Những bộ phim tâm lý này dù được đánh giá xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật kinh điển nhưng nội dung 18+ mà nó sở hữu cũng từng là đề tài gây nhiều tranh cãi.
Crash (1996)
Mặc dù là tác phẩm giành được giải thưởng tại LHP Cannes danh giá song Crash (tựa Việt: Đổ vỡ) do đạo diễn David Cronenberg thực hiện vẫn nhận về nhiều tranh cãi. Thậm chí, bộ phim còn bị cấm phát hành tại Anh vì sở hữu quá nhiều những cảnh phim đẫm máu và tình dục trần trụi.
Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của J. G. Ballard, Crash kể về một nhà sản xuất phim James Spader có một cuộc hôn nhân vô cùng cởi mở với người vợ Holly Hunter. Họ đang có cuộc sống rất êm đềm nhưng một tai nạn giao thông diễn ra đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời họ. Cả hai bỗng tìm thấy cảm hứng tình dục trong những vụ tai nạn xe hơi đẫm máu.
Dù từng giành một giải thưởng đặc biệt vì “tính sáng tạo và táo bạo” tại LHP Cannes nhưng tác phẩm này đã khiến nhiều khán giả phải đứng dậy bỏ về vì phẫn nộ. Tại Mỹ, bộ phim được phát hành ở cả hai phiên bản NC-17 và R. Riêng phiên bản NC-17 của Mỹ được gắn mác "Phim gây tranh cãi nhất" trong nhiều năm.
The Piano Teacher (2001)
Ngay khi vừa ra mắt vào năm 2001, The Piano Teacher (tựa Việt: Giáo viên dạy dương cầm) của đạo diễn tài ba người Áo - Michael Haneke đã tạo nên cú sốc lớn của làng điện ảnh khi lần đầu tiên một tác phẩm khai thác nhiều góc khuất ẩn ức tính dục của một người giáo viên lại đạt rất nhiều giải thưởng lớn, trong đó có 3 Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes danh giá.
The Piano Teacher gây tranh cãi lớn với người hâm mộ khi khai thác góc khuất ẩn ức trong đời sống tình dục của một người phụ nữ là giáo viên dạy dương cầm. Cô có quan hệ nhạy cảm với cậu học trò của mình, điều gây ám ảnh với người xem là sự giằng xé và tâm hồn đầy bạo liệt của người phụ nữ với nhiều hành vi khoái cảm tính dục có phần lệch lạc, bệnh hoạn như tật khổ dâm, tự bạo hành thân xác...
Mạch phim rợn ngợp, hành động khó đoán, bệnh hoạn của cô giáo dạy dương cầm và mối tình lệch tuổi với cậu học trò trẻ tuổi đã khiến cho The Piano Teacher trở thành “bản dương cầm” loạn nhịp và đầy ám ảnh nhất mọi thời đại.
Secretary (2002)
Secretary (tựa Việt: Nữ thư kí) được xem là phiên bản siêu chất lượng hơn cả 50 sắc thái cả về nội dung, ý nghĩa truyền tải lẫn mức độ táo bạo, nhạy cảm.
Nội dung phim xoay quanh Lee Holloway - cô nàng với tâm lý không ổn định, mang căn bệnh self-cut hạng nặng (hội chứng tự cắt, rạch cơ thể để giải tỏa cảm xúc) và vừa hoàn thành khóa điều trị để trở về cuộc sống bình thường. Ngay lúc đó, công việc làm thư ký cho một ông chủ giàu có như một cơ hội để thay đổi cuộc đời.
Từ đó, câu chuyện về cô thư ký quyến rũ thích tự làm đau bản thân và ông chủ điển trai với sở thích khác người sẽ đưa bạn trải nghiệm những cung bậc cảm xúc vừa quái lạ, vừa kỳ dị, vừa hài hước theo cách lãng mạn nhất mà bạn có thể tưởng tượng ra.
Lấy chất liệu S&M (bạo dâm và khổ dâm) làm bối cảnh, Secretary là bộ phim hiếm hoi mang theo thông điệp tích cực về BDSM. Chính vì thế mà bộ phim vẫn được giới phê bình đánh giá là bạo liệt và có cảm xúc hơn nhiều so với tác phẩm gắn mác 18+ đã rất nổi tiếng - 50 sắc thái.
Gone Girl (2014)
Là tác phẩm được chuyển thể từ quyển tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Gillian Flynn từng tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới vào năm 2012, Gone Girl nhận được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn và được xem là phiên bản nâng cấp mới mẻ của tựa phim Bản năng gốc.
Câu chuyện phim bắt đầu từ sự mất tích bí ẩn của Amy Elliott Dunne, vợ của Nick Dunne đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm ngày cưới của hai người. Mọi nghi ngờ đều dồn vào người chồng Nick Dunne và số đông đều cho rằng anh đã giết vợ. Dù luôn khẳng định mình vô tội, lời khai của Nick luôn có những sơ hở như thể anh đang che giấu một bí mật gì đó. Theo chân cuộc điều tra của cảnh sát, người xem được khám phá về chuyện tình lãng mạn của cả hai vợ chồng từ thuở mới gặp gỡ, yêu nhau, tiến đến hôn nhân và trải qua những khủng hoảng tâm lý như bao cặp vợ chồng trẻ khác. Từng chi tiết, từng nút thắt được mở ra mang đến cho người xem một câu trả lời vô cùng bất ngờ.
Bên cạnh những cảnh tình dục và máu me tràn ngập, bộ phim vẫn có những khoảng lặng đầy tính suy ngẫm, nội tâm phức tạp của người vợ khiến người xem ám ảnh và không ngừng đặt câu hỏi về sự phức tạp trong thế giới nội tâm của người phụ nữ.
The Handmaiden (2016)
The Handmaiden (tựa Việt: Người hầu gái) là bộ phim tâm lý gắn mác 18+ nổi tiếng của vị đạo diễn đến từ xứ sở kim chi - Park Chan Wook.
Chuyển thể từ tiểu thuyết "Fingersmith" của nhà văn người Anh Sarah Waters, The Handmaiden là câu chuyện được kể lại qua ba góc độ với ba nhân vật khác nhau trong bối cảnh những năm 30 ở Triều Tiên khi đang còn là thuộc địa của Nhật Bản. Sook Hee (Kim Tae Ri) là cô gái hành nghề móc túi, được Fujiwara (Ha Jung Woo) – tên lừa đảo người Hàn giả làm bá tước Nhật Bản, gửi đến làm người hầu gái cho một gia đình Nhật Bản giàu có. Kế hoạch của Fujiwara là dụ dỗ Hideko (Kim Min Hee) – nữ thừa kế của gia đình này để cô kết hôn với hắn. Sau đó hắn sẽ gửi cô đến nhà thương điên ở Nhật để chiếm được tài sản của cô. Tuy nhiên, mọi chuyện rẽ sang một hướng hoàn toàn khác khi hai người phụ nữ bắt đầu có cảm xúc dành cho nhau.
Mang đậm chất điên loạn đặc trưng của nhà làm phim Park Chan Wook cùng với một chút hung hăng, táo bạo, một chút quyến rũ, nữ tính và ly kỳ, rùng rợn qua hành trình khám phá bản chất nhục dục thực sự trong mỗi nhân vật, The Handmaiden xứng đáng được xem là tinh hoa hiếm thấy của môn nghệ thuật thứ bảy.