Tựa đề phim là một trong những vấn đề gây tranh cãi khi Bắc Kim Thang chính thức được công chiếu. Và câu hỏi đang được nhiều khán giả thắc mắc là liệu việc sử dụng bài đồng dao tuổi thơ này là dụng ý của đạo diễn hay một chiêu trò để câu view?
# Cảnh báo SPOIL: Lưu ý bài viết có tiết lộ nội dung phim, nên cân nhắc kĩ trước khi xem
Ngay từ khi chưa công chiếu, Bắc Kim Thang đã nhận nhiều sự chú ý vì sử dụng bài đồng dao quen thuộc làm tựa đề bởi đằng sau một bài đồng dao gắn liền với tuổi thơ nhiều người lại ẩn chứa một câu chuyện kinh dị. Vì tâm lý này mà nhiều người cảm thấy hụt hẫng khi phim ra rạp vì cho rằng bài đồng dao không được liên kết nhiều, thậm chí chẳng liên quan đến nội dung phim.
Thực chất, sử dụng tên bài đồng dao này hoàn toàn là dụng ý của đạo diễn. Vì nó không những có mối liên hệ chặt chẽ với cốt truyện trong phim và còn góp phần truyền tải bức thông điệp mà nhà sản xuất muốn mang lại cho người xem.
Bắc Kim Thang xoay quanh câu chuyện đi tìm sự thật của nam chính Thiện Tâm về sự mất tích bí ẩn của cô em họ Hai Lầm. Theo đó, lần lượt những sự thật kinh hoàng về sự thối nát của cả một gia tộc ở làng quê Nam Bộ được phơi bày: hủ tục trọng nam kinh nữ, lòng tham vô đáy của con người, tranh giành, phân chia gia sản,...
Trong phim, bài đồng dao quen thuộc xuất hiện với tần suất cực kì nhiều, nhất là trong những phân cảnh nhân vật Thiện Tâm gợi nhớ lại quá khứ thuở nhỏ với Hai Lầm. Bởi đây là bài hát được hai anh em hát chung trước khi Thiện Tâm lên thành phố trị bệnh. Không thể phủ nhận trong nhiều phân cảnh, giai điệu bài hát vang lên làm khán giả rợn tóc gáy nhưng việc lạm dụng nó khiến nhịp phim trở nên rời rạc thay vì tăng hiệu ứng gây sợ.
Nhưng nếu đối chiếu với cốt truyện trong phim, bạn sẽ thấy nhiều mối liên hệ đáng ngờ...
Hình ảnh con le le và con bìm bịp
Như chúng ta đã biết, bài đồng dao Nam Bộ gắn liền với câu chuyện về tình bạn thân giữa anh bán dầu và anh bán ếch. Trong một lần đi bẫy ếch, cả hai trông thấy con bìm bịp và con le le sụp cùng rơi vào trong cái bẫy chỉ vì tranh giành nhau một miếng mồi. Chi tiết này có làm bạn gợi nhớ đến sự tranh giành, phân chia tài sản của những nhân vật trong phim?
Hầu hết các nhân vật trong phim đều vì đam mê cờ bạc, rượu chè mà trở thành nô lệ của đồng tiền. Lòng tham vô đáy đã đẩy họ vào những chuyện đi ngược lại với luân thường đạo lý. Cuối cùng cũng như số phận của hai con vật kia, mỗi người đều nhận lấy kết cục bi thảm. Và khi ấy, Bắc Kim Thang cũng chỉ mượn bài đồng dao thiếu nhi như một cái cớ để khắc họa câu chuyện ẩn dụ này bằng chất kể ma mị.
Chi tiết "cà-lang-bí-rợ"
"Cà-lang-bí-rợ" thực chất không phải là một cụm từ khó hiểu khi tách bạch nó ra thành những thành tố riêng biệt. Cụm từ này chỉ 3 củ, quả thuộc họ dây leo là cà chua, khoai lang và bí rợ. Và câu hát "Bắc kim thang, cà lang bí rợ. Cột qua kèo, là kèo qua cột" chỉ hình ảnh các loại dây leo bám vào nhau cùng sống chung trên một giàn thang cũng như tượng trưng cho mối quan hệ gắn bó lẫn nhau giữa anh bán dầu và bán ếch.
Chi tiết này đi vào Bắc Kim Thang nhưng với hình ảnh của một tấm gương chiếu ngược. Bức màn gia tộc được kéo xuống lột trần cả một bầu trời giả dối và chia rẽ giữa những con người mờ mắt vì ma lực của đồng tiền. Thay vì đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, họ chỉ biết lợi dụng lẫn nhau để phân chia tài sản. Tấm gương vỡ vụn, tất cả các sự thật đen tối cũng theo đó được phơi bày trần trụi.
Có thể nói, đạo diễn đã rất sáng tạo trong việc vận dụng bài đồng dao quen thuộc để làm nên một câu chuyện khác của riêng mình thay vì chọn cách kể lại sự tích về tình bạn quen thuộc. Điều này là một điểm cộng lớn nhưng cũng là điểm trừ đối với những ai đặt quá nhiều kỳ vọng về câu chuyện ẩn sau bài đồng dao sẽ được đưa lên màn ảnh rộng.
Bắc Kim Thang hiện đang công chiếu tại tất cả các cụm rạp trên toàn quốc.