Trong thông báo gửi đi ngày 30/6, Facebook cho biết sẽ khởi kiện 4 cá nhân người Việt Nam gồm Nguyễn Thêm H., Lê K., Nguyễn Quốc B. và Phạm Hữu D. vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản quảng cáo.
Đây là các cá nhân sở hữu tài khoản của công ty nhằm phục vụ cho mục đích chạy quảng cáo, nâng cao doanh số sản phẩm. Sau khi xâm nhập, những người này sẽ chạy các quảng cáo trái phép.
Các nạn nhân đã bị "dụ dỗ" cài đặt một ứng dụng tên "Ad Manager for Facebook" từ Google Play Store. Ứng dụng này không liên quan đến Facebook và đã thực hiện thu thập thông tin người dùng, tài khoản và mật khẩu. Sau khi có thông tin đăng nhập, nhóm người này sẽ cấp quyền cho các trang lừa đảo để quảng cáo tiếp cận người dùng.
Theo Facebook, hiện các ứng dụng giả mạo này đã bị gỡ khỏi Google Play. Trước khi bị gỡ bỏ, ứng dụng đã được tải về hơn 10 ngàn lượt tính đến cuối năm ngoái.
Bên cạnh lừa đảo nhân viên các đại lý quảng cáo, nhóm người này bị cáo buộc hỗ trợ cho các hành vi lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài khoản quảng cáo. Theo Facebook, ước tính quảng cáo trái phép mà nhóm này đã chạy có giá trị hơn 36 triệu USD.
"Facebook đã hoàn tiền cho các nạn nhân và giúp họ bảo mật tài khoản," đại diện Facebook cho biết trong thông cáo.
Chiếm đoạt tài khoản quảng cáo là bước đầu tiên trong chuỗi lừa đảo mà nhiều nhóm bán hàng online tại Việt Nam sử dụng. “Đa phần các quảng cáo livestream trên Facebook hiện nay là hình thức rửa tiền của các hacker”, Huỳnh Đông, một người có kinh nghiệm nhiều năm trong giới chạy quảng cáo Facebook tại Việt Nam nhận định.
Theo ông Đông, dân trong ngành gọi đây là chạy quảng cáo invoice (hóa đơn), nói ngắn gọn là "voi". Theo đó, các tài khoản quảng cáo của các công ty, tập đoàn lớn, thường là của nước ngoài sẽ bị hacker chiếm quyền truy cập. Sau đó, những tài khoản này sẽ được bán lại cho những shop online tại Việt Nam với chiết khấu rẻ hơn.
Bên cạnh việc tìm kiếm bồi thường về thiệt hại kinh tế, công ty cũng muốn một lệnh cấm truy cập đối với những người này, Facebook thông tin thêm.