Trong ngành game trong thời gian gần đây, phong trào "Stop Killing Games" (Ngừng giết chết các tựa game) đã đặt ra một câu hỏi nhức nhối cho cả ngành công nghiệp về vấn đề bảo tồn các đầu game lâu năm. Và giờ đây, Ubisoft – một trong những nhà phát hành lớn nhất thế giới – chính thức lên tiếng.
Ý kiến trái chiều từ CEO của Ubisoft
Cụ thể hơn, trong cuộc họp cổ đông gần đây, CEO Yves Guillemot đã trực tiếp đối mặt với các câu hỏi xoay quanh làn sóng phản đối việc ngừng hỗ trợ game cũ. Câu trả lời của ông rất thẳng thắn: “Bạn cung cấp một dịch vụ, nhưng không có gì được khắc vào đá – một lúc nào đó dịch vụ đó có thể kết thúc. Không có gì là vĩnh cửu.”
![Ubisoft len y kien trai chieu truoc lan song Ubisoft lên ý kiến trái chiều trước làn sóng Stop Killing Games hiện tại]()
Ông nhấn mạnh rằng việc bảo trì và vận hành game lâu dài là điều mà cả ngành đang phải vật lộn, nhất là khi tài nguyên và chi phí để duy trì máy chủ, cập nhật bảo mật hay hỗ trợ kỹ thuật không phải là con số nhỏ.
"Stop Killing Games" – Tiếng nói vì cộng đồng game thủ
Phong trào được khởi xướng bởi YouTuber Ross Scott, kêu gọi các nhà phát hành có trách nhiệm hơn với sản phẩm của mình. Anh cho rằng game – dù là dịch vụ số – cũng cần được bảo tồn như một phần văn hóa, và không thể "xóa sổ" dễ dàng chỉ vì lý do chi phí.
![Ubisoft len y kien trai chieu truoc lan song Ubisoft lên ý kiến trái chiều trước làn sóng Stop Killing Games hiện tại 2]()
Tuy nhiên, không phải ai trong ngành cũng đồng tình. Hiệp hội Video Games Europe lập luận rằng việc giữ cho tất cả game tồn tại mãi mãi sẽ khiến chi phí phát triển và bảo trì vượt ngoài khả năng của nhiều studio, ảnh hưởng đến sáng tạo và quyền tự chủ của nhà phát hành.
Tương lai của game: Tạm biệt hay bảo tồn?
Dù CEO Ubisoft không đưa ra cam kết cụ thể nào về thay đổi chính sách, ông cho biết ngành công nghiệp đang làm việc để giảm thiểu tác động tiêu cực đến người chơi. “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để mọi thứ diễn ra tốt đẹp cho tất cả người chơi và người mua game.”
![Ubisoft len y kien trai chieu truoc lan song Ubisoft lên ý kiến trái chiều trước làn sóng Stop Killing Games hiện tại 3]()
Dẫu vậy, lời tuyên bố “không có gì là vĩnh viễn” vẫn khiến không ít người chơi cảm thấy bất an. Bởi lẽ, đối với họ, game không chỉ là dịch vụ – nó là ký ức, là cộng đồng, là một phần không thể thay thế trong thế giới số.