Những phiên bản remake nhiều lúc lại không mang tới cảm giác hài lòng khi nó vẫn còn thiếu vắng thứ gì đó.
Khi các tựa game này càng tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn để làm ra, các nhà đầu tư lại càng phải mạo hiểm để đặt vào ván cược này. Cũng vì vậy, xu hướng trong vài năm trở lại đây là việc remake lại những tựa game đã cũ để biến nó thành một tựa game mới nhằm giảm thiểu chi phí nhưng vẫn tạo ra được lợi nhuận nhờ sự thành công của bản gốc.
Chúng ta không nói về chuyện đưa một tựa game trực tiếp từ nền tảng cũ lên nền tảng mới, chuyện này không đáng nói và cũng quá quen thuộc với mọi người rồi. Ở đây, chúng ta hãy nói về những tựa game bom tấn của ngày xưa được xây dựng lại từ đầu để trông giống với những tựa game triple-A hiện đại và đẹp mắt của ngày nay. Hãy nghĩ về Final Fantasy VII, Resident Evil hay gần đây nhất là Max Payne, tựa game này vừa được thông báo gần đây rằng sẽ được làm lại hoàn toàn bởi Rockstar Games và qui mô của nó sẽ ngang tầm với những tựa game AAA đang có mặt trên thị trường. Vậy tại sao các nhà làm game không dùng số tiền đó để tạo ra một tựa game hoàn toàn mới không thua kém gì những tựa game đình đám đang có mặt trên thị trường mà phải đi remake lại một con game từ thuở xa xưa như vậy?
Như một lẽ dĩ nhiên, các tựa game bom tấn ngày xưa là một sự đảm bảo về mặt thương hiệu. Các studio không muốn tựa game mà mình làm ra sẽ bị lỗ vốn, hoặc không thể nào cạnh tranh với những đối thủ khác cùng thể loại trên thị trường, vì thế remake một tựa game bom tấn trong quá khứ sẽ là sự lựa chọn ít rủi ro nhất dành cho họ. Và việc tung ra bản remake cũng góp phần gắn kết các thế hệ khác nhau lại trong một tựa game, nghe cũng hay đấy chứ nhỉ.
Nhưng, liệu những phiên bản remake có thành công 100% hay không? Những tựa game này đã được phát hành cho khán giả, cho fan hâm mộ trong một thời gian quá dài và đã trở thành một miền kí ức của chính họ, là một phần của thời gian và cảm xúc từ rất lâu rồi. Những series game như Alan Wake hay Quantum Break, Control. Và giờ thì mọi thứ lại được remake, và việc remake này thực sự có cần thiết?
Nói qua về Max Payne, tựa game này đã được phát hành vào năm 2001, và Max Payne 2 được phát hành vào năm 2003. Và đó cũng là quãng thời gian mà tựa game này muốn gửi thông điệp tới người chơi cũng như tâm điểm của thiết kế game vào lúc ấy. 10 năm sau, Max Payne 3 ra đời dựa trên sự thật rằng nhân vật chính của series này - Max, đã trải qua 10 năm cuộc đời và trong phần 3 thì anh đã trở nên già cỗi hơn, buồn hơn và chậm chạp hơn do thời gian bào mòn. Và giờ nếu như phiên bản remake của Max Payne được ra mắt, liệu nhân vật chính lại quay về như thời niên thiếu hay sao?
Remake một tựa game bom tấn trong quá khứ không phải là một ý kiến tồi khi nó thỏa mãn cả hai phía: người chơi và nhà phát hành. Nhưng việc remake cũng đi kèm với những rủi ro về cảm xúc và trải nghiệm mà chúng ta không thể nào trốn tránh được. Cảm xúc của quá khứ vẫn còn nguyên vẹn, và việc so sánh là không thể nào tránh khỏi nhưng mỗi người lại có những góc nhìn khác nhau cho câu chuyện này.