, vì thực tế, tất cả đều không phải như... quảng cáo.
1. Các ứng dụng lưu trữ chống phân mảnh
Chiếc điện thoại của bạn cài quá nhiều phần mềm nên có thể khiến máy chạy chậm và bạn cho rằng việc cần sử dụng một ứng dụng chống phân mảnh (storage defragmenting) sẽ giúp máy chạy nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn cần biết biện pháp này không cần thiết vì ổ cứng mà smartphone dùng là dạng NAND flash, có cấu trúc như một ổ đĩa SSD và được tích hợp sẵn các thuật toán để tự sắp xếp dữ liệu một cách tốt nhất. Chính vì thế, việc cài thêm các ứng dụng để làm điều này là một điều không cần thiết và nó càng làm điện thoại bạn chậm hơn.
2. Ứng dụng Lắc để sạc pin
Đây là một ứng dụng vô cùng ngớ ngẩn, bạn nên biết chiếc điện thoại của bạn không phải là một máy phát điện, ít nhất là cho đến bây giờ vẫn chưa có nhà sản xuất phần cứng nào đủ khả năng tạo ra chiếc điện thoại thần kỳ này. Vì vậy, bạn đừng bao giờ tin vào lời quảng cáo và có những hành động kì lạ khi điện thoại hết pin, chúng chỉ làm mất thời gian mà thôi.
3. Các ứng dụng chụp X-quang (X-Ray scanners)
Cho dù bạn đang dùng Samsung Galaxy S6/ 6Edge hay ngay cả chiếc LG G4 mới nhất thì camera trên điện thoại không thể trở thành một máy quét X-quang mà chỉ là một chiếc camera chụp ảnh bình thường. Các ứng dụng quét X-quang hiện nay chỉ là dùng hình ảnh đánh lừa bạn. Vì thế, bạn đừng tốn bộ nhớ với các ứng dụng dùng camera để quét cơ thể. Hãy chờ, khi công nghệ ngày càng phát triển thì việc camera có khả năng quét X-quang cũng có thể trở thành sự thật.
4. Ứng dụng phiên dịch tiếng động vật (Animal translator apps)
Bạn vẫn thấy có khá nhiều các ứng dụng được giới thiệu là thông dịch viên, có thể giúp bạn giải mã được ngôn ngữ của động vật. Nếu bạn lỡ tải các ứng dụng này về chắc chắn bạn sẽ mất thời gian để gỡ cài đặt ra khỏi máy. Hãy chờ đến lúc Qualcomm hoặc Google phát triển công nghệ nhận dạng giọng nói động vật và tích hợp chúng vào smartphone, lúc đó bạn có thể sử dụng công nghệ độc đáo này.
5. Các ứng dụng Hack Wi-Fi
Hiện nay, không khó để tìm thấy các điểm phát sóng Wi-Fi cho phép truy cập Internet như: quán cà phê, cửa hàng... hay nhà hàng xóm, nhưng không phải lúc nào bạn cũng được "cho" mật khẩu để có thể kết nối. Và đó là lý do bạn tải các ứng dụng hack Wi-Fi, nhưng kết quả thì không bao giờ như bạn mong muốn. Thực tế, trên máy tính nếu muốn hack được mật khẩu Wi-Fi còn là một vấn đề lớn và rất khó thực hiện, bạn đừng hy vọng điều đó trên điện thoại.
Ngoài ra, nhiều kẻ xấu tạo ra các ứng dụng này kèm theo tính năng gửi tin nhắn tự động đến các tổng đài dịch vụ nhằm “móc túi” hoặc thực hiện gửi tin nhắn tự động ra nước ngoài. Hãy cẩn thận nhé!
XEM THÊM: 5 nhóm ứng dụng 'vô dụng' không nên cài vào smartphone Android
Bạn đã từng cài ứng dụng nào trong các nhóm trên chưa? Cảm nhận của bạn về chúng như thế nào, có thực sự cần thiết không? Hãy chia sẻ vào phần bình luận bên dưới!