Review Cậu Vàng: Tác phẩm nâng tầm văn học hiện thực phê phán Việt Nam

Cậu Vàng - phim điện ảnh lấy cảm hứng từ truyện ngắn Lão Hạc của cố nhà văn Nam Cao đã cho thấy sợi dây liên kết mật thiết giữa văn học và điện ảnh. Bên cạnh đó, tựa phim đã góp phần đưa văn học hiện thực phê phán Việt Nam đến một tầm cao mới khi kể một câu chuyện thân quen bằng thứ ngôn ngữ giàu sắc màu và cảm xúc.

Ngay từ khi công bố dự án, Cậu Vàng của đạo diễn Trần Vũ Thuỷ đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Cậu Vàng là tựa phim được thực hiện dựa trên truyện ngắn Lão Hạc của cố nhà văn Nam Cao, do chính tay cố nghệ sĩ Bùi Cường chấp bút kịch bản. Đây có thể xem là bước tiến lớn để rút ngắn khoảng cách giữa điện ảnh đương đại và văn học trong bối cảnh chúng đang dần bị tách biệt.

Nội dung Cậu Vàng xoay quanh cuộc sống của những con người thấp cổ bé họng ở làng Vũ Đại. Trong thế bị chèn ép, bóc lột, có kẻ bị tha hoá đi, song cũng có người luôn giữ cho mình bản tính thiện lương vốn có, như lão Hạc. Sáng tạo thêm nhiều tình tiết mới so với tác phẩm gốc của cố nhà văn Nam Cao, tuy nhiên Cậu Vàng nhìn chung vẫn giữ được tinh thần cốt lõi mà tác phẩm Lão Hạc muốn truyền tải, thậm chí còn đan xen nhiều thông điệp ý nghĩa về tình người.

Lấy cảm hứng từ tác phẩm Lão Hạc, song khi xem phim, chúng ta sẽ nhận ra Cậu Vàng là sự kết hợp giữa bộ ba tác phẩm Lão Hạc, Sống mònChí Phèo của nhà văn Nam Cao. Đây là sự kết hợp vô cùng độc đáo, phải là người từng đọc qua các tác phẩm và tinh ý khi xem phim mới có thể nhận ra được. Chuyển thể một tác phẩm kinh điển và mang nó lên màn ảnh rộng là một điều không hề dễ dàng. Thách thức này không chỉ dành riêng chi biên kịch, hay đạo diễn mà đó là khó khăn chung của một ekip làm phim. Rõ ràng Cậu Vàng đã có những bước đi đầu tiên đầy trở ngại khi tuyển chọn "diễn viên chính" là một chú chó Nhật giống Shiba Inu, nhưng những gì mà chú chó này thể hiện trong phim đã dần khiến những định kiến bị xoá nhoà.

Tuỳ quan điểm của từng người mà mức độ của sự việc được đánh giá khác nhau, song công bằng mà nhìn nhận thì Cậu Vàng đã làm tốt vai trò của một tác phẩm chuyển thể. Những tình tiết sáng tạo thêm được sắp xếp logic, từng lớp sự kiện được bố trí theo trình tự hợp lý, tạo được điểm nhấn cho phim. Ngoài ra, nếu bạn là một khán giả đã đọc qua nguyên tác thì với Cậu Vàng, yếu tố bất ngờ vẫn được đảm bảo với những nút thắt tinh tế trong kịch bản. Đây là điều mà ít tựa phim chuyển thể nào có thể làm được trọn vẹn.

Xét về mặt nội dung, Cậu Vàng gần như đã hoàn thành tốt vai trò của mình với tư cách một phim điện ảnh lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học. Qua bộ phim của đạo diễn Trần Vũ Thuỷ, khán giả sẽ có cái nhìn toàn cảnh hơn về bối cảnh thời đại mà tác phẩm ra đời, đồng thời hiểu hơn về dòng văn học hiện thực phê phán những năm 1930 - 1945. Văn học hôm nay đã sang trang khi có được những tác phẩm điện ảnh đẹp như Cậu Vàng.

Tuy nhiên, nếu công bằng mà nhìn nhận thì Cậu Vàng vẫn tồn tại những khuyết điểm nhất định. Cách dựng phim nhìn chung vẫn còn khá thô, chưa được uyển chuyển và tự nhiên. Bên cạnh đó, kĩ xảo hình ảnh là một điểm trừ lớn đối với tựa phim khi nó không tạo được cho khán giả sự dễ chịu cần thiết. Cuối cùng, với một bộ phim nhiều tuyến nhân vật như Cậu Vàng thì sự liên kết giữa các nhân vật với nhau là điều vô cùng cần thiết. Song bộ phim chỉ dừng lại ở mức xây dựng tốt background từng người chứ chưa thật sự cho thấy sự liên kết chặt chẽ của họ với nhau.

Dù không phải một tựa phim thật sự hoàn hảo nhưng suy cho cùng Cậu Vàng đã phần nào chạm được đến cảm xúc của khán giả. Đây có thể nói là một bộ phim giúp nâng tầm văn học, đặc biệt là dòng văn học hiện thực phê phán với tính ứng dụng học đường cao. Với những nỗ lực tuyệt vời của mình, ekip Cậu Vàng đã mang đến phòng vé đầu năm 2021 một câu chuyện đẹp, giàu tính nhân văn.

Phim chính thức công chiếu toàn quốc từ 08/01/2021.

 

Bài cùng chuyên mục