Có rất nhiều những sản phẩm game kinh dị lấy bối cảnh trường học để tạo nên sự hoảng sợ trong tâm lý của người chơi
Trong rất nhiều những tựa game kinh dị từng được ra mắt trên toàn cần thì có rất nhiều sản phẩm từng lấy bối cảnh trường học như một nơi vô cùng ám ảnh và khiến cho không ít người chơi phải hoảng sợ. Tuy nhiên vì sao mà những tựa game kinh dị lại thích đưa môi trường trường học để làm đề tài chính của mình như thế?
Điển hình nhất chính là tựa game Detention nổi tiếng của Đài Loan khi lấy bối cảnh chính là ở bên trong một ngôi trường với câu chuyện về một học sinh ngủ gật trong phòng học. Bên ngoài lớp học xuất hiện một cơn báo kỳ lạ và dòng sông ở bên ngoài nhuộm một màu đỏ máu, ngôi trường lúc này trở nên quỷ dị và đáng sợ hơn bao giờ hết.
Xuyên suốt trò chơi này thì người chơi sẽ nhập vai vào một nữ sinh và đi lang thang khắp nơi để có thể tìm hiểu lý do mà bản thân lại bị nhốt trong một ngôi trường bị ma ám.
Tất nhiên Detention không phải là tựa game duy nhất sử dụng bối cảnh trường học để làm đề tài chính. Trong đó có những cái tên game nổi tiếng như Danganronpa, Silent Hill, Obscure, The Secret World, White Day: A Labyrinth Named School, Last Year: The Nightmare,...
Để lý giải cho điều này thì chúng ta cần nên biết rằng mỗi tựa game đều bắt đầu với một thứ gì đó quen thuộc, có tác động đến người chơi theo một cách nào đó. Trường học theo lý thuyết là môt nơi đáng lý ra phải gần gũi và an toàn đối với học sinh, tuy nhiên thực tế thì không phải ai cũng có được những quá khứ tươi đẹp tại nơi đây.
Theo đó trường học cũng là một nơi tạo ra những áp lực vô hình, những mối quan hệ phức tạp với bạn bè, thầy cô, gia đình. Thậm chí nhiều học sinh đã từng bị tẩy chay bởi những người bạn của mình ngay trong môi trường trường học và đây chính là một đề tài mà các nhà sản xuất game muốn khai thác.
Trong tựa game Detention thì ngoài những yếu tố siêu nhiên ra thì tựa game này cũng đã thể hiện môi trường trường học trong bối cảnh Đài Loan thập niên 60 để tạo nên sự kịch tính và rùng rợn cho cốt truyện của mình. Theo đó thì Red Candle Games sử dụng thời kỳ "White Terror ", quãng thời gian được cho là tăm tối nhất đối với người dân Đài Loan để phần nào thể hiện sự đáng sợ của nơi được gọi là trường học.
Nội dung chủ yếu của game sẽ nói về những giáo viên và học sinh ở trong trường, cùng với một cuốn sổ từng đem đến cái chết của tất cả mọi người.
Còn khi đến với tựa game White Day: A Labyrinth Named School thì những chi tiết liên quan đến lịch sử lại một lần nữa được sử dụng để tạo nên sự kinh hãi đối với người chơi. Trò chơi này sẽ lấy bối cảnh một ngôi trường học tại Hàn Quốc, nơi từng là một bệnh viện thời chiến trang Triều Tiên - Hàn và đây là một địa diểm bị ma ám.
Last Year: The Nightmare thì lại sử dụng một mô típ có phần phổ biến hơn, đó là một nhóm học sinh đã phải chạy trốn khỏi một tên sát nhân hàng loạt tại ngôi trường này. Việc bị truy đuổi trong trường học đã thể hiện được sự bất an của một số cá nhân khi con đi học, bị cô lập, tẩy chay và phải chịu đựng sự bạo lực từ nhiều thành phần khác nhau.
Outlast 2 cũng là một câu chuyện sử dụng bối cảnh trường học song song với cốt truyện chính để nói về cái chết của một người bạn của nhân vật chính khi còn học trung học được nhấn mạnh bằng sự ảnh hưởng của "chớp sáng bí ẩn" lên tâm trí của nhân vật. Có thể nói đây chính là cách để nhà làm game thể hiện được rằng nhân vật chính đang từ từ phát điên.
Ngoài ra thì lối kiến trúc của trường học lại cực kì hoàn hảo để người ta liên tưởng đến một khung cảnh kinh dị, nơi sở hữu vô số những phòng học, hành lang và ban công có cấu trúc đối xứng nhau. Từ những chi tiết đó thì những nhà làm game đã xây dựng sự kịch tính, khiến người chơi không biết được rằng ở ngã rẽ tiếp theo thì bản thân sẽ phải đối mặt với điều gì.
Tương tự như thế thì bệnh viện, nhà thương điên hay một căn nhà cũng chính là những địa điểm quen thuộc mà những nhà làm game luôn tận dụng triệt để cũng bởi lối kiến trúc này. Đối với những nhà sản xuất game thì việc tạo ra những cú hù dọa khiến "hồn xiêu phách lạc" như một mục tiêu hàng đầu mà họ đặt ra.