Tượng Vàng Oscar xưa nay luôn được xem là giải thưởng danh giá đáng mơ ước của các nhà làm phim, đồng thời cũng là danh hiệu đáng tự hào của làng điện ảnh thế giới. Hàng loạt những tựa phim đã góp mặt trong "bảng vàng" này và đây là danh sách những cái tên đình đám bạn không thể bỏ lỡ.
On the Waterfront (1954)
Đây là bộ phim khắc hoạ những vấn đề nóng bỏng như nạn nói, nạn vô gia cư cùng những vấn đề chính trị - xã hội khác. Chuyện phim xoay quanh Terry Malloy (Marlon Brando) - một cựu chiến sĩ tiên phong đấu tranh chống tham nhũng tại New York. Tuy nhiên, hiện thực phũ phàng cho thấy Terry chỉ là chân sai vặt ở bến tàu cho một tên trùm đồi bại - Johnny Friendly. Về sau, anh trở thành nhân chứng trong vụ giết người mà chính tên trùm này là bị can và góp phần đưa sự thật ra ánh sáng.
Đây là bộ phim đã đạt đến 8 giải Oscar vào năm 1954 và lọt top những bộ phim hay nhất mọi thời đại dù chỉ là phim trắng đen. Đây cũng là bệ phóng đưa tên tuổi Marlon Brando lên một tầm cao mới và Terry Malloy cũng trở thành vai diễn để đời của ông. Giai đoạn sau, khán giả biết đến Marlon Brando khi ông góp mặt vào The Godfather phần đầu tiên. Bộ phim này cũng góp mặt vào "bảng vàng" Oscar nhiều năm sau đó.
Ben-Hur (1959)
Là bộ phim sử thi của Hoa Kỳ, Ben-Hur được thực hiện dựa trên tiểu thuyết Ben-Hur: A Tale of the Christ năm 1880 của nhà văn Lew Wallace. Với kinh phí đầu tư đắt đỏ bậc nhất thời điểm bấy giờ, cuộc đua xe chariot (xe 2 bánh không mui do ngựa kéo) dài 9 phút, đã trở thành một trong các cảnh quay nổi tiếng nhất của điện ảnh thế giới.
Chuyện phim lấy bối cảnh vào khoảng năm thứ 26 sau Công nguyên, kể về một ông hoàng, một nhà buôn giàu có ở Jerusalem - Judah Ben-Hur (Charlton Heston). Nhận vật này có một người bạn thời niên thiếu là Messala (Stephen Boyd) vốn có nguồn gốc La Mã. Với những tư tưởng và chí hướng trái ngược nhau: trong khi Ben-Hur tận tuy với niềm tin về sự tự do cho dân tộc Do Thái thì Messala trung thành với đế quốc La Mã cổ đại, nung nấu ý định hạ sát những người Do Thái chống La Mã, họ trở thành kẻ thù ở hai đầu chiến tuyến. Bên cạnh đó, bộ phim cũng đề cạp đến sự kiện chú Giê-su bị kết án trên thập tự giá, thể hiện màu sắc tôn giáo và đức tin mãnh liệt dành cho Chúa.
12 đề cử, 11 giải Oscar ở các hạng mục cùng hàng loạt danh hiệu danh giá khác đã đưa Ben-Hur trở thành tựa phim huyền thoại của điện ảnh thế giới. Có thể đánh giá đây là tựa phim gần như hoàn hảo, xứng đáng được vinh danh với những kỉ lục khó lòng phá vỡ.
The Sound of Music (1965)
The Sound of Music là bộ phim âm nhạc được làm dựa trên vở nhạc kịch Broadway cùng tên. Không chỉ đoạt Oscar, các tác phẩm âm nhạc trong phim còn được đề cử Giải Grammy cho Album của năm và trở thành một trong những phim ca nhạc đình đám nhất thế giới.
Chuyện phim xoay quanh một nữ tu sĩ ở Áo có niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc tên là Maria. Sau một thời gian ở tu viện, Maria nhận ra nơi đây quá trầm lặng với sở thích ca hát của mình, cô rời đi và tới làm gia sư cho 7 đứa trẻ, con của vị thuyền trưởng hải quân đã goá vợ Georg Ludwig Von Trapp. Sự xuất hiện của cô gái trẻ đã phá vỡ nếp sống "kỉ luật đanh thép" trong quân đội mà người cha áp đặt lên các con, thuần hoá chúng bằng âm nhạc và tình yêu thương chân thành.
Von Trapp từ đó dần thay đổi thái độ đối với Maria và những đứa trẻ, cũng từ đó Maria trở thành một phần quan trọng của gia đình này. Tình yêu giữa nữ tu sĩ và vị thuyền trưởng hải quân lớn dần theo thời gian, 7 đứa con của ông cũng xem Maria như một phần không thể thiếu nhưng để được bên nhau, họ phải vượt qua nhiều thăng trầm, sóng gió, những chuyển biến thời cuộc (Đức Quốc xã - Áo) và nghịch cảnh.
The Godfather (1972)
The Godfather hay còn gọi là Bố Già là bộ phim khá quen thuộc với khán giả Việt Nam. Đây là tựa phim được thực hiện dựa trên tiểu thuyết hình sự cùng tên xoay quanh những câu chuyện gia đình mafia gốc Ý Corleonetrong khoảng 10 năm từ 1945 đến 1955.
Tựa phim có tổng cộng 3 phần, lần lượt ra mắt vào năm 1972, 1974 và 1990. Phần đầu tiên của bộ phim mang về 3 giải Oscar, phần tiếp theo 6 giải và dù không có được thành tựu như hai người tiền nhiệm, song phần thứ ba của loạt phim vẫn nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn.
Về sau, bộ phim luôn xuất hiện trong top đầu những bảng xếp hạng, đánh giá uy tín, đồng thời trở thành một trong những tác phẩm hay nhất của lịch sử điện ảnh.
One Flew Over The Cuckoo's Nest (1975)
Thêm một tựa phim khác có được thành tựu đáng kể khi chuyển thể từ tiểu thuyết là One Flew Over The Cuckoo's Nest. Được thực hiện dựa trên tựa tiểu thuyết cùng tên, chuyện phim khắc hoạ cuộc đấu tranh giữa khao khát tự do và nỗi sợ hãi của các bệnh nhân tại một trại điều dưỡng tâm thần. Đây cũng là tựa phim hiếm hoi thứ hai sau It Happened One Night (1934) giành cả năm giải Oscar quan trọng - Big Five (Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, Nam - Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất). Cho đến năm 1991, Sự im lặng của bầy cừu mới nối tiếp kỉ lục này.
Được hình dựa trên bi kịch tâm lý của con người cùng những hình ảnh biểu trưng, mang tính hình tượng cao, bộ phim chạm đến ngưỡng nghệ thuật đỉnh cao, đồng thời phô bày nội dung cùng lối kể đơn giản, trực tiếp.
Annie Hall (1977)
Là bộ phim thuộc thể loại tình cảm - hài - lãng mạn, những tưởng Annie Hall chỉ đơn thuần phát triển cốt truyện về tình yêu nhưng đây lại chính là điều mà nhiều người đã ngộ nhận. Ít ai ngờ rằng tựa phim này được thực hiện dựa trên sự tương phản về xã hội mà hai thành phố New York và Los Angeles là ví dụ điển hình, sự tương phản về giới tính dựa trên chủ nghĩa hiện đại với góc nhìn phân tâm học.
Nghe qua có vẻ đao to búa lớn nhưng đó là lý thuyết dành cho các nhà chuyên môn. Cốt truyện vốn dĩ khá đơn giản, Annie Hall kể về Alvy Singer (Woody Allen) - một diễn viên hài có vẻ ngoài kém hấp dẫn, lập dị, có nhiều tật xấu, hay than phiền, bảo thủ nhưng thông thái. Đây được xem là hình mẫu cho mọi vai diễn của ông. Alvy có một mối quan hệ yêu đương với Annie Hall (Diane Keaton) - hình mẫu bạn gái lý tưởng trên màn ảnh: một người trẻ trung, xinh đẹp, thông minh, thi thoảng hơi đãng trí, có một tình yêu nồng nhiệt ban đầu nhưng nhanh chóng biến thành nỗi bực tức về sau đó. Trong phim của Allen, phụ nữ thường phải là người chịu đựng, nhưng đến cuối cùng, họ luôn trở thành người làm chủ và cất lên tiếng nói của mình.
Với tư tưởng cấp tiến, sẵn sàng vượt ra khỏi giới hạn và khuôn khổ, Annie Hall đã giành về 3 giải Oscar ở các hạng mục quan trọng: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất.
Dances with Wolves (1990)
Đây là phim điện ảnh sử thi Viễn Tây của Mỹ được làm dựa theo tiểu thuyết cùng tên với nội dung kể về một viên trung úy quân đội Mĩ thời nội chiến. Anh đi tới biên giới Mĩ để tìm một đồn quân sự, rồi được bộ lạc người da đỏ Sioux cưu mang. Ngày qua, anh dần trở thành một phần của bộ lạc và quên đi bản năng cũng như cuộc sống của người hiện đại cho đến khi quân đội Fort Sedgewick đặt chân đến vùng đất này và tìm ra anh. Người lính đứng giữa ngã ba đường, buộc phải đưa ra chọn lựa nghiệt ngã.
Bên cạnh giành về bảy giải Oscar, tựa phim này còn được Thư viện Quốc hội Mỹ lựa chọn để bảo tồn tại Viện lưu trữ phim quốc gia Hoa Kỳ vì "có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử hoặc thẩm mĩ". Bên cạnh đó, đây cũng được xem là nguồn cảm hứng cho sự hồi sinh thể loại phim Viễn Tây ở Hollywood.