Cùng tiếp tục đến với những cái tên đầy hứa hẹn được tung ra trong năm 2019, để rồi mang lại kết quả không thể nào chán hơn cho cả nhà phát triển lẫn cộng đồng game thủ
Xem thêm: Tổng hợp những tựa game gây thất vọng nhất năm 2010 (Phần 1)
Ghost Recon: Breakpoint
Trước khi ra mắt, Ghost Recon: Breakpoint dự định lặp lại công thức đã được thiết lập trong bản tiền nhiệm Wildlands, đồng thời mang đến cho người hâm mộ một tay phản diện hấp dẫn trên một bản đồ đa dạng với những kỹ thuật sinh tồn mới. Đáng tiếc rằng thứ mà người chơi nhận về lại là một trò chơi giống như trước, với một cốt truyện nhàm chán, súng ống đầy lỗi kỹ thuật, và các cơ chế lấy từ các tựa game khác nhưng không được điều chỉnh hay nâng cấp theo bất kì cách nào cả.
Không ngừng lại ở đó, Ghost Recon: Breakpoint còn mang đến một cơ chế microtransactions nặng nề. Kể từ khi ra mắt, doanh thu của game đã gặp thất bại thảm hại, đến mức Ubisoft thừa nhận hãng phải trì hoãn các tựa game khác vì việc ra mắt của Breakpoint. Mọi thứ càng lúc càng đi lệch hướng, khiến cho Ubisoft buộc phải công bố về việc đại tu toàn bộ game trong một nỗ lực sửa chữa nó. Ngoài việc sửa lỗi và bổ sung thêm nhiều nội dung hơn, hãng vẫn chưa nêu rõ những kế hoạch khác dành cho Breakpoint.
Far Cry: New Dawn
Giống với Wolfenstein Youngblood, Far Cry: New Dawn đã nỗ lực để có những cải tiến vượt ra khỏi phần game trước nó. Cuối cùng, mặc dù lấy bối cảnh 17 năm sau những sự kiện trong Far Cry 5, phần lớn game chỉ đơn giản là tái sử dụng và tái chế từ bản tiền nhiệm. Mang một cái tên mới, New Dawn chỉ tạo cảm giác giống với một Far Cry 5 phiên bản nhiều kinh phí hơn, dù đã cố gắng rời khỏi tuyến truyện có phần tăm tối để mang đến những yếu tố hài hước.
Far Cry: New Dawn đi theo công thức được đúc kết từ Far Cry 3, giới thiệu một bản đồ thế giới mở và một gã phản diện tâm thần để truy lùng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hai chị em song sinh Mickey và Lou không thể sánh bằng gã trùm hải tặc Vaas Montenegro hay ảo giác kì lạ của gia đình Seed. Rõ ràng người hâm mộ đều đồng ý rằng New Dawn không bán chạy, thậm chí còn thua xa những tựa game khác trong thương hiệu như Far Cry 5 và Far Cry Primal.
The Surge 2
Nhìn tổng thể, The Surge 2 là một sự cải tiến so với bản tiền nhiệm, nhưng đó lại trở thành vấn đề chính của nó. Game không bao giờ đạt đến cái tầm của những tựa game khác đã truyền cảm hứng cho nó. The Surge 2 là một trải nghiệm mang phong cách Souls, có điều khó hơn với những con trùm khổng lồ và tốc độ chiến đấu chậm hơn.
Việc khóa vào một kẻ thù là thành phần quan trọng và trong The Surge 2, nó là một cơ chế tỏ ra khá hiệu quả, nhất là khi đối mặt với nhiều kẻ thù một lúc. Vấn đề nằm ở chỗ người chơi phải nhắm vào các bộ phận cụ thể để chặt bỏ thiết bị và sử dụng chúng. Ngoài ra còn có vô số lỗi kĩ thuật khác xảy ra trong quá trình trải nghiệm, như việc mắc kẹt vào các vật thể, hay như nút nhảy đôi khi không hoạt động.
Shenmue 3
Thương hiệu Shenmue vốn được xem như một seri văn hóa kinh điển trên hệ máy Sega Dreamcast ngày trước, mà nhiều người cảm thấy đã phải kết thúc quá sớm do việc Sega rút lui khỏi thị trường phần cứng. Tại E3 2016, người hâm mộ vô cùng vui mừng khi nhìn thấy ông Yu Suzuki, cha đẻ thương hiệu này, công bố chiến dịch góp vốn trên Kickstater dành cho phần game thứ ba trong seri. Sau vô số đợt trì hoãn và một bản hợp đồng độc quyền Epic Games gây tranh cãi cho người dùng PC, Shenmue 3 đã chính thức ra mắt vào tháng 11 vừa qua.
Các đánh giá cho game tương đối trái chiều. Mặc dù thỏa lòng những người hâm mộ lâu năm, nó lại khiến những game thủ mới cảm thấy khó gần, mà chủ yếu là do nó đã bỏ đi phần lớn những cải tiến và xu hướng trong làng game hơn 18 năm qua. Nó giữ nguyên nhịp độ chậm rãi và lối chơi phiêu lưu nặng tính đối thoại.
Nó chứa đựng vô số các yếu tố khó chịu, mà phần lớn đòi hỏi phải cải tiến nhân vật của người chơi, và giống như Crackdown 3, chẳng làm gì để thúc đẩy seri bước vào thời hiện đại. Cuối cùng, Shenmue 3 giống như một chiếc máy thời gian nhảy vô một thời đại khác, và đã gây thất vọng với những ai kì vọng một sự cải tiến cho thương hiệu này.
Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order
Seri The Ultimate Alliance có rất nhiều ý nghĩa với người hâm mộ, và khi The Black Order được công bố, mọi người vô cùng hào hứng với sự trở lại này. Lần đầu tiên trong seri, Nintendo đảm nhận vai trò phát hành thay vì Activision, qua đó biến nó thành một tựa game độc quyền trên Nintendo Switch. Vẫn giữ nguyên phong cách chơi đi theo từng màn với góc nhìn từ trên xuống như những bản tiền nhiệm, The Black Order lại gặp phải quá nhiều vấn đề, để rồi cuối cùng không thể đạt tới những kì vọng cao từ người hâm mộ.
Hệ thống camera cực kì tệ hại, thường xuyên phóng to vào những thời điểm bất lợi, hoặc chủ động "giấu" kẻ thù ra khỏi màn hình người chơi. Ngoài ra, bản thân hệ thống chiến đấu dường như đã bị "giảm lực", và khuyến khích người chơi đổi sang những nhân vật mới được mở khóa khi mà họ có cấp độ cao hơn. Tệ hơn nữa, thay vì cố gắng kể một câu chuyện mới như tựa game Ultimate Alliance đầu tiên, The Black Order quyết định lấy bối cảnh trong vũ trụ của riêng nó, bao gồm những tuyến truyện từ MCU như Thanos và Găng tay Vô cực.