Có rất nhiều những chi tiết tri ân đầy tinh tế dành cho nhà văn Stephen King trong Alan Wake, trong đó một vài thứ tỏ ra rõ ràng và nổi bật hơn hẳn, và phiên bản Remastered đã góp phần tô điểm thêm cho điều này
Stephen King là một trong những nhà văn tiểu thuyết kinh dị có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại, truyền cảm hứng cho vô số tác phẩm nghệ thuật, cũng như các tựa game khác nhau. Trong số đó, tựa game dành nhiều lời tri ân nhất cho ông chắc chắn là Alan Wake. Ngay cả khi Remedy Entertainment không nhắc đến sức tác động của King, bản thân trò chơi vẫn sở hữu nhiều dấu hiệu rõ nét thể hiện mối liên hệ giữa hai thương hiệu. Dù sao thì, tiền đề của Alan Wake cũng nói về một nhà văn bị ám ảnh bởi chính những sáng tạo của mình trong một thị trấn nhỏ ven biển bí ẩn của Mỹ. Nhiêu đấy thôi đã tạo ra cảm giác của một câu chuyện được lấy ra từ tiểu thuyết do Stephen King viết. Mặc dù bản thân trò chơi cũng mang những nguồn cảm hứng từ các thương hiệu khác như Twin Peaks hay The Twilight Zone, nhưng ngay sau khi khởi động trò chơi, nhiều người sẽ có cảm giác mình đang chơi một tựa game chuyển thể từ một trong những tác phẩm của King vậy.
Mở màn độc thoại
Trong Alan Wake, Alan đóng vai trò người dẫn truyện cho tất cả mọi thứ diễn ra xung quanh, cũng như cung cấp các chi tiết về suy nghĩ và cảm xúc của bản thân liên quan đến những bất ngờ và bước ngoặt khác nhau trong câu chuyện. Game mở màn với một trong những màn độc thoại của Alan, với hai từ đầu tiên anh ta nói về cơ bản có thể xem là đặc trưng của "Stephen King", với câu thoại quen thuộc của ông, "nightmares exit outside of logic and there's little fun to be had in explanations". Câu trích dẫn này đóng vai trò luận điểm mà trò chơi sẽ khám phá sâu hơn qua từng tiến trình của người chơi. Nó cũng góp phần giúp người chơi biết rằng tác giả sẽ xuất hiện một vài lần xuyên suốt toàn bộ cốt truyện.
Phân đoạn biểu tượng của The Shining
Có rất nhiều khoảnh khắc mang tính biểu tượng trong The Shining, nhưng có lẽ cảnh khiến nhiều người nhớ đến nhất là khi Jack cố gắng phá một cánh cửa bằng cây rìu để bắt được Wendy, người đang vô cùng hoảng sợ với con dao trên tay. Một cảnh trong bộ phim tập trung vào cánh cửa khi chiếc rìu lần đầu tiên chặt xuyên qua, còn Wendy la hét trong kinh hoàng. Alan Wake phần nào tái hiện lại khoảnh khắc này trong cuộc chạm trán đầu tiên giữa Alan và Taken, khi người chủ trạm xăng, Carl Stucky, bị bóng tối xâm chiếm cơ thể và đuổi theo Alan qua một xưởng khai thác gỗ và cuối cùng bị chặn lại bởi một cánh cửa. Stucky đã dùng chiếc rìu của mình để cố gắng phá cửa nhưng không thành. Cảnh quay trong The Shining được tái hiện ngay trước khi Alan lấy được cây súng lục.
Stephen King truyền cảm hứng cho phong cách viết của Alan
Trong chương 3 của Alan Wake, Alan nhớ lại việc nhà văn Stephen King đã trở thành nguồn cảm hứng như thế nào với anh khi còn tuổi niên thiếu. Anh trích dẫn câu nói của ông một lần nữa khi nói rằng, "không một ai an toàn trong một câu chuyện kinh dị, và chắc chắn không phải nhân vật chính. Đó là điều khiến chúng thú vị." Câu dẫn này xuất hiện khi Alan lần đầu chạm trán Poltergiests, những vật thể vô tri vô giác bị Bóng Tối chiếm hữu và phóng về phía Alan, một chủ đề thường được King khai thác trong các tác phẩm của mình.
Christine tấn công Alan
Christine là một câu chuyện được Stephen King sáng tác, nói về một chiếc xe bị nguyền rủa, tấn công bất kì ai từng khiến nó bị hư hỏng trong quá khứ. Trong Alan Wake, Bóng Tối chiếm hữu rất nhiều món đồ khác nhau để tấn công Alan, nhưng có lẽ thứ đáng nhớ nhất là vô số chiếc xe hơi cố gắng lao về phía anh. Phần chơi này là lời tri ân khá rõ ràng đến tác phẩm Christine. Đặc biệt, chiếc xe hơi Plymouth Fury sản xuất năm 1958, là mẫu xe mà bộ phim năm 1983 của John Carpenter dùng làm cảm hứng, đã xuất hiện trong Alan Wake's American Nightmare, một phần spin-off của tựa game gốc.
Mê cung trong The Shing
Tập 4 của tựa game Alan Wake bắt đầu với cảnh Alan mắc kẹt bên trong Cauldron Lake Lodge, một viện tâm thần điều hành bởi tiến sĩ Hartman đầy bí ẩn. Mặc dù bản thân cơ sở này không thực sự làm người ta nhớ đến khách sạn Overlook trong The Shining, mê cung hàng rào mà Alan phải đi lòng vòng trong đó có rất nhiều nét giống với mê cung xuất hiện trong phim. Đỉnh điểm của The Shining diễn ra khi Jack truy đuổi Wendy và Danny trong mê cung cho đến khi hai người thoát được. Jack mãi mãi lạc trong mê cung và chết vì lạnh. Mê cung của Alan Wake không bao phủ trong tuyết như của The Shining, nhưng nó vẫn mang cảm giác là lời tri ân thứ hai dành cho bộ phim kinh điển này.
Đặc vụ Nightingale
Có rất nhiều phản diện phụ trong Alan Wake, với đa số cư dân của Bright Falls sẽ đóng vai trò những con trùm cần bị đánh bại khi họ bị chiếm giữ bởi Bóng Tối. Nhưng đặc vụ Nightingale lại là thế lực thúc đẩy và cũng là phản diện quan trọng cho cốt truyện trò chơi, khi anh ta vốn là một đặc vụ FBI "bẩn". Xuyên suốt game, anh ta thường mỉa mai Alan bằng cách gọi anh bằng tên của những nhà văn nổi tiếng khác. Mặc dù chúng không thể xác định là những câu xúc phạm, khi mà các nhà văn được nhắc đến đều cực kì thành công và có tầm ảnh hưởng lớn, rõ ràng Nightingale đang cố gắng trêu chọc Alan với những cái tên. Trong tập 5, Nightingale gọi Alan là "Stephen King" ngay trước khi anh ta bị Bóng Tối chiếm lấy cơ thể. Đây là cái tên cuối cùng mà Nightingale gọi Alan, và nó có sức ảnh hưởng nhất định, khi mà Alan từng nói về sự tác động của King đối với những tác phẩm của anh.
Alan Wake Remastered hiện đang phát hành trên PC, PS4, PS5, Xbox One và Xbox Series X/S.