Dịch vụ đọc trộm tin nhắn Zalo, Facebook đang bùng nổ hơn bao giờ hết trên các trang MXH, nhưng liệu nó có thật sự đáng tin hay không
Nếu như bạn tìm kiếm từ khóa "đọc trộm tin nhắn zalo, facebook" thì có thể nhận về cho mình hàng triệu kết quả trên các trang tìm kiếm hiện nay. Thậm chí trên nhiều trang MXH cũng nở rộ loại hình đọc trộm tin nhắn Facebook, Zalo thu hút sự quan tâm của không ít người dùng mạng. Tuy nhiên liệu loại hình dịch vụ này hoạt động như thế nào, có thật sự đáng tin cậy hay không?
Theo như một số quảng cáo mà cộng đồng mạng bắt gặp được thì giá để đọc trộm tin nhắn Zalo, Facebook của một người sẽ có giá trị dao động từ 3-15 triệu VNĐ tùy thuộc vào dịch vụ mà người có nhu cầu muốn thực hiện. Những dịch vụ này thường sẽ được quảng cáo với những nội dung tương tự như nhau, cụ thể là “Hỗ trợ đọc trộm tin nhắn zalo, facebook, lấy lại tài khoản, xong mới thanh toán, không cọc trước”.
Xem thêm: Meta sa thải hơn 11.000 nhân viên từ Facebook, Instagram và WhatsApp
Dù những lời quảng cáo như thế nhưng hầu hết khi liên hệ trực tiếp thì bạn sẽ được yêu cầu một số tiền phí dịch vụ, dao động từ 500.000 cho đến 1 triệu đồng và phải chuyển khoản trước.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Tuấn Anh cũng cho rằng có nhiều trường hợp sau khi đặt cọc hoặc chuyển khoản, người nhận giao dịch sẽ ngay lập tức chặn hoàn toàn tài khoản Facebook, Zalo của bên thuê dịch vụ. Nạn nhân cũng thường không dám chia sẻ với người khác về câu chuyện mình bị lừa, bởi vì mục đích thuê dịch vụ của họ là không hề tốt đẹp gì.
Tất nhiên vẫn có một số trường hợp kẻ gian có thể thực hiện được việc đọc trộm tin nhắn, một phần là do đối tượng được nhắm đến chủ quan, đăng nhập tài khoản MXH cá nhân của mình vào những trang web giả mạo để đánh cắp thông tin. Khi đó kẻ gian sẽ có thể hoàn tất việc đọc trộm tin nhắn và gửi lại toàn bộ thành phẩm cho bên thuê.
Xem thêm: Facebook cảnh báo hàng loạt ứng dụng độc hại mới trên App Store và Google Play có thể đánh cắp thông tin của bạn
Ông Tuấn Anh cũng cho biết thêm rằng
"Không thể đọc trộm tin nhắn hay định vị chủ tài khoản facebook, zalo khi chủ tài khoản đang nắm quyền chủ động tài khoản của mình. Tất cả quảng cáo đó hoàn toàn mang tính chất lừa đảo, lừa tiền cọc của người dùng. Có chăng có hình thức dùng phần mềm và tài khoản ảo cùng một thời điểm báo cáo (report) một tài khoản là giả mạo. Khi đó, facebook sẽ khóa tài khoản đó lại, thì kẻ gian quảng cáo là đánh sập (RIP) được tài khoản đó”
Câu chuyện một người nhấn vào một đường link lạ để rồi bị mất tài khoản, mật khẩu là không hề quá xa lạ. Tuy nhiên vẫn có nhiều người bị mắc bẫy bởi những kẻ gian, chỉ một số ít nhờ vào việc hành động kịp thời nên vẫn có thể lấy lại được tài khoản của mình. Dù vậy những người này vẫn bị mất đi một lượng lớn thông tin cá nhân quan trọng.
Điều này cũng là bài học yêu cầu người dùng các tài khoản MXH nên thực hiện những công tác bảo vệ tài khoản của bản thân, điển hình nhất là việc xác thực đăng nhập 2 lớp. Người dùng cũng tránh việc đăng nhập những tài khoản cá nhân trên những thiết bị lạ, hạn chế việc lưu mật khẩu tự động, thường xuyên kiểm tra nhật ký hoạt động để xem có bất kì hoạt động bất thường nào trong tài khoản của bản thân hay không.
Người dùng cũng nên lưu ý không nên để lộ số điện thoại cá nhân, email, hình chụp căn cước công dân để đăng kí Facebook, Zalo ở bất kì nơi nào. Những trào lưu trên các trang MXH yêu cầu nhấp vào những đường link lạ cũng là thứ mà người dùng mạng nên tránh thực hiện để không để bản thân hối hận sau này.