Google mô tả "Fuchsia" theo cách khá đơn giản trên trang GitHub của dự án: "Hồng + Tím = Fuchsia (1 hệ điều hành mới)".
Tất cả các hệ điều hành mà Google phát triển từ trước tới nay đều có 1 điểm chung: Chúng dựa trên kernel Linux. Từ Chrome OS, Android, Chromecasts hay bất kỳ hệ điều hành nào do Google sở hữu mà bạn có thể nói tới, đều có sự hiện diện của Linux.
Tuy nhiên, kernel này không phải là sự lựa chọn lý tưởng cho mọi tình huống, đặc biệt là với các thiết bị nhúng như dashboard xe hơi hay thiết bị GPS. Với các thiết bị này, kernel Linux có thể làm ảnh hưởng hiệu năng và gây ra các vấn đề khác. Hiện nay có một hệ sinh thái lớn các hệ điều hành được thiết kế cho các thiết bị nhúng, và Google có vẻ như cũng đang muốn tham gia vào lĩnh vực đó.
Theo những tài liệu rò rỉ gần đây, hãng tìm kiếm đang phát triển một hệ điều hành có tên “Fuchsia.” Google mô tả nó khá đơn giản trên trang GitHub của dự án: "Hồng + Tím = Fuchsia (1 hệ điều hành mới)". Cái tên cũng như mô tả không cho biết gì nhiều, nhưng khi tìm hiểu bên trong các tài liệu về Fuchsia, mọi thứ dần sáng tỏ hơn.
Đầu tiên, chúng ta có kernel Magenta được xây dựng trên dự án "LittleKernel". Giống như với Linux và Android, kernel Magenta là "trái tim" của hệ điều hành Fuchsia. Margenta được thiết kế để cạnh tranh với các hệ điều hành nhúng như FreeRTOS hay ThreadX. Tuy nhiên, điểm khác là Magenta còn có tính tương thích rộng hơn, có thể chạy được trên thiết bị nhúng, smartphone và máy tính. Có được vậy là nhờ LittleKernel của Magenta được cải tiến với việc hỗ trợ chế độ người dùng (yếu tố cần thiết để tạo tài khoản người dùng), và hỗ trợ bảo mật.
Đó mới chỉ là phần kernel; Fuchsia còn có các thành phần khác cần cho 1 hệ điều hành. Giống như Google dùng dự án Flutter cho giao diện người dùng, hay Dart là ngôn ngữ lập trình chính, Fuchsia dùng bộ kết xuất đồ hoạ (renderer) Escher hỗ trợ khuyếch tán ánh sáng và các hiệu ứng khác.
Fuchsia hỗ trợ cả CPU ARM 32-bit lẫn 64-bit, cũng như các CPU máy tính 64-bit. Nếu có khả năng về kỹ thuật, bạn thậm chí có thể tự mình biên dịch và chạy Fuchsia trên PC thực sự hoặc trên máy ảo. Travis Geiselbrecht, một đại diện của Google cũng xác nhận hệ điều hành này chạy được trên Raspberry Pi 3, một loại bảng mạch PC có giá bán siêu rẻ trên thị trường.
Vì sao Google lại âm thầm phát triển một hệ điều hành và kernel hoàn toàn mới, hỗ trợ cả smartphone và PC? Có lẽ khả năng lớn nhất là hãng hy vọng một ngày nào đó sẽ thay thế Chrome OS và Android bằng Fuchsia. Cũng có thể Google sẽ xem Fuchsia giống như cách Samsung phát triển Tizen - một hệ điều hành nhẹ chạy trên các phần cứng không phù hợp để sử dụng Android. Google cũng đang có các thiết bị nhúng như router OnHub và loa Google Home, bởi vậy, khả năng Fuchsia được phát triển cho các thiết bị này hoàn toàn có thể xảy ra.
Phát triển một kernel và hệ điều hành hoàn toàn mới sẽ rất tốn nguồn lực và hiện chưa rõ liệu Fuchsia có phải chỉ là một dự án thử nghiệm và khó có ngày trở thành sản phẩm thương mại hay không. Thắc mắc này chúng ta sẽ phải chờ đợi và hy vọng mọi thứ sẽ dần sáng tỏ trong tương lai.
LAG page (Theo Công nghệ)