Một sự kiện khá hi hữu vừa diễn ra, khi Vorys, đơn vị đại diệp cho Bethesda vừa đưa ra yêu cầu gỡ bỏ một sản phẩm trên Amazon của một người dùng vì lý do anh chàng để tình trạng sản phẩm là "Mới"
Doanh thu của những tựa game cũ đã là một phần trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử từ những ngày đầu, và là thứ mà những công ty như GameStop dựa vào để xây dựng lối kinh doanh của họ. Tuy vậy, đã có vô số các cuộc tấn công vào những tựa game đã qua sử dụng trong nhiều năm, như hành động chấm dứt chương trình Online Pass của EA để buộc người chơi phải mua bản game mới, và kế hoạch chặn các tựa game đã qua sử dụng của Microsoft trên phiên bản Xbox One hiện tại. Nay, dường như đến cả Bethesda cũng ngăn cản việc bán game cũ, ít nhất là khi nó liên quan đến một người bán hàng cụ thể trên Amazon.
Bán game đã qua sử dụng là một phần của ngành công nghiệp trò chơi điện tử
Theo trang Polygon, người dùng tên Ryan Hupp đã đăng bán một phiên bản nguyên tem của The Evil Within 2 trên PS4 thông qua Amazon. Hupp mua game với ý định chơi nó trên một chiếc PS4 mà anh đã dự định mua, nhưng thay vào đó lại chuyển sang nâng cấp PC của mình. Anh chàng cho rằng đĩa The Evil Within 2 của mình thực tế hoàn toàn mới và chưa bị "bóc tem", nên đã đăng lên Amazon để bán với tình trạng là "mới", kết quả là công ty Vorys, đại diện pháp luật của Bethesda, đã gửi cho anh chàng một lá thư đề nghị gỡ bỏ sản phẩm đó khỏi thị trường Amazon. "Trừ khi bạn gỡ bỏ toàn bộ các sản phẩm Bethesda khỏi cửa hàng của bạn, ngừng bán mọi sản phẩm của Bethesda ngay lập tức, và xác định tất cả nguồn các sản phẩm Bethesda mà bạn đang bán, chúng tôi sẽ đâm đơn kiện bạn."
Ryan Hupp đã để tình trạng game của mình là "New", và Bethesda không đồng tình
Lá thư gửi đến Hupp đã đưa đe dọa về một hành động pháp lý nếu anh không loại bỏ tựa game mình đang bán. Theo đó, Hupp được cho là "không phải một người bán lại được ủy quyền", và Vorys buộc tội anh quảng cáo sai sự thật vì anh đã để tình trạng của sản phẩm là "mới". Hupp cũng đã gỡ bỏ bài đăng bán của mình, nhưng trong một phản hồi tới Vorys, anh cho biết việc bán game của anh được bảo vệ bởi First Sale Doctrine, qua đó cho phép người dùng bán lại và cho mượn các sản phẩm có bản quyền, miễn là chúng không bị thay đổi thành "một thứ khác với những sản phẩm có nguồn gốc từ đơn vị sở hữu thương hiệu". Vorys đã "phản pháo" lại rằng bài đăng bán The Evil Within 2 của anh không được bảo vệ bởi luật First Sale Doctrine, khi nó thiếu đi chế độ bảo hành mà các tựa game của Bethesda có, khi chúng được mua mới từ một người bán hàng được ủy quyền, do đó đây bị coi là "sản phẩm khác biệt".
Hầu hết game The Evil Within 2 do người dùng bán ra đều là Used
Theo trang Polygon, lý luận này về cơ bản có thể áp dụng cho toàn bộ các hoạt động mua bán game đã qua sử dụng. Nếu một vụ kiện được đệ trình và vấn đề này bị đưa ra tòa, nó có thể đặt một tiền lệ sẽ khiến cho việc bán game đã qua sử dụng trở thành bất hợp pháp. Bethesda vốn nổi tiếng với sự cứng rắn trong các vụ kiện, vậy nên nếu Hupp không tuân thủ các yêu cầu từ hãng, rất có khả năng hành động pháp lý sẽ được thực hiện. Nhưng hẳn là Bethesda đã không gửi thư đề nghị đến cho Hupp, nếu anh đăng bán tựa game của mình với tình trạng "đã qua sử dụng", ngay cả khi về cơ bản nó vẫn còn "mới", vì một khách hàng sẽ không mong chờ một tựa game cũ có thể có được cơ chế bảo hành như được bán từ một cửa hàng.
KL Jackarl
Theo Gamerant