Top 5 tựa game phiêu lưu được đánh giá cao nhất mọi thời đại trên PC

Lê Khoa

Cuộc đời mỗi con người là một chuyến phiêu lưu, nhưng nếu thấy phiêu lưu ngoài đời thực khó quá thì thôi ta phiêu lưu trong thế giới 5 tựa game sau đây vậy

Giai đoạn cuối thập niên 90 có thể coi là "kỷ nguyên vàng" của thể loại game phiêu lưu, khi có rất nhiều tựa game hấp dẫn ra đời trong khoảng thời gian đó. Cho đến tận ngày nay, dòng game phiêu lưu đã cho ra đời những cái tên cực kì thú vị như Okami, The Secret of Monkey Island, Indiana Jones, Sam & Max, ... Còn khi nhắc tới những tựa game phiêu lưu nổi tiếng nhất mọi thời đại thì sao? Hãy cùng xem qua vài cái tên sau đây, vốn đã được phát hành từ rất lâu, nhưng cho đến tận ngày nay dù còn chơi được hay không, chúng vẫn chiếm một chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng hâm mộ game nhập vai.

Grim Fandango
Hệ máy: 
PC, PS4, PS Vita, IOS, Android, Ninnteod Switch
Ngày ra mắt: 14.10.1998

Trong thế giới game, một vài xu hướng có thể trở nên lỗi thời, và những tiêu chuẩn cũ có thể bị bỏ qua một bên khi những sự thay thế tốt hơn được khám phá ra. Tuy vậy, một vài yếu tố nghệ thuật là vô hạn. Ngôn ngữ và văn hóa có thể thay đổi, nhưng những nhân vật đồng cảm và những câu chuyện tuyệt vời không bao giờ phai nhạt. Grim Fandango là một điều như thế, luôn được coi là một trong những tựa game phiêu lưu hay nhất trên PC, với cách kể chuyện khéo léo và sự hài hước vô cùng ấm áp đã khiến nó được đánh giá cao từ lúc game ra mắt ban đầu vào năm 1998 cho đến tận ngày nay. Game đưa người chơi theo chân Manny Calavera, một đặc vụ du hành trên vùng đất của người chết, thường xuyên phải chịu đựng sự kiêu ngạo của một đồng nghiệp đáng ghét, và những cái nhìn thiếu tôn trọng của một ông chủ tham nhũng.

Tất cả họ đều là những bộ xương, nhưng họ còn thể hiện chất "người" nhiều hơn phần lớn các nhân vật game khác. Bên cạnh những nét tính cách thú vị của các nhân vật, Grim Fandango mang đến lối chơi truyền thống của thể loại game phêu lưu point-and-click, với những cải tiến về khả năng di chuyển trong bản Remastered, đồng thời có những phương pháp khuyến khích người chơi khám phá rất thú vị. Tập trung hoàn toàn vào lối chơi giải đố, Grim Fandango thực là lựa chọn thích hợp cho những ai yêu thích sự hoài cổ, hoặc tò mò vì sao một tựa game ra mắt lần đầu từ tận những năm 1998 lại vẫn có thể được yêu thích nhiều đến thế.

Maniac Mansion: Day of the Tentacle
Hệ máy: 
PC, PS4, Xbox One, PS Vita
Ngày ra mắt: 25.06.1993 (22.03.2016 với bản Remastered)

Là phần tiếp theo của tựa game phiêu lưu Maniac Mansion ra mắt năm 1987, Day of the Tentacle đưa người chơi đến với hành trình của Bernard Bernoulli và hai người bạn là Hoagie với Laverne, khi cả ba đang nỗ lực ngăn chặn sinh vật ác quỷ Purple Tentacle chiếm lấy thế giới. Người chơi sẽ điều khiển bộ ba này giải đố trong quá trình sử dụng cỗ máy thời gian để khám phá những chu kì khác nhau trong lịch sử. Bằng lối chơi chỉ-và-nhấn, người chơi điều khiển các nhân vật bằng cách chọn vị trí, và tương tác với thế giới game thông qua những câu lệnh xuất hiện trên màn hình.

Day of the Tentacle lấy bối cảnh 5 năm sau các sự kiện của Maniac MansionPurple Tentacle - một con quái vật đột biến kiêm trợ thủ phòng thí nghiệm được tạo ra bởi nhà khoa học điên Dr. Fred Edison - đã uốc phải chất độc từ dòng nước ở phía sau phòng thí nghiệm của tiến sĩ Fred. Điều này khiến nó mọc ra hai cánh tay xúc tu, phát triển trí thông minh, và có khao khát thống trị thế giới. Tiến sĩ Fred tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách giết Purple Tentacle và đứa em hiền lành vô tội của nó là Green Tentacle, nhưng Green Tentacle đã gửi đi tín hiệu cầu cứu đến người bạn cũ Bernard. Cậu đã cùng với Hoagie và Laverne giải thoát cả hai sinh vật này, nhưng Purple Tentacle sau khi được cứu sống tiếp tục trở lại với khao khát chinh phục thế giới.

Để sửa chữa sai lầm, tiến sĩ Fred quyết định sử dụng thiết bị du hành thời gian Chron-o-John của mình đưa bộ ba trở lại một ngày trước đó, nhằm tắt cỗ máy Sludge-o-Matic của ông, qua đó ngăn chặn sự tiếp xúc của Purple Tentacle với chất độc. Nhưng vì tiến sĩ Fred sử dụng một viên kim cương giả làm nguồn sức mạnh, cỗ máy đã bị hỏng trong quá trình vận hành, đẩy Laverne đi tới tương lai 200 năm sau, còn Hoagie bị đẩy ngược về quá khứ 200 năm trước, và chỉ có Bernard là ở thời hiện đại. Cả ba sẽ phải tìm cách để đoàn tụ và cùng ngăn chặn Purple Tentacle thống trị thế giới. Game được đánh giá cao bởi tính hài hước, và việc loại bỏ đi các kịch bản "dead end" khiến các nhân vật phải chết. Day of the Tentacle hiện đang phát hành phiên bản Remastered trên Steam.

Batman: Arkham City
Hệ máy: 
PC, PS3, Xbox 360, Mac, Wii U
Ngày ra mắt: 18.10.2011

Là tựa game "cận đại" nhất trong danh mục, Batman: Arkham City giống như một phiên bản hoàn thiện của Batman: Arkham Asylum trước đây. Sau khi Joker chiếm lấy nhà thương điên Arkham và bị Batman ngăn cản, giám đốc bệnh việc, Quincy Sharp, đã nhận lấy mọi lời khen ngợi trước sự thất bại của Joker, và nhanh chóng được bầu lên làm thị trưởng thành phố Gotham. Bị gã giáo sư điên Hugo Strange thao túc, Sharp đã cô lập một quận lớn ở Gotham, biến nó thành một thành phố dưới cái tên Arkham, giao cho Strange nắm giữ lực lượng quân sự TYGER. Bruce Wayne đã công khai chống lại việc xây dựng nên thành phố Arkham, và anh bị lực lượng TYGER tống vào đó, nhưng đã trốn thoát ra, và liên hệ Alfred để lấy trang phục với các dụng cụ của mình, trở thành Batman để tiến hành điều tra dự án đầy bí ẩn của Strange: Protocol 10.

Một trong những điểm sáng nhất của Batman: Arkham City chính là hệ thống gameplay hoàn thiện, với những đòn thế dũng mãnh và liền mạch của Batman trong giao chiến. Bên cạnh đó, người chơi có thể tự do kết hợp các công cụ khác nhau để tiêu diệt kẻ địch nhanh chóng hơn, đặc biệt là hệ thống giải đố cực "khoai" với sự tham gia của Enigma, hay còn gọi là The Riddler. Danh sách những con trùm trong Batman: Arkham City cũng vô cùng ấn tượng, với gần như đủ mặt các nhân vật "cộm cán" của vũ trụ Batman như Penguin, Mr. Frost, Harley Quinn, Ivy, và đặc biệt không thể bỏ qua "trùm cuối" Joker. Được lồng tiếng bởi Mark Hamill, đây được xem là phiên bản Joker thành công nhất trong lĩnh vực trò chơi điện tử, để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ cho người hâm mộ. Ngoài ra, người chơi lần đầu tiên còn được điều khiển Catwoman trong một số phân đoạn của game, và có thể dùng cô nàng để hoàn thành phần giải đố của Riddler với những vị trí đặt Trophy mà chỉ có Selina Kyle mới với tới được.

Okami
Hệ máy: PC, PS2, PS3, PS4, Xbox One, Wii, Nintendo Switch
Ngày ra mắt: 19.09.2006

Khi nhắc đến những tựa game hay nhất của thể loại phiêu lưu, Okami là cái tên thường được liên tưởng đến. Được phát triển bởi Clover Studio và phát hành bởi Capcom trên PlayStation 2 vào năm 2006 và 2007, game là sự kết hợp giữa thần thoại và những câu chuyện dân gian Nhật Bản, kể về câu chuyện một vùng đất được cứu khỏi bóng đêm nhờ nữ thần mặt trời Shinto với tên gọi Ameterasu, người đã mang hình hài một chú sói màu trắng. Game sử dụng phong cách nghệ thuật riêng biệt, tạo nên điểm nhấn đáng chú ý về mặt hình ảnh. Okami là một trong những tựa game PS2 cuối cùng ra mắt trước khi PlayStation 3 ra đời. Mặc dù có doanh thu không sáng sủa, nó được đánh giá cao bởi nhiều trang tin, và đã đặt chân lên PC, PS4 với Xbox One vào tháng 12 năm 2018 thông qua phiên bản Okami HD.

Câu chuyện của Okami xoay quanh ngôi làng Kamiki, một vùng đất xanh tươi với những người dân hiền lành tốt bụng. Nhưng do sơ suất của một người dân tò mò khiến phong ấn bí ẩn giam giữ Quỷ vương Orochi bị phá hủy, con mãng xà 8 đầu khổng lồ đã xuất hiện trở lại, biến ngôi làng Kamiki xinh đẹp thành một vùng đất hoang tàn. Trong vai Amaterasu, Nữ thần Mặt trời đã che chở cho làng Kamiki qua nhiều thế hệ, người chơi sẽ phải thực hiện chuyến phiêu lưu tìm lại 13 quyền năng tối thượng để có thể đánh bại Orochi. 

Các kĩ năng, vật phẩm, đòn đánh cùng với kĩ thuật Celestial Brush của Amaterasu sẽ giúp người chơi khơi phục lại vùng đất Nippon trở về giai đoạn huy hoàng, đồng thời giúp đỡ nhiều nhân vật khác nhau trong quá trình chiến đấu. Với việc ra mắt các bản Remaster mang đến đồ họa sắc nét hơn cho hệ máy hiện đại, Okami nay đã được cân nhắc là một trong những tựa game hay nhất từng được phát triển, và là ví dụ điển hình của một trò chơi điện tử trình bày dưới phong cách một tác phẩm nghệ thuật.

Metal Gear Solid 2: Substance
Hệ máy: PC, Xbox, PS2
Ngày ra mắt: 27.03.2003 (PC)

Năm 2001, Metal Gear Solid 2: Sons of Liberty chính thức ra mắt, và một năm sau đó, phiên bản Substance dành cho PC cũng đã được phát hành. Cốt truyện lần này xoay quanh "Big Shell", một cơ sở làm sạch môi trường khổng lồ trên đại dương, bị chiếm đóng bởi một nhóm khủng bố tự xưng là "Sons of Liberty". Chúng yêu cầu một số tiền chuộc lớn để đổi lấy tính mạng Tổng thống Mỹ, và đe dọa sẽ phá hủy cơ sở này, tạo ra một thảm họa môi trường nếu các yêu cầu của chúng không được đáp ứng. Lần này, người chơi sẽ vào vai một tân binh của lực lượng FOXHOUND là Raiden, thâm nhập vào Big Shell, giải cứu con tin và vô hiệu hóa lũ khủng bố. Nhưng khi đặt chân vào căn cứ, anh phát hiện ra mình không phải người duy nhất đột nhập vào Big Shell.

Metal Gear Solid 2: Substance là phiên bản nâng cấp đa nền tảng của Sons of Liberty, nhằm phát hành trên cả PC và Xbox. Substance kèm theo phần chơi chiến của Sons of Liberty, cùng một sự bổ sung đáng kể, bao gồm gần 500 nhiệm vụ độc lập (tương tự với hệ thống VR Missions/Special Missions), với 300 nhiệm vụ diễn ra trong môi trường thực tế ảo, và 200 "nhiệm vụ thay thế" diễn ra trong các khu vực của phần game chính. Vì dựa trên Metal Gear 2: Sons of Liberty, phiên bản này cũng đã được đánh giá rất cao, với 87 điểm cho hai phiên bản PS2/Xbox và 77 điểm cho phiên bản PC theo Metacritic. Trong khi đó, người hâm mộ và giới phê bình lại tỏ ra chia rẽ vì diễn biến cốt truyện của game khi khai thác những chủ đề về đánh cắp thông tin, âm mưu chính trị và trí tuệ nhân tạo.

Bài cùng chuyên mục