Thập niên 80 là quãng thời gian khai sinh ra vô số những tựa game kinh điển, được biết đến với lối chơi mang tính biểu tượng cùng độ khó "biểu tượng" không kém
Thập niên 80 đã chứng kiến một sự thay đổi từ dòng game thùng sang dạng game mọi người có thể chơi ngay tại phòng khách của mình, và còn giới thiệu cả hệ máy Nintendo Entertainment System (NES). Những game thủ từ thập niên 80 đã trải qua vô số các trò chơi kinh điển với độ khó kinh dị ẩn mình sau các cơ chế tưởng chừng như rất đơn giản, do đó họ luôn được xem là một thế hệ game thủ "hardcore" thứ thiệt. Những trò chơi mà họ trải nghiệm ngày đó cho đến tận hôm nay vẫn gây ra nhiều nỗi ám ảnh với biết bao người chơi khác trẻ tuổi hơn. Hãy cùng LagVN xem thử các bậc cha ông ngày xưa đã được trải nghiệm những gì nào.
Ninja Gaiden (1988)
Ra mắt trên NES vào năm 1988, Ninja Gaiden mở đầu cho hành trình báo thù của ninja Ryu Hayabusa. Việc được sử dụng thanh kiếm Dragon Sword khiến cho tựa game này trở nên hấp dẫn vì yếu tố hoài cổ, nhưng điều làm nên tên tuổi của nó chính là danh hiệu "Một trong những trò chơi khó nhất mọi thời đại". Di chuyển vượt qua các chướng ngại vật và né đạn cùng lúc thực sự là một rào cản đáng kể để vượt qua. Các màn đấu trùm không khác gì thi đấu sumo, và dĩ nhiên gã trùm phun lửa Bladedamus không hề dễ thở với những game thủ thiếu kinh nghiệm.
Super Mario Bros. (1985)
Độ khó của seri Super Mario Bros. được thể hiện ngay từ phiên bản đầu tiên. Trên hành trình giải cứu công chúa Peach khỏi gã rùa xấu xa Bowser, Mario phải vượt qua rất nhiều vật cản và chiến đấu với những tay sai của Bowser. Cơ chế của Super Mario Bros. là một trong những đặc điểm làm nên độ khó của trò chơi, khi nó gây ra độ trễ lúc nhấn nhiều nút ở cùng thời điểm, khiến người chơi luôn đổ cho trò chơi mỗi khi thất bại. Theo một thống kê đáng buồn, một phần lớn game thủ không thể hoàn thành thậm chí là cấp độ 1 của tựa game biểu tượng này.
Galaga (1981)
Tựa game bắn súng không gian này có hệ thống kẻ thù di chuyển theo những mô thức không thể dự đoán được. Khả năng sống sót ở các màn chơi cao hơn trong Galaga gần như là không thể vì sự đa dạng của kẻ thù. Trong phiên bản gốc, Galaga có 255 màn chơi vì nó là dạng 8-bit, do đó 255 màn chơi là số lượng tối đa. Người chơi sẽ phải nỗ lực đi đến tận màn cuối cùng, nhưng nó sẽ văng ra ngoài khi tới được màn chơi cuối. Đó chắc chắn không phải cái kết mà nhiều người nghĩ đến, nhưng cũng không quá lạ với một trò chơi được tạo ra gần 40 năm trước.
R-Type (1987)
R-Type là một tựa game bắn súng arcade ra mắt năm 1987, với mục tiêu là tiêu diệt chủng loài ngoài hành tinh Bydo, nhưng điều này không hề dễ dàng với vô số sự hỗn loạn xuất hiện trên màn hình. Hầu hết những game thủ "cứng cựa" nhất có thể đánh được tới con trùm thứ ba hoặc thứ tư, sau đó quyết định từ bỏ. Màn chơi thứ bảy khó đến mức nhiều người tin rằng trò chơi này hoàn toàn không thể bị đánh bại.
Donkey Kong (1981)
Đã từng có một thời điểm Donkey Kong là kẻ phản diện cực kì nổi tiếng của Nintendo, thậm chí trước cả thời của Bowser. Tựa game Donkey Kong đầu tiên cũng có thể chơi được bên trong một tựa game khác là Donkey Kong 64. Cơ chế điều khiển khó hiểu cùng vô số vật cản của game khiến cho Donkey Kong trở thành một thử thách thật sự. Sau khi người chơi vượt qua màn thứ hai (Nếu có thể), game sẽ trở nên cực khó. Việc canh thời gian để nhảy lên trở thành điểm mấu chốt để sinh tồn, và hầu như không có chỗ cho sai lầm. Mục tiêu vẫn như mọi khi: Giải cứu công chúa Peach.
Castlevania III: Dracula's Curse (1989)
Castlevania là một trong những seri game vẫn còn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay, thậm chí nó còn dựng thành phim trên Netflix. Lấy bối cảnh lâu đài Count Dracula, người chơi phải đánh bại binh đoàn ác quỷ của Dracula, kẻ đã hồi sinh lần đầu tiên sau hàng trăm năm. Nhưng việc dùng dây roi da, kiếm và lửa để đánh bại bầy quỷ dữ là điều không hề dễ dàng. Đã có vô số các tựa game Castlevania ra đời, nhưng không có mấy phần đạt tới độ khó như của Castlevania III: Dracula's Curse. Một số người thì có thể cho rằng Castlevania II: Simon's Quest là phần khó nhất, nhưng có lẽ điều đó tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người.
Metroid (1986)
Tựa game Metroid gốc là phiên bản cũ nhất và khó nhất trong toàn bộ seri. Với những bức tường ẩn ở các đoạn đường cụt, việc di chuyển không hề dễ dàng một chút nào. Trò chơi này sẽ thử thách sự kiên nhẫn bằng hàng loạt những câu đố, những kẻ thù không thể đoán trước, và các màn đấu trùm khó khăn. Nhằm khiến mọi thứ càng thêm phức tạp, người chơi sẽ không có bản đồ lẫn điểm lưu game. Có thể nói, Metroid năm 1986 đã khởi đầu cho một trong những seri hay nhất mọi thời đại, nhưng đồng thời cũng quá khó với game thủ hiện đại.
Ghosts 'N Goblins (1985)
Những kẻ thù trong Ghosts 'N Goblins, bao gồm cả zombies, luôn di chuyển với nhịp độ nhanh hơn tưởng tượng. Là một người mắc kẹt giữa đại nạn zombies và một bầy ma quỷ trỗi dậy, tựa game này được thiết kế rất tốt, chỉ là nó quá khó mà thôi. Hầu hết mọi người đều không tim cách đánh bại trò chơi này, chỉ là muốn trải nghiệm nó mà thôi. Thậm chí nhiều người còn cho rằng các nhà phát triển Ghosts 'N Goblins không hề có ý định để cho người chơi "phá đảo" nó.
NARC (1988)
Điều đầu tiên cần lưu ý, NARC không phải trò chơi dành cho trẻ con. Đây có lẽ là cái tên bạo lực và đẫm máu nhất trong danh sách này. Có quá nhiều sự hỗn loạn khiến cho người chơi gần như không thể nào tập trung vào việc trải nghiệm. Thực tế là bất kì ai có thể vượt qua NARC chủ yếu nhờ vào sự tập trung tối đa và rất nhiều may mắn. Người chơi sẽ có một kho vũ khí đa dạng để tiêu diệt kẻ thù. Chỉ cần chạy và bắn, đồng thời cầu nguyện rằng mình có thể đi đến cuối con đường.
Tempest (1981)
Đây là một trong những tựa game thùng có thể khiến người chơi đốt sạch "xèng" của mình chỉ để thử đánh bại nó. Được phát triển bởi Atari, Inc., Tempest là một trong những tựa game đầu tiên mang đến cơ chế màn chơi, thay vì có cùng một màn chơi với độ khó tăng dần. Nó cũng là trò chơi đầu tiên cho phép người chơi lựa chọn cấp độ mình muốn chơi. Những tính năng đó ngày nay khá phổ biến, nhưng nó là một bước đột phá ở thời điểm Tempest ra mắt. Mục tiêu là né những miếng gai nhọn trong lúc bắn kẻ thù ở trung tâm. Nó sẽ ngày càng khó hơn qua từng quá trình chơi. Với việc phải có khả năng phản xạ nhanh, thuần thục cơ chế điều khiển khó chịu, và một túi đầy xèng, Tempest chắc chắn là cái tên mà ít người nghĩ đến việc phá đảo nhất.