Lịch sử điện ảnh Hollywood trong suốt thời gian qua đã nhiều lần ghi nhận những màn đầu tư khủng đến từ các nhà sản xuất phim. Thế nhưng liệu chúng có xứng đáng với danh xưng "đắt xắt ra miếng"?
Đầu tư kinh phí là chuyện không thể tránh khỏi đối với bất kỳ nhà làm phim nào. Thế nhưng kinh phí đầu tư lại tùy thuộc vào mỗi dự án, mỗi nhà sản xuất khác nhau. Có người sẵn sàng chi con số "khủng" chỉ để đổi lại những phân cảnh hoành tráng và dù thế nào, điều đó chắc chắn sẽ ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người hâm mộ.
Hãy cùng điểm qua tiếp một số phân cảnh "đắt xắt ra miếng" trong lịch sử làng điện ảnh Hollywood trong suốt nhiều thập niên qua nhé!
Cảnh cầu sập trong I am Legend (2007)
Là bộ phim lấy đề tài hậu tận thế, I am Lengend xoay quanh trận chiến của con người trong tình hình đại dịch virus đang bùng phát mạnh mẽ. Khi ấy để phong tỏa nơi này, quân đội của thành phố New York đã quyết định đánh sập cầu Brooklyn.
Cảnh quay hoành tráng trong phim được dựng công phu và hoàn toàn có thực ngoài đời. Được biết, các khu dân cư trong khu vực ghi hình và các vùng lân cận đã được sơ tán trong 6 đêm để ekip tiến hành quay phim. Không những thế, để thực hiện được cảnh quay, nhà sản xuất còn phải nhận được sự chấp thuận của 14 cơ quan hành chính khác nhau.
Ngoài ra, việc ghi hình ban đêm cũng đòi hỏi sự đầu tư ánh sáng đắt đỏ cũng như đội kỹ thuật viên lên tới 250 người. Tổng số tiền đoàn phim đã tiêu tốn cho cảnh quay đầy cảm xúc lên tới 5 triệu USD.
Cảnh đâm tàu trong Speed 2: Cruise Control (1997)
Trong phim Speed 2: Cruise Control (1997), cảnh phim một con tàu đâm vào một thị trấn yên bình trên đảo Saint Martin đã khiến người xem bất ngờ vì tính chân thực của nó. Đặc biệt là vào năm 1997 khi đồ họa vi tính hay hiệu ứng kỹ xảo CGI vẫn còn là một kỹ thuật đắt đỏ, xa xỉ và chưa đạt tới độ hoàn thiện. Do đó, nếu thực hiện vụ đâm tàu bằng công nghệ đồ họa, kinh phí làm phim Speed 2 sẽ bị đội lên tới 500 triệu USD.
Do đó, nhà sản xuất đã đi đến phương án xây dựng một bản sao 2/3 chiều dài con tàu, trong khi phần còn lại sẽ được tạo ra bằng đồ họa vi tính. Cách làm quả thực đã giúp kinh phí làm phim giảm xuống đáng kể, nhưng vẫn là một con số gây ngỡ ngàng với lịch sử Hollywoo thời bấy giờ.
Được biết, chỉ 5 phút phim tái hiện khung cảnh tai nạn hoang tàn trên màn ảnh đã tiêu tốn của nhà sản xuất 25 triệu USD - chiếm đến 83% kinh phí sản xuất cả phần phim Speed đầu tiên ra mắt vào năm 1994 trước đó.
Cảnh đoàn xe triệu đô truy đuổi nhau trong Spectre (2015)
Kinh phí phần phim thứ 24 xoay quanh cuộc đời của điệp viên nổi tiếng James Bond được tiết lộ dao động trong khoảng từ 300-350 triệu USD. Trong đó 32 triệu USD chỉ để dành riêng cho việc... phá hủy loạt siêu xe đắt tiền.
Cụ thể, trong cảnh phim James Bond lái máy bay đuổi theo đoàn xe đang leo núi tuyết, giá trị của các phương tiện sử dụng trong cảnh phim, chưa bao gồm bảo hiểm và các chi phí liên quan, đã lên tới gần 1,5 triệu USD.
Chưa dừng lại ở đó, Spectre có sự tham gia của Daniel Craig còn được xếp vào một trong số những dự án khủng khi sở hữu nhiều phân cảnh đắt đỏ khác. Một trong số đó có lẽ phải kể đến đoạn Bond lái chiếc Aston Marton DB10 lướt như bay qua những đường phố nhỏ hẹp của Vatican với tốc độ tối đa trong cuộc truy đuổi gã phản diện lái chiếc Jaguar.
Được biết, 7/10 chiếc xe dùng cho việc ghi hình cảnh quay đã bị hư hại. Tổng số tiền hãng phim rót vào việc ghi hình trường đoạn chưa bao giờ được công bố. Tuy nhiên, có thể dễ dàng ước tính con số đã lên tới nhiều triệu USD.