Máy chủ Netflix cũ từ năm 2013 có dung lượng lưu trữ 262TB.
Với hơn 223 triệu người đăng ký, không có gì ngạc nhiên khi Netflix chịu trách nhiệm về một lượng lớn lưu lượng truy cập Internet hàng ngày. Để giúp dịch vụ hoạt động một cách trơn tru, Netflix sử dụng một mạng lưới truyền tải nội dung (CDN) có tên là Open Connect bao gồm một loạt các máy chủ được nhúng trong hệ thống của các nhà mạng ISP tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Mỗi máy chủ sẽ chứa các bản sao nội dung video của Netflix của khu vực đó, giúp tăng tốc việc truyền tải nội dung đến người dùng khi mà khoảng cách giữa người dùng tới máy chủ nội dung bị thu hẹp. Có rất nhiều tài liệu về hệ thống CDN được cung cấp trên website, nhưng Netflix chưa bao giờ tiết lộ thông số chi tiết về server chung cho mạng lưới Open Connect.
Tuy nhiên những bí mật đó đã được "bật mí" một phần nào đó từ người dùng Reddit, PoisonWaffle3. PoisonWaffle3 lý do có được máy chủ trên là vì người này làm cho một nhà mạng có nhúng máy chủ của Netflix bên trong và đang trong quá trình tháo gỡ các thiết bị không còn hoạt động. Sau khi là người sở hữu mới của máy chủ, anh bắt tay vào tìm hiểu phần mềm và cho biết hệ thống chạy hệ điều hành FreeBSD và mọi dịch vụ bên trong đã được Netflix đã xóa sạch.
"Chúng tôi đang thay thế/loại bỏ các máy chủ đệm của Netflix từ năm 2013 đến giờ và tôi được cho 1 cái. Tất nhiên, tôi không thể chối từ."
Với thiết kế cho phép người dùng tháo lắp một cách dễ dàng, PoisonWaffle3 chỉ cần tháo 3 con ốc là có thể thấy toàn bộ hệ thống bên trong. Để điều khiển máy chủ này là một bản mạch chủ "tiêu chuẩn phổ thông" của SuperMicro và một bộ xử lý Intel Xeon (E5 2650L v2) 64GB RAM DDR3. Bộ lưu trữ của máy chủ này bao gồm 36 ổ đĩa HDD 7,2TB của Western Digital (loại 7.200 RPM) và sáu ổ SSD 500GB của Micron. Cấp điện cho máy chủ này là hai bộ nguồn 750W và một thẻ mạng Ethernet NIC 10-gigabit. Tổng cộng máy chủ này có thể chứa đến 262TB dữ liệu.
PoisonWaffle3 cho biết hệ thống này hơi ồn ào nhưng để khắc phục điều đó anh phải thay thế một số quạt và các ổ cứng bị hỏng, Sau đó, anh thay thế FreeBSD sang sử dụng hệ điều hành TrueNAS – một hệ điều hành mã nguồn mở - để biến máy chủ này thành một ổ NAS (network attached storage) dùng cho gia đình.