Cảnh hở hang không phù hợp với trẻ vị thành niên, nụ hôn đồng tính, lời thoại nhạy cảm phân biệt giới tính… là những chi tiết dễ khiến người xem bị sốc trong nhiều bộ phim nổi tiếng đến từ xứ sở kim chi.
Khoảng thời gian gần đây, màn ảnh nhỏ xứ Hàn thường xuyên có những cảnh quay "nhạy cảm" dễ khiến khán giả khó chịu. Vốn là nơi có nền văn hóa khép kín và mang nặng tư tưởng Á Đông, điều này càng làm cho người xem khó tiếp nhận và phản đối gay gắt bởi nó không chỉ làm ảnh hưởng đến nền văn hóa quốc gia mà còn gây nhiều tác động tiêu cực lên tâm lý trẻ nhỏ xem đài.
Trẻ vị thành niên và những cảnh quay "người lớn"
Có thể nói, khán giả Hàn là những đối tượng rất khắt khe với việc diễn viên chưa đủ 18 tuổi hoặc các nhân vật đang ở độ tuổi vị thành niên có những hành động “người lớn” trên màn ảnh. Tuy nhiên đi ngược lại với điều tối kỵ này, nhiều nhà sản xuất phim vẫn chọn các diễn viên chưa đủ tuổi thực hiện các cảnh quay "nhạy cảm này.
Đơn cử mới đây nhất là trường hợp của Backstreet Rookie - bộ phim truyền hình vừa lên sóng vào cuối tuần trước. Ngay khi vừa mới ra mắt, tác phẩm này đã phải hứng chịu không ít ý kiến chỉ trích khi để nữ chính Jung Saet Byul (Kim Yoo Jung) chủ động hôn nam chính Dae Hyun (Ji Chang Wook). Tuy nhiên điểm đáng nói ở đây là trong phân cảnh cuộc gặp gỡ với Dae Hyun năm xưa, Saet Byul mới chỉ đang học cấp 3. Theo nhận xét của nhiều người, hành dộng chủ động hôn của cô nữ sinh trung học cấp 3 không phù hợp với trẻ vị thành niên, bởi Dae Hyun hơn Saet Byul nhiều tuổi. Hơn nữa, lý do nữ chính đột nhiên khóa môi nam chính khá lãng xẹt: chỉ vì Dae Hyun là người đầu tiên bảo cô hãy bỏ thuốc lá đi.
Bộ phim còn bị ném đá nặng nề khi có nhiều góc quay thiếu tinh tế đối với phân đoạn các nữ sinh cấp 3 đi hát karaoke. Đó là góc máy được quay từ dưới lên, rồi lia qua phần ngực của các nhân vật nữ trong lúc họ đang thể hiện một ca khúc gợi cảm và mặc váy ngắn. Điều này cuối cùng đã gây khó chịu đối với nhiều người xem đài.
Không chỉ Backstreet Rookie, còn có nhiều bộ phim vấp phải nhiều chỉ trích vì để trẻ vị thành niên thực hiện những cảnh quay "người lớn". Trong đó phải kể sự kiện tác phẩm truyền hình nổi tiếng Mây họa ánh trăng (2016) từng bị Ủy ban tiêu chuẩn Truyền thông Quốc gia Hàn Quốc (KCSC) “sờ gáy” vì phân đoạn nữ chính Hong Ra On (Kim Yoo Jung) giả trai, phải quấn vải bó ngực. Tuy nhiên góc máy quay cảnh này lại được "zoom cận" vào vòng một của nữ diễn viên Kim Yoo Jung mà khi ấy cô chỉ mới 17 tuổi.
Six Flying Dragons (2015) cũng vướng tranh cãi tương tự Mây họa ánh trăng khi có cảnh cô bé Yeon Hee (Park Shi Eun) bị một gã đàn ông lớn tuổi cưỡng hiếp trước mặt Ddang Sae (Yoon Chang Young) - cậu bé cô yêu mến.
Có thể thấy với người lớn, việc đóng cảnh cưỡng hiếp đã là một thách thức về mặt tâm lý. Nhưng liệu có ổn không khi cảnh quay đó được thực hiện bởi các diễn viên nhí? Câu trả lời đã quá rõ ràng rằng các cảnh quay nhạy cảm nàycó thể tác động xấu tới tinh thần của các ngôi sao nhỏ tuổi.
Những cảnh khoe thân quá lố
Nổi tiếng với việc khắt khe trong khâu tiếp nhận, các khán giả Hàn Quốc thường xuyên chỉ trích những bộ phim dùng các cảnh 18+ để thu hút người xem.
Một trong số đó có thể kể đến cảnh ân ái của Son Oh Gong (Lee Seung Gi) và Jin Sun Mi (Oh Yeon Seo) trong Hoa du ký (2018). Cụ thể, cảnh quay này khiến người xem "bỏng mắt" vì quay cận vào bộ quần áo của hai nhân vật chính trên sàn nhà, sau đó cặp đôi đứng ôm nhau ngắm cảnh trong khi hai người chỉ quấn mỗi một chiếc chăn.
Lối quay zoom cận vào bộ phận nhạy cảm của diễn viên nữ từng khiến The King's Doctor nhận “cơn mưa gạch đá” của khán giả. Ở phân đoạn nhân vật Seo Eun Seo (Jin Bo Ah) được bác sĩ phẫu thuật loại bỏ khối u ở ngực, đạo diễn cho quay tập trung vào phần ngực của nữ diễn viên, khiến vòng một vốn chỉ được che đậy hờ hững của cô dường như chiếm trọn khung hình.
Thư sinh bóng đêm cũng làm phật lòng một bộ phận người xem bởi cảnh tượng nam chính Kim Sung Yeol (Lee Jun Ki) ngắm nhân vật nữ Jo Yang Sun (Lee Yoo Bi) thay đồ, để lộ một phần vòng một. Mọi hành động của cô từ lúc cởi bỏ lớp vải bó ngực (dùng khi cải trang thành nam giới), cho đến khi mặc trang phục nữ nhi đều lọt vào tầm quan sát của Sung Yeol.
Lời thoại nhạy cảm liên quan tới giới tính
Không chỉ cảnh quay, nếu để lọt một vài lời thoại động chạm đến vấn đề giới tính, phim Hàn cũng có thể gặp rắc rối. Điển hình cho trường hợp này là Quân vương bất diệt (tựa gốc: The King: Eternal Monarch). Tác phẩm này cuối cùng khi ra mắt đã bị Ủy ban tiêu chuẩn Truyền thông Quốc gia Hàn Quốc nhắc nhở vì những lời thoại chứa đựng định kiến về đàn ông và phụ nữ.
Cụ thể ở tập 1 của loạt phim, nhân vật nữ thủ tướng Koo Seo Ryeong (Jung Eun Chae) vô tư tuyên bố trước mặt mọi người: “Áo ngực không gọng không giúp tôi nâng ngực được”. Cũng trong tập phim này, ở cảnh hoàng đế Lee Gon (Lee Min Ho) cùng đồng đội thi đua thuyền ngoài trời, một số khán giả nữ theo dõi trận đấu trực tiếp đã phấn khích buông lời nhận xét: “Đàn ông đúng là nên mặc ít vải và vận động nhiều vào”. Những lời thoại có phần "vô duyên" này được đánh giá là có đụng chạm đến vấn đề về giới tính và đáng lẽ không nên xuất hiện trong một bộ phim có lượng người xem đông đảo, nhất là trẻ nhỏ.