Để xây dựng nên ngôi đền nghệ thuật Ghibli, rất nhiều mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả máu của những người họa sĩ đã tưới đẫm từng mảnh gỗ lát sàn.
"Grave of the Fireflies" - Mộ đom đóm.
Nếu đã biết Ghibli, chắc chắn bạn cũng từng ít nhất một lần nghe đến cái tên Isao Takahata - Đồng sáng lập Ghibli, Đạo diễn Mộ Đom Đóm (Grave of the Fireflies), người vừa qua đời vào tháng Tư năm nay và khiến cộng đồng yêu điện ảnh toàn thế giới tiếc thương.
Bên cạnh một Hayao Miyazaki với bầu trời tưởng tượng rộng dài và đậm chất kỳ ảo; người ta cũng thường nhắc đến một Isao Takahata với những tác phẩm sâu lắng hơn, chứa đựng những rung động thi ca nảy mầm từ mặt đất. Xem phim của Takahata, khán giả thường nghĩ ông là một người nhẹ nhàng và đa cảm.
Vì vậy, khi có thông tin rằng ông thật ra lại là một người khắc nghiệt đến mức vô tình gây ra cái chết của một họa sĩ khác trong xưởng, nhiều người đã bị sốc. Tuy nhiên đó lại là sự thực. Một sự thực tối tăm đằng sau những thước phim hoạt hình long lanh diệu kỳ được chiếu trên màn ảnh.
Thông tin trên được tiết lộ trong cuốn sách mang tên The Ghibli Textbook #19: The Tale of the Princess Kaguya (Ghibli no Kyōkasho 19 Kaguya-hime no Monogatari). Theo đó, nhà sản xuất Toshio Suzuki (đồng sáng lập Ghibli với cặp đôi đạo diễn Miyazaki - Takahata) cho biết Takahata là một người nổi tiếng khắc nghiệt và sẽ nổi nóng với cấp dưới nếu chẳng may các yêu cầu về nghệ thuật của ông không được đáp ứng như kỳ vọng.
Takahata đặt công việc lên trên hết, trên cả bản thân mình và đương nhiên, cũng trên luôn cả những người cộng sự. Trong mắt những nhân viên thuộc xưởng phim Ghibli, Takahata là một người vô ơn, không trân trọng mồ hôi, máu và nước mắt của cấp dưới.
Tiếp lời ông Suzuki, sự khắc nghiệt đến vô tâm của Takahata đã dẫn đến cái chết của Yoshifumi Kondo - người kế vị duy nhất được Miyazaki và Takahata chỉ định. Suzuki đã có một cuộc nói chuyện với Kondo, sau khi Kondo hoàn thành bộ phim đầu tiên và duy nhất của mình là Whisper of the Heart (1995) với cương vị đạo diễn.
Kondo chia sẻ rằng Takahata như đang "cố giết ông" (trong quá trình làm việc), và cứ mỗi lần nghĩ về Takahata là ông lại run bần bật. Hai năm rưỡi sau, sau khi góp sức trong bộ phim Princess Mononoke (1997) của Miyazaki, Kondo đã ngã bệnh và qua đời, khi chỉ mới 47 tuổi. Nguyên nhân cái chết của ông là chứng phình mạch vì làm việc quá sức.
Suzuki cũng cho rằng chỉ có duy nhất Miyazaki là "sống sót" khi làm việc cùng Takahata. Vì không chịu đựng được Takahata, nhiều họa sĩ tiềm năng khác đã rời bỏ Ghibli, khiến Ghibli không còn ai đủ tài năng để kế vị. Kondo đã mất, Takahata đã mất, Ghibli giờ đây chỉ còn lại một người đáng giá là Miyazaki - đã quá già và luôn miệng đòi nghỉ hưu suốt từ năm 1998 đến nay.
Tuy hiện tại, Miyazaki vẫn còn làm việc và sắp sửa ra tận 2 phim mới, nhưng ông đã 77 tuổi, cái tuổi chẳng còn nhiều nhặn năm tháng với tuổi nghề và đáng được dưỡng sức thay vì cố sống cố chết làm phim hoạt hình. Ngoài vấn đề tài chính khi hoạt hình vẽ tay càng ngày càng trở nên đắt đỏ trong thời buổi công nghệ (như Miyazaki từng nói, "thời đại của bút chì và giấy trên phim đang dần kết thúc rồi"), thì có lẽ Suzuki cũng có phần đúng khi cho rằng vì "tuyệt tự" mà cái ngày Ghibli phải đóng cửa đang rất gần kề.
Cái chết của Yoshifumi Kondo, nếu nhìn sơ qua thì tưởng như liên quan đến hậu quả của chế độ đãi ngộ tồi tệ dành cho họa sĩ trong ngành công nghiệp anime - manga. Nhưng người viết không cho là như vậy, vì mục đích Ghibli được lập ra là để đứng ngoài hai chữ "công nghiệp" của ngành giải trí vốn trong suy nghĩ của người đời là phải nhanh, gọn và trù phú này.
Nhớ lại thời kỳ "tiền Ghibli", mối lương duyên của Takahata và Miyazaki bắt đầu từ khi hai người còn đang mài mặt làm cho hãng hoạt hình Toei đậm chất công nghiệp. Vất vả mãi, Takahata mới được chọn làm đạo diễn cho bộ phim Horus: Prince of the Sun (1968). Horus là bộ phim đầu tay của Takahata, và ông chọn ngay Miyazaki làm người thiết kế.
Phim được đánh giá cao về nghệ thuật, nhưng lỗ to ngoài rạp. Bị Toei chỉ trích vì làm mất tiền và thời gian của họ; Takahata sau đó rời hãng. Miyazaki và một số người khác trong đoàn cũng đi theo. Hai người sống qua ngày bằng cách làm hoạt hình phát sóng trên TV (Miyazaki còn đi vẽ truyện tranh). Cuối cùng, nhờ một cuốn truyện của Miyazaki được đề nghị chuyển thể mà họ đã quay lại điện ảnh với bộ phim sau này trở thành kinh điển - Nausicaä of the Valley of the Wind (1984).
Nausicaa thành công rực rỡ cả về mặt thương mại lẫn nghệ thuật. Nhờ vậy, công ty rót tiền cho Nausicaa đã quyết định giúp đỡ những nghệ sĩ của phim này lập ra một xưởng phim riêng. Ở đó, họ được thỏa sức bay bổng với nghệ thuật của mình, họ được làm những người nghệ sĩ thực thụ chứ không phải là nhân công trong một ngành công nghiệp nữa. Và như thế, Ghibli đã ra đời.
Vì Ghibli là một xưởng phim được lập ra để phục vụ cho nghệ thuật và đề cao nghệ thuật, nên có thể nói, cái chết của Kondo sau này là một bi kịch gây ra bởi nghệ thuật.
Nhà phê bình Charles Solomon, trong một bài tưởng niệm Isao Takahata, từng đánh giá Isao Takahata có phong cách của một nhà thơ (còn Hayao Miyazaki là một nhà tưởng tượng). Xuất thân của Takahata đúng là dân chuyên văn, vì ông tốt nghiệp ngành Văn học Pháp tại Đại học Tokyo. Nếu Takahata trở thành một nhà văn hay nhà thơ, có lẽ ông đã "hành xác" một mình (Nhật Bản vốn có truyền thống các văn nhân vĩ đại thường... tự sát). Nhưng vấn đề ông lại làm phim, thế là ông "hành xác" cả đoàn làm phim.
So sánh hai cột trụ của Ghibli là Takahata và Miyazaki, bạn sẽ thấy Takahata là người cầu kỳ hơn hẳn về nghệ thuật. Lợi nhuận của Ghibli hầu hết dựa vào các phim do Miyazaki đứng tên đạo diễn và Takahata đứng tên sản xuất/ biên kịch. Còn một khi Takahata đạo diễn, nghệ thuật là đặt lên trên hết, ngoài ra các yếu tố khác đều không được quan tâm. Takahata khiến người viết nhớ đến Stanley Kubrick - Đạo diễn Hollywood nổi tiếng "hành xác" diễn viên với lời đồn ông từng quay đi quay lại một cảnh đến 127 lần mới ưng ý.
Để biết yêu cầu nghệ thuật của Takahata cao đến đâu (mà các họa sĩ sợ thế!), chúng ta sẽ xem xét sơ qua những bộ phim ông từng đạo diễn. Dù ông tham gia vào quá trình thực hiện của rất nhiều phim, nhưng vì trong điện ảnh, đạo diễn là người quyết định bộ phim trông như thế nào; nên chỉ cần nhìn vào những phim có tên Isao Takahata ở mục "Đạo diễn" là đủ.
Từ khi Ghibli được lập ra, Takahata chỉ đạo diễn 5 phim. Nhưng nhìn vào 5 phim này cũng đã "toát mồ hôi" khi nghĩ đến khối lượng công việc mà các họa sĩ phụ việc cho ông phải làm. Takahata không hề theo một phong cách xuyên suốt như Miyazaki, mà ông thích sự thử nghiệm. Không bộ phim nào của ông được vẽ giống nhau. Ví dụ như Only Yesterday (1991) nghiêng về vẽ tả thực, My Neighbors the Yamadas (1999) thì theo thẩm mỹ của những mẩu truyện tranh gây cười, The Tale of Princess Kaguya (2013) thì có bối cảnh như những bức tranh cổ Nhật Bản; và đặc biệt là Pom Poko (1994) với phong cách được thay đổi liên tục trong một số phân đoạn miêu tả cách biến hình của bầy chồn.
Người ta đồn rằng Takahata kỹ tính đến mức chỉ đạo chính xác những loại cây nào cần được vẽ trong phông nền. Nhưng vẽ chi tiết phông nền là còn nhẹ nhàng. Đến khi nhìn vào chi tiết nhân vật được vẽ trên phông nền ấy, ta mới thật sự thấm thía nỗi niềm của các họa sĩ làm việc dưới trướng ông.
Thế mạnh của Takahata so với Miyazaki là "cái hồn" của nhân vật. Lấy ví dụ bộ phim nổi tiếng Mộ Đom Đóm, nếu để ý bạn sẽ thấy sự kỳ công của Takahata khi miêu tả từng thay đổi nhỏ nhất trên khuôn mặt và trong các động tác. Có lẽ không có một nhân vật hoạt họa nào thật sự "sống" như cô bé Setsuko đã "sống". Nó "sống" qua từng cái lắc đầu, từng cái chun mũi hay động tác khép nép đưa hộp kẹo cho anh. Đây mới chỉ là bộ phim khởi đầu của ông tại Ghibli.
Cái "hồn" này đến bộ phim cuối cùng của ông là The Tale of Princess Kaguya mới thật sự bộc lộ độ "khủng" của nó. Chỉ qua những nét vẽ vô cùng giản lược về khuôn mặt, mà khán giả tinh ý có thể nhận ra bản chất nhân vật (dân gian hay gọi là "tâm sinh tướng") và tiên đoán về hướng đi của họ: Ví dụ như bà mẹ là người cam chịu, ông bố là người tham lam; dù những tính cách này ở đầu phim vẫn chưa bộc lộ ra.
Có lẽ những năm theo học văn chương đã khiến Takahata mang ý thức về nghệ thuật mạnh mẽ, đặc biệt là ý thức về chủ nghĩa hiện thực. Chính Miyazaki đã công nhận rằng Takahata là người buộc ông phải quan tâm đến yếu tố hiện thực trong phim. Nếu không có Takahata thì Miyazaki sẽ mãi mãi bay lượn trên bầu trời với những chiếc máy bay của mình, chứ chẳng bao giờ chịu hạ cánh.
Vì thế, nếu bạn đang say mê và trầm trồ về các lớp ý nghĩa tưởng như không bao giờ khai quật được hết trong phim Miyazaki, thì bạn nên biết đó là nhờ ảnh hưởng của Takahata. Được biết, Miyazaki cũng rất sợ Takahata. Ông là người duy nhất sống sót khi làm việc với Takahata, có lẽ là do tài năng hiếm có của Miyazaki đáp ứng được những kỳ vọng chót vót của Takahata về nghệ thuật.
Việc phân tích mối quan hệ của Takahata và Miyazaki cũng phần nào giải thích được nguyên nhân cái chết của Kondo. Thứ đẩy Kondo đến cái chết là kỳ vọng của Takahata về sự hoàn hảo trong nghệ thuật. Nhất là với một người được mong chờ sẽ gánh vác Ghibli sau này, kỳ vọng ấy hẳn là rất cao. Kondo không phải là Miyazaki. Ông là một bông hoa chưa kịp đến mùa rực rỡ nhất nhưng đã bị ép nở. Đó là sai lầm mà Takahata chưa bao giờ nghĩ đến. Có lẽ ông nghĩ rằng đẩy lên cực hạn thì người nghệ sĩ sẽ phát huy được hết tài năng của mình, ai ngờ lại vô tình tạo ra thảm kịch cho Kondo.
Và cho cả Ghibli.
Khi rộ lên "scandal" của Takahata, nhiều người đã nói rằng họ không thể nhìn những tác phẩm của ông với sự ngưỡng mộ ban đầu được nữa. Nhưng bạn cần phải hiểu rằng, tác phẩm luôn luôn vĩ đại hơn tác giả.
Miyazaki tạo ra những tác phẩm kinh điển về đề tài gia đình, nhưng ông lại thường không có mặt ở nhà. Ông sẵn sàng làm việc những ca dài đến 20 giờ trong xưởng phim, phó mặc hai con trai cho vợ một mình nuôi dưỡng. Một người hời hợt với gia đình tạo ra tác phẩm lấy nước mắt về tình cảm gia đình, có lẽ không thuyết phục được khán giả.
Nghệ thuật còn chia rẽ Miyazaki và con trai Goro của ông, khi hai người này tranh giành suất đạo diễn cho bộ phim Tales from Earthsea. Kết cục, Goro được nhà sản xuất cho làm phim, nhưng Tales from Earthsea (2006) lại trở thành một trong những phim dở nhất đến từ Ghibli, và ngày nay người ta hầu như đã quên bẵng tên nó. Mối quan hệ cha - con nhà Miyazaki trở nên vô cùng căng thẳng và phải mãi đến sau này, khi bộ phim thứ hai của Goro là From Up on Poppy Hill(2011) là một bộ phim khá, mối quan hệ này mới dịu bớt đi. Dưới nhãn quan nghệ thuật, Miyazaki là một đạo diễn vĩ đại. Nhưng dưới nhãn quan xã hội, ông là một người cha - người chồng tồi tệ.
Tương tự như vậy, chúng ta phải đánh giá Takahata như thế nào đây khi những tác phẩm đậm chất nhân văn nghệ thuật lại đến từ một đạo diễn khắc nghiệt vô tâm đến nỗi đẩy hoạ sỹ dưới trướng mình vào cái chết.
Có lẽ Takahata không cần đến sự phán xét của chúng ta, mà ông đã tự phán xét chính mình. Trong Mộ Đom Đóm, khi cô bé Setsuko chết, anh trai cô (Seita) đã không ăn uống gì và chết đói để tự trừng phạt. Khi xem phim này, đa số mọi người đều cho rằng nó nói về sự khốc liệt của chiến tranh và sự vô tâm của người lớn đối với trẻ em, dẫn đến cái chết thương tâm của hai đứa nhỏ. Một câu chuyện đau lòng.
Tuy nhiên, người viết không cho là như vậy. Seita có tiền bố gửi trong ngân hàng, nhưng cậu ta không hề rút. Cậu ta cũng có thể đi làm kiếm tiền, nhưng không hề đi. Cậu ta nghĩ mình cố gắng sống tạm bợ một thời gian để chờ bố về. Cậu ta nghĩ mình chịu được, nhưng cậu ta không hề biết rằng Setsuko không thể chịu được. Để em gái phải chết một cách tức tưởi trong khi điều kiện để lại không hề quá thiếu thốn.
Setsuko chết là do lỗi của Seita. Bản thân tác giả truyện ngắn "Mộ đom đóm" là Akiyuki Nosaka cũng nói rằng ông viết truyện như một lời xin lỗi gửi đến người em gái quá cố. Vì vậy, "Mộ đom đóm" thật ra là một tác phẩm lên án nhân vật chính của nó. Đau đớn thay, khi việc Takahata lựa chọn truyện ngắn này để làm phim sau này lại vận đúng vào cuộc đời ông. Mối quan hệ giữa Takahata và Kondo là mối quan hệ sempai - kouhai (đàn anh - đàn em), và trong văn hóa Nhật Bản thì mối quan hệ này đòi hỏi trách nhiệm không khác gì anh em ruột thịt là bao.
Cái chết của Setsuko trong "Mộ đom đóm" trùng hợp với cái chết của Kondo ngoài đời. Takahata khắc nghiệt với bản thân mình, ông chịu đựng được. Nhưng ông không ngờ rằng Kondo không chịu đựng được. Suzuki kể rằng, trong lễ hỏa táng Kondo, một nhân viên của Ghibli đã nói to: "Là Paku-san (biệt danh của Takahata) đã giết chết Kon-chan (biệt danh của Kondo) đúng không?", bầu không khí trong phòng như đóng băng cho đến khi Takahata im lặng gật đầu.
Cái gật đầu nhìn tưởng nhẹ nhàng ấy, đôi khi lại là gánh nặng tội lỗi mà Takahata mang theo suốt cuộc đời.
"Ba người cha" Miyazaki, Takahata và Suzuki là ba cá tính vô cùng khác biệt; mà điều duy nhất kết nối họ với nhau là tình yêu dành cho hoạt hình, tình yêu dành cho "đứa con chung" Ghibli. Vì vậy, có thể hiểu được sự cay đắng mà Suzuki dành cho Takahata, khi ông cho rằng do Takahata mà số phận của Ghibli trở nên ngắn ngủi. Chúng ta là người ngoài cuộc, liệu có thể đánh giá một cách khách quan hơn "công" và "tội" của Takahata chăng?
Dù thế nào thì chúng ta cũng chỉ là người ngoài cuộc. Trước khi tỏ thái độ "thất vọng" hay "ngỡ ngàng" trước con người Takahata, chúng ta cũng nên đặt một câu hỏi ngược lại: "Nếu Takahata không phải là người khắt khe, liệu Ghibli có thể trở thành huyền thoại và tác động mạnh mẽ đến thế vào nền hoạt hình thế giới không?". Nghệ thuật đáng để hi sinh đến đâu, có lẽ là tùy vào quan điểm mỗi người.
Theo Tri Thức Trẻ