Thay vì lựa chọn lối kể chuyện hiện đại, mang màu sắc trẻ trung sôi nổi giống nhiều tác phẩm học đường hiện nay, tuy nhiên, "Tháng 5 để dành" vẫn gìn giữ vẹn nguyên bầu không khí nhẹ nhàng, yên bình của một thời áo trắng tinh khôi trong giai đoạn đầu thế kỉ 21.
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.
Vội Vàng – Xuân Diệu.
Ba câu thơ vừa rồi hẳn quá đỗi quen thuộc đối với biết bao thế hệ học trò, nhất là những ai đã và đang dành tình cảm cho Ranh giới, cuốn tiểu thuyết đình đám từng gây bão tại cộng đồng Blog 360. Không chỉ gắn liền cùng chi tiết “cặp môi Ngọc” đắt giá, dường như, chúng còn giúp Trung Hiếu (Xuân Hùng) - chàng nhân vật chính trong câu chuyện ấy bày tỏ nỗi lòng mình. Mặc dù luôn vui vẻ tận hưởng quãng thanh xuân tươi đẹp bên cạnh cô bạn gái Mai Ngọc (Minh Trang), thâm tâm cậu vẫn nơm nớp lo sợ rằng, mùa hè - mùa của sự chia li sẽ sớm kéo tới và “cuốn phăng” đi tất cả. Vì vậy, dự án điện ảnh chuyển thể từ cuốn hồi ức trên mới được ekip đặt cho cái tên Tháng 5 để dành.
Học đường vốn là chủ đề chưa bao giờ cũ trong mắt các nhà làm phim quốc tế nói chung lẫn nước ta nói riêng. Trải dài từ màn ảnh nhỏ (Kính vạn hoa, Gọi giấc mơ về, Thứ ba học trò…) sang màn ảnh rộng (Em chưa 18, Cô gái đến từ hôm qua…) rồi cả web-series Youtube (Phim cấp 3, Là anh, Sửu nhi, Ê! Nhỏ lớp trưởng…), môi trường học đường ở phim Việt hiện giờ cũng hết sức đa dạng về hệ thống giáo dục (công lập, tư thục, dân lập), địa điểm và bối cảnh lịch sử. Đặc biệt, khi xét riêng lĩnh vực điện ảnh, không ít khán giả đã nhận xét rằng, đa số những tác phẩm thuộc thể loại này vẫn chưa thực sự “thuần Việt”, hoặc khắc họa thời áo trắng một cách đúng nghĩa.
Lớp học miền Bắc năm 2000, các học sinh ngồi bàn ba thay vì bàn đôi so với trong Nam.
Cụ thể, với cơn sốt phòng vé Em chưa 18 (2017), nơi mà nhân vật Linh Đan (Kaity Nguyễn) đang theo học là một ngôi trường quốc tế mang đậm hơi hướng Âu Mỹ, sở hữu cơ sở vật chất hiện đại. Chưa kể, các học sinh tại đây còn được nhuộm tóc lẫn trang điểm thoải mái. Riêng Trường học bá vương (2018) thì gây sốc hơn gấp bội lần trước hàng loạt bộ môn khó tin cùng dàn giáo viên và ban giám hiệu cực kì lầy lội. Dẫu đánh trúng tâm lý mộng mơ, thích nổi loạn, phá cách nơi giới trẻ, nhưng những phim lấy bối cảnh có phần đi hơi xa thực trạng học hành, sinh hoạt giải trí của các cô cậu thiếu niên ngày nay.
Dựa theo thời điểm diễn ra câu chuyện, hầu hết khán giả sẽ không khỏi so sánh Tháng 5 để dành cùng Cô gái đến từ hôm qua (2017), một tác phẩm điện ảnh chuyển thể cũng tái hiện rất tốt văn hóa học đường tại vùng ngoại ô năm 1997. Tuy nhiên, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã gửi gắm vào đứa con tinh thần phong cách cá nhân với chất liệu âm nhạc. Bằng thể loại nhạc kịch phương Tây (musical), anh khéo léo lột tả nội tâm nhân vật qua những giai điệu lúc thì sôi nổi vui tươi, khi thì lắng đọng sâu sắc, đồng thời dùng chúng như chất kết nối, giúp cho mạch truyện thêm phần liền lạc. Hơn nữa, vị đạo diễn ấy còn sử dụng hiệu ứng hình ảnh (VFX) nhằm mô tả trí tưởng tượng bay bổng của chàng Thư “thơ thẩn” (Ngô Kiến Huy).
Trong khi đó, Tháng 5 để dành hứa hẹn chinh phục khán giả bằng biết bao kỷ niệm học đường bình dị, chân thực mà thế hệ 8x đều đã từng trải qua. Rời xa kỉ nguyên công nghệ số lẫn khu phố thị hoa lệ, bộ phim đưa chúng ta trở về miền quê yên bình thuộc vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ hồi năm 2000. Chú trọng vào quá trình khắc họa các cung bậc cảm xúc tò mò, rạo rực thường thấy ở một cậu con trai mới lớn, mối tình gà bông “huyền thoại” giữa cặp đôi Hiếu – Ngọc dưới góc nhìn của chàng thi sĩ chắc chắn sẽ làm cộng đồng fan Ranh giới hết sức thỏa mãn.
Không những duy trì tốt bầu không khí lãng mạn hồn nhiên dưới mái trường cấp 3, Tháng 5 để dành còn thẳng thắn đề cập tới vấn đề tình dục, sự hiếu kì giới tính của tuổi dậy thì chứ chẳng hề tìm cách lảng tránh hoặc dàn dựng sơ sài: từ vấn đề mộng tinh, chiến thắng thứ bản năng đen tối cho đến việc bị cám dỗ trước loạt văn hóa phẩm kém lành mạnh. Do đó, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy bản thân mình đâu đấy xuyên suốt câu chuyện trên: một Trung Hiếu bay bổng văn chương, “sếp” Mai Ngọc dịu dàng đa cảm hay anh bạn Sơn (Đức Ngụy) “lác” tinh nghịch, lắm trò.
Khác hẳn papa Hùng (Quang Minh) - ông bố quốc dân vô cùng tâm lý trong Em chưa 18, mẹ Liên ở Tháng 5 để dành là một người phụ nữ cực kì nghiêm khắc. Chỉ cần phát hiện con mình đi chơi về trễ hoặc yêu đương nhăng nhít, bà sẽ lập tức “tung chiêu” quăng dép, bạt tai hay thậm chí xích tay xích chân Hùng rồi tạm giam tại nhà. Thoạt nghe thì có vẻ tàn bạo, thế nhưng, đằng sau các hành động bảo thủ lẫn khắt khe, mẹ Liên luôn mong muốn đem lại cho Hiếu mọi điều tốt đẹp nhất. Tình yêu thương thầm lặng của bà là một mảnh ghép quan trọng, không thể thiếu để hoàn thành bức tranh học đường sinh động ở bộ phim này.
Phim dự kiến khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 24.05.2019.
Cocaine