Thương vụ mua bán hãng phát triển game mobile Zynga của Take-Two mang đến cho công ty này quyền sở hữu nhiều loạt game có tiếng trên điện thoại di động. Hãy cùng xem chúng là gì nào
Take-Two Interactive Software vốn là một công ty cổ phần trò chơi điện tử sở hữu những hãng làm game khổng lồ nổi tiếng, bao gồm cả Rockstar Games và 2K Games. Trong khi đó, Zynga lại là một nhà phát triển game di động và game trên Facebook. Cả hai hoàn toàn không có điểm chung cho đến khi Take-Two quyết định bỏ ra 12,7 tỷ đô-la để mua lại Zynga, khiến cộng đồng hâm mộ của hai đơn vị cực kì bất ngờ. Động thái này dĩ nhiên ngay lập tức khiến người ta nghĩ đến những thương hiệu game lớn mà Take-Two có thể mang lên thị trường game điện thoại di động như Grand Theft Auto, NBA 2K, BioShock và Red Dead Redemption. Nhưng bên cạnh đó, Take-Two cũng sẽ có thể khai thác những thương hiệu game di động phổ biến của Zynga.
FarmVille
Thương hiệu lớn nhất của Zynga, FarmVille, ra mắt với một tựa game chỉ có thể chơi trên Facebook vào năm 2009. Trò chơi mô phỏng trang trại này nhanh chóng đạt tới 10 triệu người dùng mỗi ngày, biến Zynga thành nhà phát triển game chính cho Facebook. Kể từ đó cho đến nay, đã có tổng cộng 7 tựa game FarmVille khác nhau, chủ yếu chơi trên điện thoại di động, còn một vài game chơi trên Facebook cho đến khi Adobe Flash Player bị “khai tử”. FarmVille cũng đã truyền cảm hứng cho CityVille, một tựa game mô phỏng quản lý thành phố nay cũng không còn nữa.
Words With Friends
Một thương hiệu phổ biến khác của Zynga là tựa game ghép chữ mang phong cách Scrabble dành cho điện thoại di động, cho phép người chơi kết nối với bạn bè của mình và thi đấu trực tuyến. Công thức chơi không đồng bộ của nó cho phép hai người chơi thay phiên nhau bất kì lúc nào có cơ hội, và sau đó chỉ chờ đối thủ của họ đi bước tiếp theo. Tựa game Words With Friends đầu tiên tương thích trên cả điện thoại di động lẫn Facebook, nhưng phiên bản Worlds With Friends 2 hiện tại chỉ chơi được trên điện thoại di động. Sự phổ biến của công thức này đã truyền cảm hứng cho Zynga tạo ra vô số những tựa game spin-off, bao gồm Crossword With Friends, Chess With Friends, Hanging With Friends, Gems With Friends, Boggle With Friends, …
Zynga Poker
Có tên gọi ban đầu là Texas Hold ‘Em Poker, Zynga Poker là tựa game đầu tiên được Facebook thêm vào nền tảng của mình vào năm 2007. Với lối chơi poker theo phong cách Texas Hold ‘Em Poker, game cho phép người chơi thi đấu trực tuyến đối đầu những người chơi thực khác. Game mang đến những chế độ thông thường, thi đấu và cả giải đấu, hiện đang là một trong những tựa game casino phổ biến nhất trên thị trường. Zynga Poker không mang đến cơ hội để giành được tiền thật ngoài đời, nhưng game thủ vẫn có thể dùng tiền thật để mua bán trong game.
CSR Racing
CSR Racing và CSR Racing 2 mang đến cho game thủ cơ hội tham gia vào những cuộc đua ảo với những đối thủ người thật. Người chơi cũng có thể đua với AI, nỗ lực đánh bại những thách thức có sẵn để cải thiện thứ hạng, và tiến lên các bậc cao hơn để sở hữu xe và phụ kiện xịn sò hơn. Không như các tựa game đua xe khác, người chơi không thực sự đua trong CSR, mà thay vào đó phải thành thạo việc chuyển số theo thời gian và bộ tăng tốc nitro để tối đa hóa tốc độ và khả năng kiểm soát trên đường đua.
Bên cạnh những thương hiệu nổi bật nói trên, Zynga cũng sở hữu một vài cái tên dựa trên bản quyền thương hiệu khác như Harry Potter: Puzzles and Spells và Game of Thrones: Slot Casino, nhưng chúng chủ yếu là những trò ghép kim cương và máy đánh bạc, do đó Take-Two có lẽ sẽ không mặn mà lắm. Lý do chủ đạo của thương hiệu mua lại này rõ ràng nằm ở việc Zynga sẽ biến một số thương hiệu của Take-Two thành những phiên bản trên điện thoại thay vì đem các game điện thoại của Zynga lên hệ máy console, nhưng dù sao vẫn có khả năng. CSR Racing trở thành tựa game console chất lượng nếu có đội ngũ xứng tầm phát triển nó. Take-Two vốn đã có nhiều kinh nghiệm với việc đua xe trong game thông qua Grand Theft Auto, do đó nếu có một tựa game nào của Zynga được lên console, khả năng cao sẽ là CSR Racing.