Lấy cảm hừng từ "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du, "Kiều" được kì vọng sẽ làm sống lại một kiệt tác văn học, cụ thể hoá những câu chữ trên trang sách bằng những thước phim màn bạc sống động. Song có lẽ với một tác gia lớn, một tác phẩm vĩ đại thì "Kiều" vẫn đang đứng trước những thách thức quá lớn, dù sự nỗ lực ở đây là điều không thể phủ nhận được.
Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền là tựa phim lấy cảm hứng từ kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Từ những ngày đầu công bố dự án cho đến khi teaser, trailer phim được tung ra, có lẽ không ít khán giả cảm thấy hiếu kì, thích thú, thậm chí mong chờ bộ phim ra rạp.
Xét tổng thể, Kiều mang đến cho người xem bức tranh toàn cảnh về xã hội phong kiến đã đến đoạn thối nát, suy đồi khi mà đồng tiền lên ngôi và trở thành thước đo cho cả tài năng lẫn phẩm giá của người phụ nữ. Việc mang một tác phẩm văn học kinh điển lên màn ảnh rộng có thể xem là nỗ lực tuyệt vời, đáng ghi nhận của những người làm nghệ thuật. Tuy nhiên chúng ta phải nhìn vào thực tế và thừa nhận rằng Truyện Kiều có vẻ đã hơi quá sức đối với những người đứng sau phim điện ảnh về người con gái trên trang thơ Nguyễn Du.
Nội dung của Kiều được xây dựng dựa trên cuộc tình tay ba giữa Thuý Kiều (Trình Mỹ Duyên) - Thúc Sinh (Lê Anh Huy) - Hoạn Thư (Cao Thái Hà), mở ra với sự kiện Thuý Kiều bán mình chuộc cha. Mã Giám Sinh đã mua Kiều với cái giá rẻ mạt - bốn trăm lượng vàng rồi mang nàng về cho Tú bà. Từ đây cuộc đời Thuý Kiều sang trang, vì trót sa vào tay "phường bán thịt", "tay buôn người" nên nhan sắc "hoa ghen", "liễu hờn" này đành phải lưu lại chốn thanh lâu, ngày ngày trở thành thứ mua vui cho dòng khách làng chơi vào ra tấp nập.
Tại đây, Kiều gặp được Thúc Sinh, người mà trong mắt nàng là một thương nhân nho nhã, khác biệt với hàng vạn đàn ông đến lầu xanh chỉ xem phụ nữ như trò tiêu khiến, thứ mua vui mà mặc sức chà đạp. Cũng vừa hay, Thúc Sinh lần đầu gặp Kiều đã đem lòng yêu mến, sau đó quyết định chuộc thân cho nàng. Những tưởng đây sẽ là bước ngoặc hạnh phúc của đời Kiều, song nàng không thể ngờ rằng bi kịch mới chỉ vừa mở ra bởi bên cạnh Thúc Sinh vốn đã có một người phụ nữ, đó là Hoạn Thư - vợ chàng.
Đàn bà từ cổ chí kim dù trong bất kì thời đại hay hoàn cảnh nào cũng chưa từng dễ dàng chấp nhận kiếp chồng chung. Nguyễn Du đã miêu tả cái ghen của Hoạn Thư như "lửa" - "Lửa tâm càng dập càng nồng / Giận người đen bạc ra lòng trăng hoa". Có lẽ khi đến với Kiều, chúng ta cũng như nhiều khán giả khác sẽ rất trông đợi "cái ghen" của Hoạn Thư và cách nhân vật này đối đãi với nữ nhân bên cạnh chồng mình là Thuý Kiều. Tuy nhiên ở bộ phim của đạo diễn Mai Thu Huyền, Cao Thái Hà - nữ diễn viên thủ vai Hoạn Thư vẫn rất hiền, thậm chí có chút nhạt nhoà. Đài từ chưa tốt cùng với tạo hình không đủ sắc bén của Cao Thái Hà đã biến Hoạn Thư trở thành một nhân vật nửa vời, một người phụ nữ cam chịu chứ không thực sự sắc sảo như những gì chúng ta có thể mường tượng ra.
Bên kia chiến tuyến, Trình Mỹ Duyên - nữ diễn viên đóng vai Kiều cũng không thực sự thể hiện tốt vai diễn "đinh" của bộ phim. Sở hữu nhan sắc ấn tượng, song về mặt cảm xúc, Mỹ Duyên hoàn toàn không thể chạm được đến trái tim khán giả, mặc cho Thuý Kiều là nhân vật có chiều sâu về nội tâm và có cả câu chuyện dễ đồng cảm. Nếu công tâm đánh giá, chúng ta buộc phải thừa nhận vai diễn này của Trình Mỹ Duyên chỉ có thể được đánh giá cao về phần nhìn.
Trong ba vai điễn trung tâm của Kiều, mỗi vai đều có những vấn đề riêng. Lê Anh Huy trong trường hợp này đã mang đến màn ảnh vai Thúc Sinh khá gượng gạo, ồn ào với nét diễn tương đối "over" so với những gì bộ phim thực sự cần ở vai diễn này. Ngược lại, sự nho nhã là điều không thể thiếu ở Thúc Sinh lại hoàn toàn mất tăm trong cách diễn của nam diễn viên.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay ở đầu bài viết này tôi đã khẳng định Truyện Kiều có vẻ đã quá sức đối với những người đứng sau Kiều. Cách xây dựng kịch bản và lời thoại của bộ phim đều gặp những lỗ hổng lớn: thiếu sự mạch lạc, tính liên kết, thiếu logic và thậm chí còn thiếu đi tính tự nhiên cần có của những câu thoại thông thường, chứ chưa bàn đến những câu thoại hay.
Ngoài ra, điểm trừ lớn nhất, khó lòng tha thứ được ở Kiều chính là cảnh nóng. Về cách dàn dựng, bộ phim dường như chỉ thể hiện được sự táo bạo trong cách ái ân giữa nam - nữ chứ không hề quan tâm đến vị trí của người đàn ông và người phụ nữ đặt trong bối cảnh xã hội bấy giờ ở cảnh 18+ giữa Thuý Kiều và Thúc Sinh. Điều này cực kì quan trọng bởi ý thức hệ là yếu tố góp phần to lớn chi phối nhận thức con người, trong bất kì xã hội nào cũng đều không có ngoại lệ. Mặt khác, cảnh "vợ chồng" giữa Thúc Sinh và Hoạn Thư cũng bị kéo dài trong khi chỉ cần một cú máy đặc tả là quá đủ. Phân cảnh này có phần hơi "thô", thậm chí không làm người xem thích thú mà ngược lại còn gây khó chịu khi theo dõi. Thêm vào đó, màu sắc tâm linh, huyền diệu trong phim bị lạm dụng quá nhiều, càng khiến cho câu chuyện thêm phần lủng củng.
Tuy nhiên, phải công nhận rằng Kiều là một sản phẩm cho thấy sự cố gắng vượt bậc cùng với ý thức rút ngắn khoảng cách giữa văn học và điện ảnh của đạo diễn Mai Thu Huyền nói riêng và ekip nói chung. Đây rõ ràng không phải một bước đi quá vững chắc cho thể loại phim chuyển thể từ tác phẩm văn học đối với điện ảnh Việt, nhưng Kiều là bộ phim tạo động lực lớn, thúc đẩy nhiều nhà làm phim khác nghĩ đến vốn chất liệu làm phim màu mỡ mà xưa nay vẫn chưa được tận dụng tốt, đó là kho tàng văn học nước nhà. Rõ ràng chúng ta đang đứng trước rất nhiều thách thức lẫn khó khăn khi có ý định khai phá "mảnh đất" này", song không đồng nghĩa là không thể làm được. Với Truyện Kiều, Kiều dường như đã hơi đuối sức bởi đó vốn đã là tác phẩm quá kinh điển, nhưng đối với nhiều tác phẩm khác, điện ảnh Việt vẫn có thể mang đến màn ảnh rộng những thước phim vô cùng chất lượng.
Phim có suất chiếu sớm từ 19:00 07/04/2021 và chính thức công chiếu toàn quốc từ 09/04/2021.
Điểm: 5/10