Có đáng không khi gọi Joker của Joaquin Phoenix là phiên bản phản diện hoàn hảo nhất?

Trong suốt hơn 80 năm qua, đã có nhiều phiên bản kẻ thù truyền kiếp của Batman. Bên cạnh vai diễn của cố diễn viên Heath Ledger được nhiều người yêu thích, phiên bản Joker do Joaquin Phoenix thủ vai trong bộ phim độc lập cùng tên của đạo diễn Todd Phillips được đánh giá là phiên bản hoàn hảo nhất.

Sự hấp dẫn của bộ phim trước tiên đến từ việc xoay quanh biến chuyển nội tâm của Hoàng tử tội phạm. Đó là quá trình đấu tranh vật vã với căn bệnh về tâm lý và sự tàn bạo của xã hội Gotham đương thời đã đẩy Arthur Fleck từ một người "bình thường" thành kẻ khủng bố mang danh nghĩa Joker.

Phiên bản này đã thực sự giành được rất nhiều lời khen ngợi từ các nhà phê bình và khán giả song sự so sánh với phiên bản trước là điều không thể tránh khỏi. Dẫu vậy, nhân vật Joker của Joaquin Phenix vẫn mang những giá trị riêng. 

1. Phiên bản tội phạm thực tế

Đã có nhiều phiên bản Joker nhưng mãi cho đến khi nhân vật của Joaquin Phoenix ra mắt, khán giả mới nhận ra rằng đây là phiên bản tội phạm được chuyển thể chân thực nhất. Đó là con người vẫn hằng ngày vẫn vật lộn với cuộc sống mưu sinh và căn bệnh về tâm lý. Như bao gnười bình thường khác, hạnh phúc là mục tiêu sống của Arthur.

Thế rồi xã hội đã đẩy Arthur thành một gã tội phạm. Phiên bản của Joaquin Phoenix dù không được nhiều người yêu thích như người tiền nhiệm Heath Ledger song nó vẫn làm tốt vai trò của nó. Đó chính là bóc trần hiện thực xã hội và tâm lý của một gã sát nhân điên cuồng.  

2. Giải quyết các vấn đề mang tính thời sự

Siêu anh hùng nói chung từ lâu không phải là thể loại dùng để giải quyết bất kỳ vấn đề thời sự nào, nhưng với Joker thì có. Khu dân cư của thành phố Gotham nơi Arthur Fleck / Joker sống gợi nhớ đến tiểu bang New York vào đầu những năm 80 - đầy bất ổn dân sự trong một cuộc khủng hoảng giai cấp đang gia tăng do sự bất bình đẳng và thu nhập.

Trong phim, các dịch vụ chăm sóc y tế bị cắt giảm, bạo động xảy ra thường xuyên trong khi các nhà cầm quyền thì bình thản tập trung vào các cuộc vận động tranh cử. Đây là những khái niệm chúng ta thường không coi là một phần của các thành phố trong truyện tranh hư cấu nhưng chúng lại là một tấm gương về phản ánh những thực trạng chính trị, kinh tế bất ổn có liên quan đến xã hội ngày nay.

3. Mối quan ngại về các căn bệnh tâm lý

Joker diễn ra vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, đây là thời điểm nhạy cảm của các loại bệnh về tâm thần. Người mắc bệnh phải sống trong ánh mắt kì thị và xa lánh của mọi người. Sẽ ra sao nếu xã hội đòi hỏi một người mắc bệnh tâm thần phải cư xử như một người bình thường? Joker đã khéo léo thể hiện được ý đồ ấy. 

Bằng cách cho Arthur Fleck một căn bệnh tâm thần thực sự (Pseudobulbar Affect), màn trình diễn của Phoenix không chỉ thể hiện rõ hơn nét tâm lý của một người bệnh mà còn tiết lộ chính xác hơn những xáo trộn cuộc sống của một công dân bệnh tâm thần bị tước hết các quyền bình đẳng trong xã hội. 

4. Một nhân vật vừa đơn giản vừa phức tạp

Chúng ta sẽ không bao giờ biết Heath Ledger sẽ làm gì tiếp theo với phiên bản Joker của mình nhưng Joaquin Phoenix đã tạo ra một nhân vật dễ đoán: biến đổi từ thiện đến ác nhưng vừa đáng thương lại vừa đáng trách.

Arthur Fleck thực chất chỉ là một người đàn ông như bao người bình thường khác khi cuộc sống hằng ngày chỉ quanh quẩn trong làm việc và chăm sóc mẹ già, ước mơ về một tình yêu giản dị. Chỉ có nét phức tạp về tâm lý cộng thêm tác động quá lớn từ môi trường khiến nhân vật hình thành nên nhân cách Joker.

5. Không cần Batman, phiên bản Joker của Joaquin Phoenix vẫn tồn tại

Joker đã được đạo diễn Todd Phillips xác nhận là một bộ phim tách biệt với DCEU và đó cũng là lí do mà sự góp mặt của Batman trong phim chỉ mang tính gợi nhắc tất yếu. 

Như chúng ta đã biết, các phiên bản Joker khác tồn tại bởi sự hiện diện của Batman. Nhưng kẻ thù chính của Joker của Phoenix là xã hội và sự bất bình đẳng, điều này cho phạm vi hoạt động của nhân vật này rộng rãi hơn nhiều.

Bài cùng chuyên mục