Mỗi con người chúng ta khi làm một hành động xấu xa đều sẽ có những mặc cảm tội lỗi, nhưng có một nơi luôn cố gắng che giấu chúng bằng thứ thuốc phiện mang lại "Niềm vui", đó là Wellington Wells
Sẽ thế nào nếu nước Mỹ không bao giờ tham gia vào lực lượng phe Đồng Minh trong Thế chiến thứ 2, để mặc cho phát xít Đức tấn công và chiếm lấy toàn bộ nước Anh? Đó là điều mà hãng Compulsion Games muốn game thủ khám phá trong tựa game We Happy Few ra mắt vào tháng 8 năm 2018. Thế nhưng đây sẽ không phải là một phiên bản giả tưởng của việc Đức Quốc Xã bành trướng thế lực như trong seri Wolfenstein. Sẽ không có một B.J. Blazkowicz nào làm người hùng giải cứu thế giới cả. Thay vào đó là câu chuyện về ba con người khác nhau, tìm cách sống sót và thoát khỏi một thị trấn tên Wellington Wells, nơi mà người ta sẵn sàng làm những điều rất xấu và không cần có mặc cảm tội lỗi, vì đã có một thứ thuốc phiện giúp chúng ta quên đi chuyện đó.
Mọi thứ bắt đầu sau sự kiện một tay thợ xây dựng thất nghiệp ám sát tổng thống Franklin D. Roosevelt vào năm 1933, qua đó giúp cho thượng nghị sĩ Huey Long trở thành tổng thống. Dưới thời của Long, nước Mỹ không bao giờ gia nhập quân Đồng Minh, để mặc nước Anh tự mình đối phó với quân đội của Đức. Cuộc chiến ở Anh nhanh chóng thất bại, Đức chiếm lấy toàn bộ vương quốc này. Phần lớn những người lính trong các lực lượng tình nguyện của Anh (Home Guard) đều đã trở thành đồng lõa trong việc giúp đỡ cho quân Đức, chỉ có một vài người cố gắng kháng cự. Trong thời gian bị chiếm đóng, cư dân của một thị trấn đảo nhỏ tên Wellington Wells đã làm điều mà ban đầu bị xem là "Một Điều Rất Xấu", khiến cho quân Đức tự nguyện rời khỏi hòn đảo, để người dân Anh được sống tự do tại đây.
Tuy vậy, hệ quả của "Điều Rất Xấu" đó đã khiến người dân cảm thấy tội lỗi vì những hành vi của mình, và họ điều chế ra một loại thuốc phiện gây ảo giác mang tên "Joy", giúp đè nén mọi kí ức không vui, và để người sử dụng rơi vào trạng thái phấn khích do hóa chất, đồng thời "giúp" họ cảm nhận môi trường xung quanh một cách "sáng sủa" hơn. Nhưng loại thuốc này cũng mang đến rất nhiều tác dụng phụ, bao gồm nghiện ngập, mất trí nhớ ngắn hạn, "ăn không ngon ngủ không yên", và trở nên dễ dàng bị thao túng. Đến thập niên 1960, sự cô lập của Wellington Wells đã dẫn đến những tiến bộ vượt bậc, từ những món vũ khí mang phong cách Tesla, lõi năng lượng di động, và hệ thống an ninh tự động. Cư dân của nó - được gọi là "Wellies" - đều mang những chiếc mặt nạ "Happy Face" màu trắng, được tạo ra để ép phần xương gò má của người mang thành một nụ cười, do đó những người đeo nó luôn mỉm cười.
Joy được phân phối tự do dưới dạng thuốc viên, đồng thời cũng bỏ vào nguồn nước của thành phố. Để khuyến khích việc sử dụng thuốc, truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ và tập trung vào "Uncle" Jack Worthing, một MC thân thiện có tiếng nói và hình ảnh được phát sóng rộng rãi, tuyên truyền những chính sách của chính phủ qua các kênh truyền hình và radio trong thành phố. Nhưng một vài người dân Wells đã phát triển khả năng miễn dịch với Joy - một phần do sử dụng những mẻ thuốc xấu - và dần trở nên chán nản hoặc phát điên khi nhớ lại "Điều Rất Xấu"; những người này bị đẩy khỏi Wellington Wells, trở thành các "Wastrel". Còn có những người từ chối dùng Joy, và bị gọi là những "Downer", bị xem là mối đe dọa; Nếu bị bắt, các Downer sẽ bị ép dùng Joy, bị đưa đến gặp Joy Doctor để tiêm Joy dạng lỏng có khả năng gây chết người, hoặc bị giết chết ngay lập tức. Kết quả Wellington Wells trở thành một tiểu bang tăm tối trên bờ vực sụp đổ.