Những phần game tiếp theo chẳng ai muốn nhưng vẫn ra mắt
Trong khi có rất nhiều thương hiệu game mà người hâm mộ phải chờ đợi phần tiếp theo trong mỏi mòn, thì có những thương hiệu game ra mắt phần tiếp theo tệ hại đến kì quái, khiến cho nhiều game thủ khi trải nghiệm phải than trời và ước gì chúng chưa từng được sinh ra. Hãy cùng điểm danh mục những phần game tiếp theo đã được ra mắt nhưng không hề hấp dẫn với người hâm mộ.
Fallout 76
Fallout 76 được công bố và ra mắt không lâu sau đó, khiến cho người hâm mộ không thật sự có được cơ hội để hào hứng về phần tiền truyện tập trung vào thế giới mở cùng lối chơi multiplayer này. Sau khi ra mắt, Fallout 76 đã liên tiếp hứng chịu sự chỉ trích: Hàng tá lỗi xuất hiện, và không xác định được nó sẽ trở thành loại game gì. Có thể sau một vài bản vá và cập nhật, Fallout 76 sẽ tìm ra được hướng đi của riêng mình, nhưng chất lượng tệ hại khi còn đang là Beta cùng với thái độ trốn tránh trách nhiệm của Bethesda khiến cho người hâm mộ luôn xem Fallout 76 là một sản phẩm lẽ ra không nên xuất hiện.
Final Fantasy XIII-2 và Lighting Returns: Final Fantasy XIII
Final Fantasy XIII có thể đã gây chia rẽ mạnh mẽ do tính chất tuyến tính của game, và các nhân vật được cho là “xấu”, nhưng vào thời điểm đó game đã nhận được những đánh giá thuận lợi, và có một kết thúc gọn ghẽ. Nhưng vì một số lý do, Square Enix dường như muốn chứng minh rằng XIII có nhiều tham vọng hơn những gì nó đang có, vậy nên họ đã phát triển thêm hai phần tiếp theo, qua đó đã giúp kết thúc câu chuyện một cách khó hiểu và phức tạp, tạo ra một bộ ba không cần thiết.
Dead Space 3
Hai tựa game Dead Space đầu tiên cực kì hấp dẫn và đáng sợ. Đơn độc và bị tách biệt khỏi những người khác, liên tục bận rộn bởi những sinh vật ngoài hành tinh kinh tởm, và đó là điều tạo nên thương hiệu Dead Space. Sang đến phần game thứ ba, Visceral Games đã quyết định bổ sung thêm lối chơi multiplayer co-op vào phần chơi chiến dịch, bỏ đi nỗi sợ hãi và ném vào đó nhiều súng ống, nhiều pha hành động hơn. Đó không phải cách tốt nhất để khép lại seri, nhưng ít nhất chúng ta cũng có phần 3.
Duke Nukem Forever
Ngay cả khi đánh bại cả Kingdom Hearts 3 và Final Fantasy XV về thời gian phát triển, Duke Nukem Forever là một trong những ví dụ lớn nhất về “bong bóng xì hơi” – những sản phẩm được công bố nhưng không có thời gian dự kiến hoàn thành hay ra mắt – và là một trong những tựa game tệ nhất trong năm 2011, vốn là một năm tuyệt vời trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Và cả sau khi ra mắt, Duke Nukem Forever vẫn không có chỗ đứng thời điểm đó, với yếu tố hài hước và lối chơi của nó mang nhiều hình bóng của giai đoạn đầu năm 2000 hơn.
New Super Mario Bros. U
Đã có một thời điểm khi mà chữ “mới” không thật sự mang ý nghĩa mới nữa. Khởi đầu trên DS, seri game New Super Mario Bros. là một nỗ lực thú vị để mang trở lại những tựa game đi cảnh 2D truyền thống mà chúng ta từng biết và yêu mến, nhưng sau khi có đến 3 tựa game “New” Super Mario trước đó, việc ra mắt New Super Mario Bros. U đã không còn được khao khát nhất nữa.
Metal Gear Survive
Trở thành tựa game Metal Gear đầu tiên được phát triển mà không có Hideo Kojima, Konami đã chấp nhận rất nhiều rủi ro, còn người hâm mộ thì đoán rằng họ sẽ khiến mọi thứ trở nên lộn xộn, và quả đúng như vậy. Metal Gear Survival là một tựa game hốt tiền nhanh tập trung vào multiplayer mà không giúp ích gì cho thương hiệu lâu đời Metal Gear; nếu có, chỉ là nó khiến cho người hâm mộ thất vọng với Konami, và cảm thấy đáng tiếc cho Kojima khi phải chứng kiến thương hiệu nổi tiếng nhất của mình mang tiếng xấu sau khi ông rời đi.
God of War: Ascension
Đã từng có một quãng thời gian khi các nhà phát hành muốn đảm bảo rằng sẽ có mảng multiplayer cho bất kỳ tựa game nào được phát hành, kể cả một seri hành động tập trung vào chơi đơn như God of War. Ascension đã không thúc đẩy seri tiến lên phía trước như Santa Monica mong chờ, với những lời chỉ trích nhắm vào lối chiến đấu đơn giản và độ khó quá thấp.
Dirge of Cerberus: Final Fantasy VII
Vào khoảng đầu những năm 2000, Square Enix muốn tận dụng tối đa độ phổ biến và thành công của Final Fantasy VII có được trên PlayStation. Điều này dẫn đến vô số các bản spin-off đặt trong cùng một vũ trụ, cùng với hàng loạt các bộ phim hoạt hình. Dirge of Cerberus là tựa game tập trung vào Vincent Valentine và là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba cho PS2 thay vì game nhập vai, dẫn đến việc nó không thể trở thành tựa game nói về Vincent Valentine mà nhiều người hâm mộ mong chờ.
Mass Effect: Andromeda
Phần game thứ tư trong seri Mass Effect, Andromeda đã bị chỉ trích nặng nề với chuyển động nhân vật kém cỏi cùng vô số lỗi kĩ thuật, dẫn đến hàng tá meme xuất hiện trên mạng Internet. Người hâm mộ chỉ muốn có một tựa game Mass Effect 4 xứng tầm, và phần tiếp theo này đã khiến nhiều người cực kì hụt hẫng, thất vọng.
KL Jackarl
Nguồn: Tổng hợp
Bài cùng chuyên mục