Gần đây, những bộ phim về dịch bệnh bất ngờ hot trở lại khi Covid-19 đang tấn công hầu hết các quốc gia trên Thế giới. Tốc độ lây lan nhanh, tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, sự rối ren và hỗn loạn hiện tại trên thực tế có nhiều nét tương đồng với các bộ phim về đại dịch sau đây.
Contagion (2011)
Là một bộ phim giả tưởng thất bại tại phòng vé vào thời điểm ra mắt, song Contagion lại bất ngờ hot trở lại khi Covid-19 bùng nổ trên toàn cầu như một lời tiên đoán về đại dịch ở hiện tại. Dù ra mắt cách đây gần nửa thập kỉ song Contagion như một chiếc gương phản chiếu tất cả tình hình của thế giới trong năm 2020. Những điểm tương đồng nhiều đến mức không ngờ được, từ triệu chứng của "bệnh lạ" cho đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội,...
Chuyện phim kể về một phụ nữ trở về nhà tại Mỹ sau chuyến công tác Hong Kong và có những biểu hiện của bệnh cảm cúm. Dù được đưa đến bệnh viện nhưng ít ngày sau, cô đã không qua khỏi và con trai cô cũng mắc bệnh từ mẹ mà qua đời. Người phụ nữ này được đánh số là "bệnh nhân số 0", căn bệnh không chỉ dừng lại ở gia đình này mà còn lan nhanh với tốc độ không thể kiểm soát. Giới chức trách Hoa Kỳ bất lực trước những nhiễu nhương trên mọi lĩnh vực. Mọi thứ đang cận kề khủng hoảng thì một tổ chức có tên CDC tìm ra nguồn bệnh. Đây như thể là tia sáng cuối đường hầm đối với người dân Mỹ.
Deranged (2012)
Bộ phim đề cập đến một loại ký sinh trùng luôn không ngừng biến đổi có tên “Yeongasi” hay “trùng lông bờm ngựa” có khả năng xâm nhập não bộ và phá huỷ hệ thống vật chủ. Không thể tìm ra nguồn gốc lẫn phương pháp điều trị, giới chức trách Hàn Quốc buộc phải thông báo tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Trong khi đó, nhân viên bán hàng vật tư y tế Jae Hyuk (Kim Myung Min) phát hiện gia đình mình dường như cũng mắc bệnh khi có các triệu chứng điển hình.
Trên thực tế, loại ký sinh này chưa có vắc xin đặc trị hay phương pháp nào có thể triệt tiêu tận gốc. Tuy nhiên, khi những lời đồn đoán có một loại thuốc trị giun có thể trị khỏi cắn bệnh, người người nhà nhà đã đổ xô đi mua, tạo nên khung cảnh vô cùng bát nháo và hỗn loạn trước cửa hiệu thuốc.
Không những thế, các hiệu thuốc còn đầu cơ tích trữ, gây nên hiệu ứng số đông vô cùng tiêu cực mà cụ thể lạ hiện tượng "cơn sốt ảo". Việc làm này đã giúp các doanh nghiệp bất lương đút túi riêng hàng tỉ won trong lúc Đại Hàn Dân Quốc gặp cảnh rối ren.
The Flu (2013)
Một dịch bệnh lây qua đường hô hấp đã khiến nhiều người mất mạng chỉ sau vài ngày nhiễm virus ở Hàn Quốc. Lúc này bác sĩ Kim In Hae (Soo Ae) gánh vác trọng trách tìm ra thuốc điều trị cho người dân và cả cô con gái đang mắc bệnh của mình.
Tuy nhiên, trong cảnh khủng hoảng, giới chức trách Hàn Quốc quyết định đóng cửa cách y toàn thành phố, đồng thời dùng những phương án vô nhân đạo: chôn sống, hoả thiêu những người mắc bệnh để ngăn chặn dịch lây lan.
Điều này đặt bác sĩ Kim vào tình uống đầy áp lực, cô buộc phải tìm ra thuốc chữa nếu không con gái cô và cả thành phố sẽ bị tiêu huỷ. Mạch phim nhanh, khiến người xem liên tục bị đặt vào những tình huống hồi hộp, căng thẳng.
Train to Busan (2016)
Tại thời điểm ra mắt, Train to Busan đã giành được nhiều lời khen từ giới chuyên môn cũng như khán giả khi mang đến một bức tranh xã hội trần trụi đến khó tin khi tai hoạ ập xuống.
Dịch bệnh kì lạ biến con người thành những zombie khát máu. Tất cả hành khách trên chuyến tàu đến Busan phải chiến đấu để sinh tồn khi lũ xác sống ngày càng tăng lên về số lượng bởi những ai vô tình bị cắn đều sẽ trở thành zombie.
Kịch bản vừa vặn, trọn vẹn và đầy đủ đã khắc hoạ một bức tranh về tình người và hàng loạt những vấn đề đạo đức khác trong xã hội.