Apple đã gộp hai ứng dụng Find My Friends và Find iPhone trên iOS thành một ứng dụng duy nhất mang tên Find My, đảm nhiệm vai trò tìm kiếm cả thiết bị và người thân. Ứng dụng này nay cũng có mặt trên macOS.
Tại WWDC 2019, Apple đã chính thức tung ra phiên bản mới của hệ điều hành iOS là iOS 13 và macOS là macOS 10.15 Catalina. Bên cạnh những tính năng nổi bật như Dark Mode trên iOS hay ứng dụng Music thay thế cho iTunes trên macOS, phiên bản mới của cả hai hệ điều hành này còn mang đến một nâng cấp quan trọng liên quan đến khả năng chống trộm.
Apple đã gộp hai ứng dụng Find My Friends và Find iPhone trên iOS thành một ứng dụng duy nhất mang tên Find My, đảm nhiệm vai trò tìm kiếm cả thiết bị và người thân. Ứng dụng này nay cũng có mặt trên macOS.
Tìm kiếm vị trí thiết bị ngay cả khi nó đang ngoại tuyến
Thế nhưng, cải tiến quan trọng hơn đến từ cách thức tìm kiếm thiết bị bị đánh mất hoặc đánh cắp. Trước đây, nếu thiết bị ở trong tình trạng ngoại tuyến, người dùng sẽ lập tức gặp khó khăn và không thể định vị được do quá trình này yêu cầu kết nối Internet.
Điều này sẽ thay đổi với iOS 13 và macOS 10.15 khi Apple cho biết sẽ sử dụng một công nghệ mới cho phép xác định vị trí thiết bị khi nó không được kết nối Internet, hay thẩm chí là cả khi thiết bị đó đang trong trạng thái ngủ (sleep).
Cụ thể, thiết bị macOS và iOS bị mất mặc dù không có kết nối Internet, nhưng vẫn sẽ phát ra tín hiệu bluetooth đến các thiết bị Apple của những người khác trong phạm vi xung quanh. Lúc này, những thiết bị Apple ở xung quanh đó (khả năng cao là có kết nối Internet) sẽ chuyển vị trí của thiết bị đánh mất kia đến với chủ nhân, từ đó nâng cao đáng kể khả năng tìm lại.
Apple nhấn mạnh quá trình giao tiếp giữa các thiết bị Apple với nhau là hoàn toàn bảo mật, khi toàn bộ dữ liệu đều được mã hoá và ẩn danh. Ngoài ra, nó cũng sử dụng một lượng dữ liệu rất nhỏ, không gây tiêu tốn băng thông mạnh và thời lượng pin của thiết bị.
Mac nay cũng có “khoá iCloud”
iCloud Activation Lock, hay còn được biết đến tại là “khoá iCloud”, là tính năng bảo vệ iPhone khỏi tay của những tên trộm và lần đầu được Apple giới thiệu trên iOS 7. Tính năng này khiến cho iPhone bị đánh cắp biến thành “đồ bỏ” và kẻ gian không thể mở khoá được do chúng không biết tài khoản và mật khẩu Apple ID của người dùng. Cho đến nay, iCloud Activation Lock vẫn chưa bị đánh bại (ít nhất là về mặt phần mềm) khiến nhiều tên trộm phải “ngại” khi có ý định đánh cắp.
Nay với macOS 10.15, Apple mang tính năng Activation Lock đến với máy Mac. Cụ thể, Activation Lock sẽ có mặt trên tất cả những chiếc máy Mac được trang bị chip T2. Hiện nay, những máy Mac được trang bị chip T2 bao gồm: MacBook Pro 2018/2019, MacBook Air 2018, Mac mini 2018 và iMac Pro.
Cách thức của AL trên Mac cũng tương tự như trên iOS: khi một máy Mac bị đánh đấu là bị đánh cắp, thông báo yêu cầu nhập Apple ID và mật khẩu sẽ hiện ra và người dùng buộc phải nhập đúng thì mới có thể sử dụng được nó.