Nhân dịp năm mới, cùng nhìn lại những Drama siêu bổ phổi trong làng game 2019 (Phần 1)

Lê Khoa

Những sự kiện gây tranh cãi, những hành động khiến cộng đồng "dậy sóng", những drama đến từ nhà làm game, ... tất cả tạo nên một năm 2019 đầy sôi động trong làng game thế giới

Năm 2019 vừa qua có thể xem là một năm của rất nhiều các khoảnh khắc bất ngờ và sự hé lộ tuyệt vời. Nam diễn viên Keanu Reeves đã làm khán giả E3 phấn khích tột độ khi góp mặt trên sân khấu để giới thiệu về Cyberpunk 2077, Nintendo tiếp tục sự trỗi dậy của mình với những tựa game tự phát triển vững chắc, các nhà phát triển độc lập tiếp tục cho ra mắt những tựa game độc đáo như Disco Elysium, và một loạt những tựa game chất lượng cao lọt vào danh sách đề cử Game của năm. Nhưng 2019 cũng là một năm với rất nhiều tranh cãi, điều mà có lẽ đã thành thông lệ trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Một số đã được giải quyết hoặc đặt qua một bên, nhưng vẫn còn đó vài cuộc tranh cãi gây ra tác động đáng kể lên người hâm mộ lẫn ngành công nghiệp game.


Một năm đầy drama với làng game thế giới

Blizzard với drama Hearthstone

Sự kiện gây tranh cãi lớn nhất năm 2019 chắc chắn thuộc về Blizzard, khi mới hai tháng trước, game thủ chuyên nghiệp Ng Wai "blitzchung" Chung vừa giành chiến thắng ở giải đấu lớn Hearthstone Grandmasters, thì ngay lập tức đã bị Blizzard tước mất danh hiệu này do hành động bình luận ủng hộ cuộc biểu tình ở Hồng Kông trong một cuộc phỏng vấn sau giải đấu. Và cũng ngay lập tức, cộng đồng đã bảy tỏ tiếng nói của mình. Từ các chính trị gia, đến các game thủ chuyên nghiệp, và nhiều game thủ khác liên tục lên tiếng chỉ trích Blizzard, bùng nổ với hashtag #BoycottBlizzard. 


Sự kiện Blitzchung gây chấn động cộng đồng Esport

Rất nhiều những cuộc biểu tình diễn ra, và tình hình càng trở nên tệ hơn khi xuất hiện những báo cáo cho biết Blizzard đã bắt đầu ra tay ngăn chặn người chơi xóa tài khoản Battle.net của họ. Cuối cùng, Blizzard buộc phải nhượng bộ số đông, giảm án phạt với Blitzchung xuống còn 6 tháng cấm thi đấu, và trả lại thắng lợi của anh ở giải Hearthstone Grandmasters. Blitzchung sau đó đã lên tiếng thừa nhận lỗi của mình khi nhắc đến những sự kiện chính trị, nhưng cũng tỏ ra nghi ngờ về độ dài của án phạt. Sau sự kiện này, tất cả mọi ánh mắt đều hướng đến sự kiện BlizzCon 2019, sự kiện cộng đồng đầu tiên diễn ra kể từ sự việc nói trên.


May mắn là BlizzCon 2019 khá yên bình

Mặc dù có khá nhiều cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài, bản thân sự kiện vẫn khá yên bình. Chủ tịch Blizzard, ông J. Allen Brack đã mở đầu sự kiện bằng lời xin lỗi về cách xử lý sự cố của hãng, và thừa nhận về những người biểu tình bên ngoài. Ông cho biết công ty đã đưa ra hành động xử phạt quá nhanh, và chia sẻ với cộng đồng về tình huống này quá chậm. Mặc dù chỉ vài tháng đã trôi qua kể từ sự kiện nói trên, phần lớn tin tức đến từ Blizzard những ngày qua chủ yếu về các tựa game của họ, chứ không phải về sự tranh cãi. Chỉ thời gian mới có thể khẳng định Blizzard đã thực sự thay đổi hay chưa, nhưng cho đến lúc này, vẫn là một khởi đầu mới tốt hơn cho công ty.


Mọi người tạm thời chỉ tập trung vào game mới của Blizzard

Gói dịch vụ Fallout 76

Kể từ khi ra mắt vào năm 2018, Fallout 76 đã trở thành trung tâm của vô số những cuộc tranh cãi và vấn đề khác nhau. Mặc dù đã giành được vài sự tin cậy từ người hâm mộ tại sự kiện E3 2019, nó nhanh chóng đánh mất một lần nữa khi Bethesda công bố gói dịch vụ cao cấp của trò chơi. Với tên gọi Fallout 1st, người chơi có thể trả 13 đô-la/tháng hoặc 100 đô-la/năm để sử dụng những tính năng mà cộng đồng Fallout 76 đã đề nghị từ lâu, như server riêng, một nơi trữ đồ, một lều sinh tồn, ... Trong khi phần lớn người hâm mộ sẽ tranh luận rằng Fallout 76 chưa đủ để đảm bảo cho kế hoạch đăng ký theo kiểu game trực tuyến, nhiều người hâm mộ khẳng định những tính năng này lẽ ra không được khóa bởi một bức tường tính phí.


Gói dịch vụ bắt chẹt niềm tin còn sót nơi người hâm mộ

Tệ hơn nữa, những người hâm mộ chấp nhận bổ tiền ra nhanh chóng phát hiện vô số vấn đề của gói dịch vụ này, như việc hộp chứa đồ xóa bỏ các vật phẩm họ bỏ vào, server riêng lại để một số người chơi ngẫu nhiên lọt vào, dẫn đến trường hợp các NPC bị thương đến chết, hoặc các khu vực nơi người chơi chưa đặt chân tới đã bị loot sạch đồ trước cả khi họ kịp tới đây. Trong khi bản thân những vấn đề này đã đủ tồi tệ, chúng còn được nâng lên dựa vào mức phí đắt đỏ mà người chơi phải bỏ ra. Với một tựa game sở hữu vô vàn lỗi và một cộng đồng hâm mộ giảm dần từng ngày, các vấn đề nói trên nhanh chóng thiêu rụi chút niềm tin còn sót lại của cộng đồng dành cho thương hiệu từng rất thành công này.


Fallout 76 chính thức trở thành cái gai trong làng game thế giới

Rò rỉ thông tin báo chí của E3 2019

Trong khi sự kiện E3 2019 đã trải qua một vài thay đổi trong năm nay, như việc Sony quyết định hoàn toàn bỏ qua nó, đã có một sự cố gây sốc với ngành công nghiệp game. Vào tháng 8, trang web Electronic Entertainment Expo đã vô tình làm rò rỉ một tập tin chứa đựng hơn 2000 thông tin cá nhân của các phóng viên, người sáng tạo nội dung và những game thủ chuyên nghiệp, bao gồm số điện thoại lẫn địa chỉ nhà. Tệ hơn nữa, trang web này còn chứa đựng các danh sách liên hệ báo chí kéo dài từ năm 2004 đến 2006.


Danh sách thông tin truyền thông tại E3 2019 bị rò rỉ

Trong khi ESA đã nỗ lực cập nhật trang web ngay khi họ phát hiện ra vấn đề, với hành động đầu tiên là xóa bỏ các chi tiết và bổ sung thêm các lớp bảo mật, những phiên bản lưu trữ của trang web vẫn còn đó và bất kì ai tìm kiếm cũng có thể nhìn thấy nó. Tuy vấn đề này đã được giải quyết, và ESA đã ra mặt xin lỗi vì sự cố nói trên, đó chắc chắn là một khoảnh khắc không thể quên của làng game thế giới.

Sự kiện thất bại trong Apex Legends

Apex Legends là một cú hit đầy bất ngờ với cộng đồng game thủ, ra mắt vào tháng 2 mà không có một chiến dịch quảng bá truyền thống, để rồi thành công mạnh mẽ nhờ vào cộng đồng hâm mộ, và cả việc nó là một game miễn phí. Không đi theo phương thức trả phí mua game như thông lệ, Respawn Entertainment dĩ nhiên sẽ phải bổ sung microtransactions với skin, vật phẩm trang phục, ... để người chơi bỏ tiền ra, kèm theo đó là những sự kiện đặc biệt.

Nhưng điều này không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ, mà trường hợp điển hình là sự kiện Iron Crown diễn ra vào tháng 8, với các skin độc quyền và những vật phẩm khác như Raven's Bite. Sự kiện này đã phá vỡ lời hứa hẹn ban đầu của Respawn về việc kiếm lợi nhuận từ game theo một cách công bằng và tôn trọng thời gian, tiền bạc của người chơi.


Sự kiện "làm tiền" gây bức xúc cộng đồng Apex

Cách duy nhất để sở hữu những món đồ trong sự kiện là mua loot boxes với mức giá 7 đô-la mỗi hộp. Để sở hữu trọn bộ, người chơi sẽ cần tốn khoảng 154 đô-la, sau đó bỏ thêm 35 đô-la nữa để mua Raven's Bite, một hành động mà người hâm mộ cảm thấy phi lý. Sự chỉ trích tăng lên nhanh chóng, thậm chí mọi thứ còn tồi tệ hơn khi một người trong đội ngũ phát triển tại Respawn đã đi quá đà và gọi người hâm mộ là "những kẻ tư lợi và ngu ngốc". Dĩ nhiên, kể từ đây mọi thứ càng ngày càng đi xuống.

Sau đó, CEO của Respawn, ông Vince Zampella đã phải lên tiếng xin lỗi về tình huống nói trên, khẳng định việc vượt qua lằn ranh của đội ngũ làm game, và điều này không phải là cách mà ông muốn hãng thể hiện ra. Sau đó, tình hình của Apex Legends dường như đã ổn định hơn, khi Season 3 vừa ra mắt với bản đồ mới, và bản thân trò chơi cũng đã nhận được danh hiệu Game Multiplayer hay nhất năm tại sự kiện trao giải The Game Awards 2019 vừa qua.

Pokedex Quốc gia của Pokemon Sword và Shield

Sau khi chiếc máy Nintendo Switch ra mắt, cộng đồng hâm mộ Pokemon trên thế giới đã rất kiên nhẫn chờ đợi tựa game chính thống mới trong thương hiệu lâu năm này đặt chân lên vùng đất đầy hứa hẹn. Họ đã chính thức thỏa lòng với hai tựa game Pokemon Sword và Shield, nhưng khi càng có nhiều thông tin về game được tung ra, lời than phiền cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn. Vấn đề lớn nhất đến từ National Pokedex, khi nó vắng mặt một cách kì lạ khỏi hai tựa game mới nhất này. 

Sự kiện nói trên được cộng đồng đặt tên là Dexit, như một sự kết hợp giữa sự kiện Brexit (Vương quốc Anh tách khỏi Liên minh Châu Âu) với PokeDex, chủ yếu do Pokemon Sword và Shield lấy bối cảnh trong một khu vực được lấy cảm hứng từ Vương quốc Anh. PokeDex của vùng Galar được biết là đang thiếu mất gần 500 Pokemon từ những tựa game trước đây, với Charizard là bậc tiến hóa duy nhất của những Pokemon khởi đầu từ các thế hệ trước còn tồn tại trong Pokemon Sword và Shield, bên cạnh Pikachu với Eevee. Người hâm mộ đã không ngừng thể hiện sự thất vọng của mình trên các trang xã hội như Reddit, nhưng có vẻ mọi thứ không mấy ảnh hưởng đến doanh thu của game kể từ khi ra mắt vào tháng 11 tới nay.

Lỗi Drift trên tay cầm Joy Con của Nintendo

Mặc dù Nintendo Switch đã liên tục thành công kể từ khi ra mắt vào năm 2017 đến nay, nó vẫn không thể "miễn nhiễm" trước những tranh cãi. Vấn đề phổ biến nhất của hệ máy này xoay quanh tay cầm có thể tháo rời ở hai bên máy, được biết đến với tên gọi Joy-Cons. Người chơi thời gian qua đã bắt đầu nhận thấy các nút thumbstick trên Joy-Con sẽ chuyển động kể cả khi người chơi không dùng đến chúng. Điều này khiến cho một số nhân vật hoặc mục tiêu trong game tự ý di chuyển.

Những lời than phiền liên tục gia tăng, và vấn đề trượt nút bấm trên tay cầm Joy-Con lên tới đỉnh điểm vào tháng 7, khi một công ty luật bắt đầu điều tra xem một vụ kiện tập thể Nintendo có được thực hiện hay không. Tuy không rõ nguy cơ của vụ kiện có phải là một động lực hay không, Nintendo đã đồng ý không chỉ sửa miễn phí những tay cầm chịu ảnh hưởng, mà còn hoàn tiền cho cả những người đã sửa chữa nó trước đó. 

(Còn tiếp)

Bài cùng chuyên mục