Bạn có biết: Cần bao nhiêu tiền để làm ra một tập anime? Anime kiếm tiền bằng cách nào?

Dũng Nhỏ TT

Đây là những câu hỏi mà rất nhiều khán giả thắc mắc khi xem anime. Chi phí cho mỗi tập phim kéo dài hơn 20 phút lên đến mức nào? Cần làm gì để anime tạo ra lợi nhuận? Bạn sẽ không thể ngờ được đâu.

Chi phí cho một tập anime là bao nhiêu?

Anime là một trong những ngành công nghiệp nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Hằng năm, trung bình sẽ có từ 150 - 200 bộ anime sẽ được ra lò và phát sóng trên các kênh truyền hình lẫn các trang web phân phối anime.

Tuy mỗi tập phim chỉ kéo dài trên 20 phút, ít ai biết được rằng chi phí để làm ra một tập anime lại cực kì đắt đỏ. Năm 2010, theo Viện Nghiên Cứu Phát Triển Truyền Thông Nhật, trung bình một tập anime dài 30 phút sẽ có tổng chi phí vào khoảng 11 triệu yên. Một season anime kéo dài 13 tập sẽ cần khoảng 3 tháng thực hiện với khoảng 100 nhân viên.

Bạn có thể xem thêm anime Shirobako để hiểu về quy trình làm anime

Năm 2015, Masamune Saskaki, một nhân viên CG creator chia sẻ rằng trung bình một anime dài 13 tập sẽ tiêu tốn 250 triệu yên (xấp xỉ 2 triệu đô). Con số này có thể thay đổi tùy vào chất lượng anime. Trung bình, một tập phim sẽ có chi phí từ 100.000 - 300.000 đô la. Con số này sẽ dao động dựa trên việc cần bao nhiêu bản vẽ. Số bản vẽ này thường sẽ vào khoảng 3000 - 5000 với anime hành động (One Piece, Black Clover) và xấp xỉ 2000 bản với anime đời thường đơn giản (Maruko, Shin,...). Với anime có phân cảnh chiến đấu đỉnh cao như Attack On Titan, con số này có thể lên đến 10,000.

Masamune cũng nói thêm là hầu hết các anime đều không thể thu hồi vốn mà chỉ một số ít tác phẩm thành công là đem lại lợi nhuận. Cũng vào cùng năm 2015, nhà sản xuất của Shirobako - Takayuki Nagatani đã xác nhận tác phẩm dài 24 tập của ông tiêu tốn 500 triệu yên.

Fun Fact: anime 2D thường mắc hơn cả anime 3D bởi chi phí vẽ là rất cao cũng như tiêu tốn nhiều tài nguyên. Vì lí do này nên một số studio đã kết hợp yếu tố CG 3D để hạn chế chi phí và thời gian sản xuất. Attack On Titan season 4 chính là một ví dụ.

Các studio làm anime có lời không?

Nếu là một người theo dõi anime lâu năm, bạn sẽ nhận ra có rất nhiều phim hoạt hình được phát sóng vào đêm muộn. Điều này một phần là để thúc đẩy doanh số bán đĩa cũng như các sản phẩm đi kèm của anime. Tuy nhiên, "thu hồi vốn" và "đạt lợi nhuận" thông qua cách làm này vẫn là quá khó cho các nhà làm phim hoạt hình.

Ngoài ra, như đã nói ở trên, hầu hết các anime đều lỗ. Lí do cho điều này khá dễ hiểu bởi trong hàng trăm anime ra mắt một năm, chỉ có khoảng 10 - 20% thật sự để lại ấn tượng cho khán giả và có thể thu được lợi nhuận từ đĩa phim hay các sản phẩm ăn theo.

Làm sao để kiếm lời bằng việc tạo ra anime?

Để cải thiện tình hình, các studio chỉ còn cách...tăng cường độ công việc, thầu các anime tiềm năng và thực hiện các dự án liên tục. Hướng đi này cải thiện phần nào tình hình phát triển chung nhưng cũng tạo gánh nặng rất lớn cho lực lượng nhân viên bởi họ phải tăng ca và chạy deadline liên tục (năm 2015, mức lương trung bình của nhân viên anime là 27.700 đô/năm). Bên cạnh đó, các studio cũng chú trọng việc tiếp thị, quảng cáo anime hơn.

Việc tận dụng các kịch bản có sẵn cũng giúp giảm nhẹ gánh nặng chi phí lẫn nhân lực đi rất nhiều lần. Bên cạnh đó, hướng đi này rất có lợi cho cả hai bên: vừa thúc đẩy doanh số tác phẩm gốc, vừa tạo tiền đề phát triển cho anime. Các nhà đầu tư cũng thích hướng đi này bởi nó rất "an toàn". Chính vì thế mà có thể thấy rất rõ ràng rằng trong những năm trở lại đây, anime nguyên bản đang ngày một ít đi.

Kimetsu No Yaiba là một anime "siêu lợi nhuận" đem lại số tiền khổng lồ cho cả studio Ufotable và nhà xuất bản Shueisha

Để thích ứng với thị trường, mỗi studio đều có hướng phát triển cho riêng mình. Một số tạo nên sự "độc nhất" để thu hút khán giả (như Kyoto Animation), một số khác tập trung vào chất lượng sản phẩm (như MAPPA, WIT, MADHOUSE), số khác đi theo hướng giảm thiểu chi phí. Họ cũng phối hợp nhiều hơn với các bên liên quan để phát triển sản phẩm ăn theo hoặc chạy quảng cáo,... Ngoài ra, các nền tảng xem phim trực tuyến như Crunchyroll, Netflix ngày một thịnh hành cũng là cơ hội tuyệt vời cho các studio.

Bài cùng chuyên mục