Hãy xem các chuyên gia giải đáp thế nào về trường hợp "đuôi mọc sai chỗ" của chú chó này.
Như đã đưa tin, thời gian gần đây cư dân mạng đã liên tục bị đốn tim bởi đoạn video hết sức đáng yêu về Narwhal - chú cún bị dị tật bẩm sinh có biệt danh là "kỳ lân" tại bang Missouri, Hoa Kỳ.
Narwhal thực ra xét trên nhiều góc độ cũng chẳng khác gì một chú chó con bình thường. Chú khỏe mạnh, biết đùa nghịch, biết cảm nhận tình cảm khi được con người ôm hôn. Dị tật duy nhất của chú là ngay giữa trán bỗng mọc ra một chiếc đuôi nhỏ mà thôi.
"Khi thấy chiếc đuôi ấy, chúng tôi cảm thấy hết sức háo hức," - Rochelle Steffen, người sáng lập ra tổ chức chăm sóc động vật Mac's Mission tại bang Missouri, Hoa Kỳ cho biết. Đây là một tổ chức hướng đến những chú chó cần đến sự chăm sóc đặc biệt do bị bạo hành, chấn thương, hoặc do dị tật bẩm sinh.
Theo Steffen, tổ chức đã từng phải tiếp nhận những trường hợp hết sức kinh khủng, như chó bị trúng đạn, bị đuổi đánh, hoặc bị bỏ rơi. Bản thân Narwhal cũng là một con chó bị bỏ rơi. Người ta tìm thấy chú đang lang thang trên đường phố một mình giữa tiết trời mưa tuyết, 2 ngón chân bị bỏng lạnh, còn bụng thì đầy giun sán. Sau khi chăm sóc, sức khỏe của chú nay đã ổn định hơn.
Qua quan sát, Narwhal có vẻ là con lai, giữa dachshund và golden retriever. Chú có đôi chân nhỏ đặc trưng của dachshund, nhưng sở hữu một bộ lông mượt, dài màu nâu sáng, cùng cái đầu của golden.
Về chiếc đuôi "kỳ lân" trên trán, không một ai trong trung tâm tỏ ý kỳ thị nó cả. Thậm chí, Steffen còn cảm thấy khá thất vọng vì chiếc đuôi ấy không có xương bên trong, nghĩa là không thể vẫy được nữa. Ngoài ra sau khi được Brian Heuring, một bác sĩ thú y tại Cape Small Animal Clinic kiểm tra, chiếc đuôi này cũng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe chú và hoàn toàn không cần cắt bỏ. Bản thân Steffen cũng tự tin cho rằng chiếc đuôi khác biệt kia sẽ không gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của Narwhal.
Nhưng tại sao lại có đuôi mọc trên trán?
Theo Heuring, ông hiện vẫn chưa thể khẳng định lý do gì khiến chú chó mọc ra một chiếc đuôi ngay giữa trán. Tuy nhiên, ông cho rằng căn nguyên có thể nằm ở hiện tượng "hấp thụ thai nhi": khi chú cún anh em của Narwhal không thành hình và bị chính chú ta hấp thụ ngay trong bụng mẹ.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng có 10 - 15% trường hợp chó mang thai có hiện tượng này xảy ra. Khi ấy, những thai nhi khỏe mạnh hơn sẽ hấp thụ một số bộ phận còn sót lại, dẫn đến hiện tượng mọc thừa bộ phận.
Nhưng dù là tại sao, thì hiện tại Narwhal vẫn đang sống hạnh phúc với chiếc đuôi kỳ lân khác biệt của mình. Các chuyên gia cũng chưa có ý định cắt bỏ chiếc đuôi này, để "tôn trọng sự khác biệt".
Tham khảo: Science Alert