Top những tính năng đi trước thời đại của các hệ máy Console cũ

Lê Khoa

Một số hệ máy console cũ thực sự đã làm những điều đi trước thời đại, với các ví dụ sau đây được xem là điển hình nhất

 Một số hệ máy console cũ thực sự đã làm những điều đi trước thời đại, với các ví dụ sau đây được xem là điển hình nhất

Những chiếc máy console hiện nay luôn mang đến cảm giác giống như thế giới tương lai, khi chúng không chỉ trải nghiệm được những tựa game chất lượng cao, mà còn đóng vai trò là những trung tâm đa phương tiện, khiến những thứ như đầu đọc Blu-ray hay máy nghe nhạc gần như không còn đất sống. Dĩ nhiên để làm được điều này, chúng đã trải qua một quá trình phát triển rất dài, với các hệ máy console cũ hơn góp phần tạo nên những nền tảng đầu tiên giúp cho việc giải trí vươn đến đỉnh cao. Hãy cùng LagVN tìm hiểu xem những chiếc máy console "Đời Tống" kia đã làm được những điều "đi trước thời đại" đáng nể như thế nào.

Dreamcast có thể truy cập Internet

Việc chơi game trực tuyến trên máy console thực sự chỉ là một giấc mơ trước khi Dreamcast ra đời. Hệ máy đã bị khai tử này đã làm được một điều vượt qua khả năng dự kiến ban đầu của nó: Cho phép người dùng truy cập các trang web hợp pháp trước khi những đối thủ khác mở đường cho việc chơi game trực tuyến cùng bạn bè. Với Dreamcast Web Broser, người dùng có thể truy cập hệ thống mạng Internet giống như trên một chiếc máy bàn. Dĩ nhiên Internet khi đó rất khác biệt, khi thiếu vắng việc streaming video và những nền tảng mạng xã hội phổ biến, nhưng đó thực sự là một thành tích ấn tượng đối với một chiếc máy console ra đời từ hơn hai mươi năm trước.

PlayStation 2 có Netflix (Ở Brazil)

Khi PlayStation 3 và Xbox 360 ra đời, các nhà phát triển công nghệ giải trí đã nỗ lực mở rộng khả năng của một chiếc máy console, để nó có thể làm được nhiều thứ hơn thay vì chỉ dùng để chơi game, chẳng hạn như phát sóng video trực tiếp. Netflix đã góp mặt trên cả hai hệ thống này, trở thành một cú thúc đẩy cách mạng streaming video, và mãi mãi thay đổi cách mà mọi người theo dõi các bộ phim và chương trình truyền hình. Tuy vậy, chúng không phải những nền tảng chơi game cũ nhất làm được điều này. Vào năm 2007, PlayStation 2 đã có khả năng phát sóng Netflix ở Brazil thông qua một chiếc đĩa. Điều này có phần khá hợp lý dựa vào việc giá máy console tại quốc gia này vô cùng đắt đỏ, và phần lớn các gia đình sẽ nghĩ đến chuyện sở hữu một hệ máy console đời sau chậm hơn, do đó rất đáng để cho họ khả năng xem video trên hệ máy cũ hơn.

Dreamcast có tựa game nhập vai trực tuyến đầu tiên trên Console

Hệ máy console một thời của Sega dù bị xem là thất bại, nhưng bất kì ai từng sở hữu nó đều cảm thấy thỏa mãn bất kể việc nó có một vòng đời quá ngắn ngủi. Không chỉ nó có khả năng lướt web, mà nó còn là hệ máy console đầu tiên ra mắt một tựa game nhập vai trực tuyến. Phantasy Star Online đã mở đường cho một thể loại game vốn độc quyền trên PC đặt chân lên Dreamcast, dù rằng phải mất vài năm nữa mới có một tựa game nhập vai trực tuyến thế giới mở phát hành trên console, đó chính là Final Fantasy XI trên PS2 vào tháng 11 năm 2002.

Máy SNES cho phép chơi game bằng sóng vô tuyến

Satellaview là một thiết bị ngoại vi cho hệ máy SNES, cho phép chiếc máy này bắt được những tần sóng radio đang phát. Với công nghệ này, người dùng có thể chơi các tựa game được phát sóng ở một thời điểm cụ thể trong tuần. Những tựa game độc quyền phổ biến nhất khi đó là hai trò chơi Legend of Zelda, với tựa game đầu tiên là một bản làm lại của A Link to the Past, chỉ khác nhân vật có thể điều khiển. Điểm trừ lớn nhất chính là hạn chế về mặt thời gian. Không giống như các nền tảng streaming hiện đại, mọi thứ khi đó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn trong ngày, và sẽ biến mất vĩnh viễn sau khi chương trình phát sóng kết thúc.

CD-i của Phillips sử dụng đĩa CD vào năm 1990

Ở thập niên 80 - nửa đầu thập niên 90, băng là thứ duy nhất phổ biến trên các máy chơi game. PlayStation là hệ máy console đầu tiên thực sự chứng minh giá trị của đĩa CD trong việc chơi game. Tuy vậy, 5 năm trước khi Sony ra mắt chiếc máy của mình, Philips đã mang đến thiết bị CD-i, cho phép dùng đĩa để chơi game. Lý do duy nhất khiến phần lớn chúng ta không hề biết đến nó vì đó là một thất bại nặng nề. Không một trò chơi nào đủ tốt, và thông qua một hợp đồng bản quyền kì lạ, công ty đã làm ra những trò chơi có sự góp mặt của Link với Mario, nhưng hầu hết đều là những thảm họa.

Atari 7800 đã có tương thích ngược

Có rất ít game thủ nhớ đến chiếc máy Atari 5200, do đó hầu như không mấy ai nhớ về Atari 7800. Ra mắt vào năm 1986, nó rẻ hơn máy NES khoảng 30 đô-la, và trở thành một sự lựa chọn thay thế phù hợp với túi tiền game thủ. Đặc biệt nó còn có lợi thế là chơi được các trò chơi của hệ máy Atari 2600, biến nó thành một trong những chiếc máy console đầu tiên sở hữu tính năng tương thích ngược. Mặc dù gần như không vượt qua được thành công của máy NES, hãng phát triển nên Atari 7800 cũng không xem đó là một thất bại.

Sega Channel cho phép streaming game

Satellaview vốn dĩ rất tiện lợi, nhưng các game thủ phương Tây hoàn toàn bỏ lỡ nó. May mắn là Sega đã quyết định bù đắp bằng Sega Channel, một dịch vụ thu phí cung cấp danh mục khoảng 50 game một tháng với mức phí 15 đô-la. Vì mạng Internet khi đó vẫn còn là một thứ xa xỉ, Sega tận dụng truyền hình cáp quang để mang các trò chơi vào phòng khách. Mỗi tháng một thư viện game mới sẽ được lập ra. Dĩ nhiên nó cũng đi kèm một số điểm trừ, như việc tự xóa game khi máy tắt vì nó được lưu vào RAM, và hệ thống này không có ổ cứng gắn kèm, nhưng dịch vụ này thực sự chạy khá tốt khi đó.

Virtual Boy từng cho chơi game 3D (Và rất tệ)

Rất nhiều người xem máy Gameboy Color là truyền nhân của Game Boy, nhưng thực chất Nintendo còn ra mắt một chiếc máy console cầm tay khác "ở giữa", đó là Virtual Boy. Đúng như tên gọi, chiếc máy này cho phép game thủ trải nghiệm game thực tế ảo thông qua thiết kế kì lạ của nó, và người chơi phải dí mắt mình vào thiết bị được cố định trên mặt bàn. Không một ai thấy được họ đang chơi cái gì, và các quảng cáo về hiệu ứng 3D không thực sự như ý, thậm chí còn khiến nhiều game thủ cảm thấy nhức đầu. Trên hết, thư viện game dành cho chiếc máy này quá nhỏ.

Máy NES có cần gạt Analog

Miếng gamepad gắn trên máy NES được xem là một cuộc cách mạng nhờ vào thiết kế đơn giản nhưng toàn diện. Tuy vậy, một tay cầm cao cấp khác thậm chí còn tiến xa hơn khi bổ sung vào một cần gạt Analog, đó chính là NES Max. Mặc dù nó không hoạt động hiệu quả như mong đợi, nhưng việc đi trước thời đại thường đồng nghĩa với việc đương đầu khó khăn. Nintendo đã học hỏi từ những khó khăn đó để cho ra đời tay cầm Nintendo 64, hoàn thiện thiết kế và cảm giác của cần Analog.

Game Gear và Sega Nomad - Máy chơi game console chất lượng cao cầm tay

Game Gear của Sega là một thiết bị cầm tay chất lượng với thư viện game của riêng nó. Thậm chí với một chút cài đặt thêm, người chơi có thể trải nghiệm các tựa game Sega Master System ở bất kì đâu. Vào năm 1995, công ty đã cho ra đời Sega Nomad, cho phép chơi các tựa game Genesis mà không cần đến Adapter hay thiết bị ngoại vi nào khác. Mọi người tôn vinh Nintendo Switch vì khả năng mang đến những trải nghiệm game cầm tay có chất lượng đồ họa ngang ngửa game console khác, nhưng nó không phải là kẻ tiên phong. Nó chỉ dễ tiếp cận và thuận tiện hơn Game Gear hay Sega Nomad thôi.

Bài cùng chuyên mục