"Midjourney China" ra mắt phiên bản beta trên QQ, tiếp cận người dùng Trung Quốc
Liệu Midjourney có thể vượt qua những quy định khắc nghiệt mà Trung Quốc đưa ra?
Midjourney, một công cụ AI có thể tạo ra những bức tranh độc đáo bằng văn bản do người dùng cung cấp, đang tung ra bản thử nghiệm beta tại thị trường Trung Quốc. Ứng dụng sẽ được chạy trên kênh QQ, một nền tảng tưởng tự Discord được phát hành bởi Tencent.
Thông tin trên được chính một công ty có tài khoản là "Midjourney China" đăng tải trên WeChat. Tuy nhiên, thông báo này đột nhiên biến mất sau khi nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ người dùng Trung Quốc. Trong thông báo, ứng dụng Midjourney China sẽ được mở từ 18h thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần, bắt đầu từ ngày 15 tháng 5. Ứng dụng Midjourney China sẽ đóng sau khi đạt một lượng người dùng nhất định, nhằm tránh tình trạng quá tải.
Theo nhiều thông tin được đăng tải, "Midjourney China" thoạt nhìn không khác gì nhiều so với phiên bản trên Discord. Sau khi tham gia Midjourney trên QQ, người dùng có thể tạo ra các bức ảnh bằng cách gõ văn bản tiếng Trung. Tiếp theo, người dùng có thể sửa đổi những hình ảnh này tuỳ thích. Sau 25 bức ảnh miễn phí, người dùng buộc phải trả tiền để nhận các tác phẩm tiếp theo. Hiện tại về phía Midjourney và QQ vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào.
Việc ra mắt một ứng dụng tại Trung Quốc không phải là dễ dàng, đặc biệt là lĩnh vực AI với sự quản lý nghiêm ngặt của quốc gia này. Do đó, không có gì lạ khi thấy các công ty khởi nghiệp nước ngoài hợp tác với các đối tác trong nước, các bên thứ ba giúp vận hành dịch vụ.
Trước đó, để truy cập vào công cụ chuyển văn bản thành hình ảnh thông qua Discord, người dùng buộc phải thay đổi VPN để vượt qua "Tường lửa" của Trung Quốc. Sau đó, để thanh toán cho các đăng ký Midjourney, người dùng không có thẻ tín dụng phải tìm kiếm các đại lý giúp đăng ký và nạp tiền. Thẻ tín dụng không phổ biến ở Trung Quốc vì quốc gia này phần lớn đã chuyển từ tiền mặt sang thanh toán di động.
Trung Quốc, thị trường công nghệ phức tạp
Midjourney China xuất hiện ngay vào thời điểm một số Big Tech của Mỹ đang dần rút khỏi thị trường Trung Quốc vô cùng khắc nghiệt. Vào tuần trước, LinkedIn thông báo sẽ đóng cửa InCareer, một ứng dụng được xây dựng để phù hợp với thị trường của Trung Quốc.
Midjourney có thể sẽ phải đối mặt với thử thách tương tự trong việc đáp ứng các yêu cầu của quốc gia này, trong khi phải cạnh tranh với các đối thủ trong nước với cùng lĩnh vực.
Bất kỳ công ty nước ngoài nào tham gia vào thị trường Trung Quốc cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho các quy định đầy thử thách mà quốc gia này đưa ra. Để bắt đầu, Trung Quốc yêu cầu xác minh tên thật đối với người dùng AI tổng quát, cũng như với hầu như tất cả các dịch vụ internet khác hoạt động trong phạm vi quyền hạn của họ.
“Midjourney China” có thể đã đáp ứng tiêu chí một cách thuận tiện bằng cách chạy trên QQ, nơi tất cả tài khoản người dùng theo mặc định được liên kết với danh tính thực của một người.
Bài cùng chuyên mục