Thời gian gần đây, tiếng nói nữ quyền trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ của nền điện ảnh thế giới. Nối tiếp những bộ phim phản ánh hiện thực về cuộc sống của người phụ nữ, các nhà làm phim xứ Kim Chi đã cho ra mắt Kim Ji Young 1982 (Kim Ji Young: Born 1982) - tựa phim khẳng định và đề cao vị thế nữ quyền trong xã hội phương Đông.
Khác với phương Tây, việc phân biệt giới tính diễn ra ở phương Đông có mức độ nghiêm trọng và biến chuyển phức tạp hơn. Quan niệm "Trọng nam khinh nữ" từ lâu đã thâm căn cố đế trong tư duy và tiềm thức xã hội người Á Đông khiến vai trò, giá trị của người phụ nữ bị xem nhẹ. Cũng bắt nguồn từ đây, phái đẹp cho rằng tất cả sự bất công mình gánh chịu là lẽ tất yếu của tự nhiên và tệ hơn, đại đa số họ cũng không có ý định phản kháng hay giành lại vị thế xứng đáng của mình.
Kim Ji Young 1982 là bộ phim không chỉ nói về một người phụ nữ mang tên Kim Ji Young, mà nói về một xã hội chịu sự chi phối của ý thức hệ nam quyền, khiến phụ nữ từ đời này qua đời khác luôn bị áp đặt bởi những quy tắc bất thành văn của định kiến về giới tính.
Tiếng nói nữ quyền thời gian gần đây đã trở thành trào lưu mạnh mẽ của điện ảnh thế giới. Bằng cách này hay cách khác, các nhà làm phim luôn đặt để các chi tiết đầy ẩn ý để khẳng định giá trị của phái đẹp trong các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận rằng chúng ta và các nhà sáng tạo nghệ thuật đã, đang đi trên con đường của sự đồng cảm, thương hại đối với người phụ nữ, cả trên phương diện sáng tạo nội dung lẫn tiếp nhận thông điệp nghệ thuật. Chúng ta tiếp cận, nhìn nhận, đánh giá bằng cảm quan, bằng lòng trắc ẩn của một con người chứ không phải tư duy lý tính đứng từ góc độ xã hội.
Nhưng với Kim Ji Young 1982 thì khác, là tựa phim được làm dựa trên nguyên tác tiểu thuyết, bộ phim khắc hoạ một người phụ nữ trẻ giàu ước mơ và hoài bão. Cô hết lòng vì gia đình, chồng con song vẫn chưa bao giờ từ bỏ ước mơ như cái cách mẹ mình, chị mình đã từng. Và hơn thế nữa, Kim Ji Young là hình mẫu phụ nữ điển hình cho sự mạnh mẽ, không ngại khác biệt với số đông. Như cá hồi vượt thác, cô đi ngược dòng chảy của xu thế và định kiến xã hội để phá vỡ những khuôn khổ từ lâu đã định hình, giam cầm sức mạnh nữ quyền để được làm điều mình thích.
Phải khẳng định rằng đây không phải bộ phim dành cho khán giả đại chúng khi mà màu sắc tâm lý dường như trở thành yếu tố chủ đạo chi phối toàn bộ mạch phim. Sự nặng nề là điều khó tránh khỏi nhưng nếu xét đến ý nghĩa thực tiễn, thì đây là câu chuyện giá trị, có tầm vóc và tác động đến tư duy xã hội.
Đặt để nhân vật Kim Ji Young vào trung tâm câu chuyện với vai trò người vợ, người mẹ, người con bị chứng trầm cảm sau sinh cùng một loại bệnh tâm lý khác, các nhà làm phim đã phản ánh một hiện thực phũ phàng trong đời sống xã hội Đại Hàn Dân Quốc nói riêng và cộng đồng người Á Đông nói chung. Thân phận những người phụ nữ từ khi còn là các bé gái vốn dĩ đã chịu nhiều bất công, thiệt thòi. Việc đến trường cũng như trình độn học vấn của phái nữ không được coi trọng, đồng thời sự hi sinh được áp đặt lên số phận của họ như một trách nhiệm đầy cay đắng được tô hồng bằng lớp vỏ bọc đẹp đẽ mà người ta gọi là "thiên chức".
Với Kim Ji Young 1982, khán giả sẽ có riêng cho mình những chiêm nghiệm về mối quan hệ, sự gắn kết của các thành viên trong gia đình. Khi mọi sự quan tâm đổ dồn về phía người đàn ông, người con trai, đồng nghĩa với việc người con gái, người phụ nữ sẽ thêm phần gánh nặng. Đương nhiên chúng ta không thể đòi hỏi xã hội phải đối xử với phái đẹp như cái cách đối với phái mạnh, song việc phân biệt, nặng hơn là kì thị giới tính dẫn đến sự đánh giá chuyên môn sai lệch là điều không thể tồn tại trong một cộng đồng văn minh.
Trở lại với câu chuyện của Kim Ji Young, chúng ta nhận ra phải miễn cưỡng lắm mới có thể chấp nhận rằng Jeong Dae Hyun - chồng cô vẫn đỡ đần vợ trong việc chăm sóc Ah Young - con gái của họ. Quy chiếu vào thực tế, những người đàn ông hiện nay cũng không khác mấy Dae Hyun, theo nghĩa là họ giúp đỡ gia đình về kinh tế, và giúp vợ mình chỉ bằng lời nói. Cái phụ nữ cần đôi khi chỉ là những hành động nhỏ, nhưng cụ thể, những lời hỏi thăm có thể khô khan, nhưng phải nhất mực chân thành.
Bộ phim không chỉ khắc hoạ hành trình thay đổi của Ji Young mà còn tái hiện quá trình "trưởng thành" của người đàn ông bên cạnh cô. Dae Hyun làm cha vì bản thân và gia đình anh muốn, song chúng ta đều hiểu anh chưa sẵn sàng để trở thành người chồng, người cha tốt khi mà tình yêu anh dành cho tổ ấm của mình chưa thể cụ thể hoá bằng hành động.
Rất đơn giản, rất đời thường, Kim Ji Young 1982 mang đến cho màn ảnh một câu chuyện chẳng lên gân, ồn ào song lại chứa đựng nhiều tầng nghĩa xã hội về nữ quyền, đồng thời khẳng định và đề cao vai trò phái đẹp bằng cách định hình giá trị của họ. Những câu chuyện về gia đình của xứ Kim Chi xưa nay đi theo một motif khá quen thuộc, nói mới không mới, nói cũ cũng không cũ, nhưng hướng đi của bộ phim này thật sự rất sáng và xứng đáng trở thành nền tảng phát triển xu hướng nữ quyền của điện ảnh giai đoạn sau này theo một hướng mới.
Phim chính thức công chiếu toàn quốc từ 01.11.2019.