Tổng hợp những tựa phim đắt giá nhất mọi thời đại (Phần 1)
Không chỉ có kinh phí đầu tư cao, doanh thu khủng mà các bộ phim này còn được công chúng bầu chọn là những tựa phim đắt giá nhất mọi thời đại.
1. John Carter
Kinh phí: 263 triệu USD
Doanh thu: 284 triệu USD
John Carter được kỳ vọng sẽ mở ra loạt phim mới cho Nhà chuột Disney tuy nhiên sản phẩm khi hoàn thành và được ra mắt khán giả lại mang về một nỗi thất vọng lớn và trở thành một trong những quả "bom xịt" để đời cho hãng phim.
Mặc dù có kinh phí đầu tư cao, cốt truyện ổn với nội dung xoay quanh chuyến hành trình du ngoạn vào không gian đầu tiên của John Carter - một cựu chiến binh tới từ Virginia, thế nhưng tác phẩm lại không được giới phê bình lẫn người xem đánh giá cao bởi hàng loạt những điểm trừ đáng lẽ ra không nên xuất hiện trong một bom tấn như mạch truyện phi logic, kỹ xảo kém, thiếu sáng tạo...
2. Solo: A Star Wars Story
Kinh phí: 275 triệu USD
Doanh thu: 392 triệu USD
Dự án khủng này trước khi ra mắt người xem đã gặp nhiều trục trặc xoay quanh quá trình sản xuất. Đó là khi hai đạo diễn Phil Lord và Chris Miller nghỉ việc vì những bất đồng sáng tạo, Ron Howard tiếp tục đã thực hiện nốt bộ phim này. Theo thông tin từ tờ Variety, công sức của Ron Howard chiếm 70% bộ phim.
Có cùng mức kinh phí là Star Wars: The Rise of Skywalker với doanh thu 1,1 tỷ USD.
3. Tangled
Kinh phí: 260 triệu USD
Doanh thu: 592 triệu USD
Tangled - bộ phim về nàng công chúa tóc mây Rapunzel nổi tiếng - được đánh giá là một trong những bộ phim hoạt hình 3D đắt nhất do Disney đầu tư sản xuất. Chi phí cao là do sự kết hợp phức tạp giữa phong cách vẽ tay cũ với kỹ xảo máy tính. Mái tóc dài bóng mượt của Rapunzel cũng khiến hãng phim phải mạnh tay chi tiền và tốn nhiều công sức. Cuối cùng tác phẩm đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt và trở thành một trong những tác phẩm hoạt hình thành công nhất của Disney.
4. Transformers: The Last Knight
Kinh phí: 239 triệu USD
Doanh thu: 605 triệu USD
Phần phim thứ năm nằm trong loạt phim của thương hiệu Transformers nổi tiếng ngay khi vừa ra mắt đã nhận về không ít những nhận xét trái chiều. Thế nhưng tác phẩm vẫn được công nhận là xứng đáng với những gì nhà sản xuất đã đầu tư bởi sở hữu một cốt truyện đột phá, có chiều sâu hơn những phần phim trước, kỹ xảo đỉnh cao mang lại phần nhìn vô cùng mãn nhãn.
Với công nghệ máy quay IMAX 3D mới và kinh phí làm phim khổng lồ hơn 200 triệu USD, đạo diễn Michael Bay đã hoàn toàn nhấn chìm khán giả trong bữa tiệc cháy nổ và kỹ xảo hoành tráng, đây cũng chính là một trong số những lý do kéo người xem ra rạp mà không cần quan tâm quá nhiều đến nội dung cốt truyện.
5. Justice League
Kinh phí: 300 triệu USD
Doanh thu: 657 triệu USD
Cũng như một số bộ phim khác, bom tấn Justice League cũng gặp nhiều trục trặc trong khâu sản xuất khi đạo diễn Josh Whedon thay thế chỗ của Zack Snyder làm lại bộ phim sau khi vị đạo diễn phải trải qua một cú sốc lớn bởi biến cố gia đình.
Tuy nhiên, sản phẩm không được đánh giá cao, khán giả liên tục yêu cầu hãng phát hành bản phim do Snyder thực hiện trước đó. Để chiều lòng người hâm mộ, bản phim này sẽ chính thức được ra mắt trên kênh HBO Max vào năm 2021 với nhân vật phản diện hoàn toàn mới.
6. Batman v Superman: Dawn of Justice
Kinh phí: 263 triệu USD
Doanh thu: 873 triệu USD
Là phần phim siêu anh hùng với nội dung gần gũi với...trẻ nhỏ, Batman v Superman: Dawn of Justice đã không được đánh giá cao về mọi mặt. Thậm chí tác phẩm này còn được đề cử tới 8 giải thưởng phim... tệ nhất trong năm - Mâm Xôi Vàng.
Ngoài khoảng 263 triệu kinh phí sản xuất, tờ Hollywood Reporter ước tính bom tấn đã tiêu tốn thêm khoảng 150-160 triệu USD cho toàn bộ chiến dịch marketing trước và sau khi phim công chiếu. Mặc dù tiêu tốn số tiền khổng lồ, doanh thu phim không đạt mức tỷ đô, thế nhưng Batman v Superman: Dawn of Justice vẫn luôn nằm trong top những tựa phim đắt giá nhất mọi thời đại.
7. Spider-Man 3
Kinh phí: 258 triệu USD
Doanh thu: 894 triệu USD
So với hai phần phim trước về loạt phim Người Nhện do nam diễn viên Tobey Maguire thủ vai, Spider-Man 3 nhận được thành công nhiều hơn cả. Nguyên nhân chủ yếu có lẽ vì cốt truyện ngày càng lôi cuốn, có chiều sâu và nhân vật phản diện được đầu tư kỹ xảo khủng.
Khi chia sẻ về việc lý do vì sao quyết định đầu tư cho Spider-Man 3 ngân sách cao hơn hai bộ phim trước đó, nhà sản xuất Laura Ziskin cho biết: "Ngân sách hiệu ứng hình ảnh cao hơn 30%. Tôi nghĩ điều đó được phản ánh qua số lượng các pha hành động và sự cầu kỳ để tạo ra nhân vật Người Cát".
Bài cùng chuyên mục