Cùng nghe những chia sẻ cực kì chân thật đến từ các studio hoạt hình ở Nhật Bản cùng những khó khăn mà họ phải đối mặt giữa tình hình đại dịch hoành hành. Họ đã phải làm gì để vượt qua đại dịch? Những tổn thất mà studio đang phải gánh chịu là gì?
Ngành công nghiệp anime và Coronavirus
Như đã biết, dịch bệnh corona vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới. Tại Nhật Bản, tình trạng khẩn cấp đã được chính phủ đưa ra. Ngành công nghiệp anime theo đó cũng phải tạm ngưng làm việc mà chuyển sang trao đổi online để duy trì tiến độ các dự án. Những công đoạn cần làm việc nhóm như đồ họa 3DCG cũng đã phải thích nghi với tình hình, cố gắng chuyển đổi mặc dù gặp nhiều khó khăn.
Các hãng phim như Kyoto Animation đã phải công khai tạm thời đóng cửa để giảm thiểu tất cả chi phí phát sinh. Nhiều studio khác đang thực hiện dự án như Polygon Pictures xác nhận việc phải làm việc từ xa và dời lịch công chiếu các anime của mình để đảm bảo tiến độ. Những studio lớn có nhiều dự án trong tương lai như MAPPA (studio cách đây không lâu đã tiếp nhận sản xuất Shingeki No Kyojin season 4 và The God Of Highschool) đang phải gồng mình làm việc hòng đáp ứng đúng tiến độ cho tất cả tác phẩm của họ.
Akira Shimizu, chủ tịch của studio CloverWorks (The Promised Neverland, Fugou Keiji – Balance: Unlimited) đã có đôi lời chia sẻ về thực trạng làm việc tại nhà. Để đảm bảo công việc được thực hiện trơn tru, studio đã gửi hẳn PC cho các nhân viên thuộc bộ phận thiết kế, nghệ thuật. Laptop và smartphone cũng được cung cấp cho các quản lí dự án để họ có thể làm việc. Shimizu cũng tiết lộ rằng tuy làm việc tại nhà, nhưng nhiều công đoạn như in ấn, thu thập dự liệu chỉ có thể làm việc tại công ty trên server riêng của họ.
Đối với các công việc nội bộ, hầu hết các cuộc họp giữa nhân viên đều được thực hiện trực tuyến. Để cuộc họp diễn ra suôn sẻ, các nhân viên cần phải làm thêm bước thống nhất các tập tài liệu. Trước đây họ hoàn toàn không phải làm việc này mà chỉ trao đổi với nhau qua giấy tờ, vậy nên việc làm này được chia sẻ là mất rất nhiều thời gian của các nhân viên.
Nhiều người cho rằng việc trì hoãn thời gian ra mắt sẽ giúp các studio có thể thực hiện các sản phẩm một cách tốt hơn. Đáng buồn thay, việc kéo dài thời gian chỉ làm tăng thêm ngân sách của dự án và các studio sẽ phải chịu mức chi phí lớn hơn. Theo điều tra từ Mantan Web, trung bình phải mất gấp đôi thời gian để sản xuất anime so với trước khi tình trạng khẩn cấp được công bố.
Tình hình của các seiyuu hiện tại
Vào đầu tháng 4, việc thu âm đã được cảnh báo do khả năng lây nhiễm rất cao. Để có thể lồng tiếng một cách an toàn, các cuộc ghi âm ảo đã được tổ chức qua Skype với sự tham gia của ban sản xuất, nhân viên, đạo diễn và phụ trách âm thanh, trong phòng thu thực tế chỉ có kĩ thuật viên thu âm và một seiyuu làm việc cùng micro đã được bọc một lớp bảo vệ. Mọi trao đổi chỉnh sửa đều sẽ thực hiện trên Skype và nhà sản xuất sẽ mất nhiều thời gian, công sức hơn để hoàn thành công việc. Các seiyuu giờ đây cũng phải thu âm cho nhiều tập liên tiếp để tiết kiệm chi phí.
Để có cái nhìn tổng quan nhất, hãy cùng xem qua đoạn clip ngắn của seiyuu Sally Amaki đã quay lại toàn bộ quy trình thu âm trong tình trạng cách ly do dịch bệnh.
Có thể thấy nữ seiyuu gần như tự mình thực hiện việc thu âm trong một phòng thu được diệt khuẩn kĩ lưỡng. Số lượng nhân viên cũng được giảm thiểu đến mức tối đa nhằm tránh nguy cơ lây lan.
Phim làm xong không thể tiêu thụ
Một thử thách rất lớn mà ngành công nghiệp anime đang phải đối diện đó là số lượng anime đang được sản xuất không có nơi để phát hành. Do phải tạm hoãn trong một thời gian dài, giờ đây số lượng anime gần như bùng nổ khi mùa phim trước thì vẫn kéo dài còn mùa phim sau thì đã sẵn sàng công chiếu. Diều này khiến cho các anime rất khó khăn để phát sóng trên các kệnh truyền hình. Theo các nhà sản xuất, hiện tại có khoảng 50 vị trí cho một bộ anime trong mỗi mùa phim trong khi con số anime hiện tại cần tiêu thụ đã lên đến gần 100. Điều đáng nói ở đây là anime Nhật Bản vẫn chỉ được chiếu chủ yếu qua truyền hình chứ không hề có phương pháp phát sóng nào khác.
Hiện tại, các kênh truyền hình đang phải ưu tiên cho các anime còn đang dang dở và sắp sửa kết thúc. Các anime còn lại chỉ còn cách dời lịch công chiếu và chấp nhận không có doanh thu trong 3 tháng, thậm chí nửa năm . Có thể thấy việc sản xuất đã khó khăn, đến cả lúc phát hành cũng gặp trở ngại. Chi phí cho một bộ anime tại Nhật Bản đang dội lên khá cao chỉ vì đại dịch COVID-19.
Tương lai của ngành anime sau đại dịch
Tuy gây ra nhiều trở ngại nhưng đại dịch cũng là cơ hội để ngành công nghiệp này phát triển hơn. Nhiều nhà sản xuất đã chia sẻ họ sẽ hạn chế việc sử dụng giấy tờ để làm việc mà thay vào đó sử dụng các công nghệ hiện đại hơn. Họ cũng kì vọng trong tương lai các nhân viên sẽ có thể làm việc tại gia mà vẫn đảm bảo tiến độ công việc. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho chi phí văn phòng và sự cân bằng trong cuộc sống của các nhân viên. Thời gian này cũng là cơ hội để các studio tìm kiếm, trau dồi những giá trị mới để có thể tạo ra những sản phẩm tuyệt vời hơn trong tương lai.